Phóng viên DPA được các đồng nghiệp quốc tế khen ngợi

Kristina Dunz, phóng viên của Hãng thông tấn Đức (DPA) đã được các đồng nghiệp khen ngợi khi đã đặt ra những câu hỏi khó dành cho Trump mà ông này vẫn thường xuyên tránh né.

Kristina Dunz trong buổi họp báo hồi cuối tuần vừa qua tại Nhà Trắng. Ảnh: Internet 
Kristina Dunz trong buổi họp báo hồi cuối tuần vừa qua tại Nhà Trắng. Ảnh: Internet 

Trong chuyến công du của bà Merkel tới Nhà Trắng hồi cuối tuần vừa qua, Kristina đã mạnh dạn hỏi ông Trump rằng: “Vì sao ông lại sợ sự đa dạng trong thông tin và truyền thông đến mức ông liên tiếp nhắc tới tin tức giả? Kèm theo đó là những thứ mà không thể được chứng thực, như câu chuyện ông bị nghe lén bởi cựu Tổng thống Obama?”

Ông Trump đã “làm ngơ” trước phần lớn câu hỏi của cô, và chỉ trả lời vấn đề liên quan tới chính sách đối ngoại, khẳng định ông không phải là một người biệt lập.

Kristina đã lên tiếng, nói rằng mình không xứng đáng với các lời khen, khẳng định với tờ Stern rằng cô chỉ làm việc mà các nhà báo Mỹ đã không thể làm.

Cô nói rằng: “Ông Trump đã không cho phép các nhà báo đặt ra những câu hỏi khó, và điều này tự nhiên sẽ gây chú ý. CNN, Washington Post và New York Times cũng những tờ báo khác đã không có cơ hội để hỏi những câu hỏi đó. Ông Trump giờ chỉ lựa chọn những nhà báo khá ‘lành’, những người sẽ không đưa ra các câu hỏi “hóc búa”. Chúng tôi, những nhà báo người Đức, biết rằng các đồng nghiệp người Mỹ tại cuộc họp báo đó sẽ muốn chúng tôi đưa ra những câu hỏi như thế”.

Cô nói rằng ông Trump có quyền lựa chọn nhà báo nào được xuất hiện và được có mặt trong các cuộc họp báo, còn bà Merkel không có khả năng làm như vậy tại Đức.

Các nhà báo không đặt ra câu hỏi để “khiêu khích”, mà vì họ “muốn biết một điều gì đó”, cô khẳng định.

Kristina cho biết cô còn được một người đồng nghiệp người Mỹ khuyên nên đặt câu hỏi bằng tiếng Đức vì như thế ông Trump sẽ không thể cắt lời và phải chờ tới khi câu hỏi được dịch hết để trả lời.

Cô cũng khẳng định rằng: “Tôi xin cảm ơn những lời khen của mọi người, nhưng tại Mỹ vẫn còn rất rất nhiều những nhà báo giỏi đang chỉ trích mạnh mẽ ông Trump. Những người muốn áp bức báo chí là những người không hiểu hết được vai trò của truyền thông đối với nền dân chủ”.

Ông Trump đã có một mối quan hệ cực đáng lo ngại với báo chí kể từ khi tranh cử và đã liên tục chỉ trích các hãng thông tấn lớn như CNN và New York Times.

Tháng trước, thư ký báo chí Sean Spicer đã bị chỉ trích nặng nề vì đã cố tình gạt một số hãng tin lớn khỏi cuộc đưa tin không chính thức, nhưng lại cho phép một số tổ chức ủng hộ ông Trump tham gia như tờ Breitbart.

Theo Công luận

TIN LIÊN QUAN

Tin mới