Quan tâm hơn nữa đến trẻ em đặc biệt khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Việc chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được các tổ chức xã hội và cả cộng đồng ở Nghệ An quan tâm. Tuy nhiên, vì số lượng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn lớn, lại thuộc nhiều địa bàn xa xôi, nên vẫn còn nhiều trẻ chưa tiếp cận được sự hỗ trợ của cộng đồng.

Nhiều trẻ chưa được đáp ứng nhu cầu tối thiểu

Theo chị Trần Thị Lộc - cán bộ chính sách huyện Nghi Lộc, trên địa bàn huyện hiện có 1.060 cháu có hoàn cảnh đặc biệt và hoàn cảnh khó khăn, bao gồm 43 trẻ mồ côi không nơi nương tựa, 492 trẻ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, 525 trẻ bị khuyết tật.

Huyện cũng đã thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các chế độ trợ giúp xã hội thường xuyên đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng để trẻ được đáp ứng nhu cầu tối thiểu thì đang rất cần sự chung tay của nhiều tổ chức trong cộng đồng.

Ở xã Nghi Hoa (huyện Nghi Lộc) có 27 trường hợp là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có khoảng 10 trẻ khuyết tật được nhận trợ cấp hàng tháng. Theo cán bộ chính sách xã, những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ nghèo và cận nghèo ở đây đang rất thiếu thốn trong cuộc sống hằng ngày, như về thuốc men, điều kiện khám chữa bệnh và chi phí học hành. Hằng năm, xã Nghi Hoa đều vận động các nguồn để hỗ trợ thêm cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt và hoàn cảnh khó khăn, nhưng không được bao nhiêu.

gia đình ông Kiện bà Thủy có ba người con đều khuyết tật trí tuệ.JPG
Gia đình của ông Kiện, bà Thủy ở xã Nghi Hoa, Nghi Lộc có 3 người con bị thiểu não trí tuệ. Ảnh: Thanh Nga

Chị Phan Thị Huyền - cán bộ chính sách xã Nghi Hoa cho biết: Những năm gần đây, đa số các cháu được quan tâm, ngày lễ, ngày tết đều có quà tặng; các cháu trong diện đặc biệt đều có trợ cấp theo quy định, nhưng để đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu thì thực tế cũng chưa đủ. Ví dụ, trẻ khuyết tật cần ở trong môi trường được chăm sóc đặc biệt, hay có cơ chế tái khám định kỳ, nhưng đều chưa được đáp ứng. Vì đa số trẻ khuyết tật đều nằm trong nhóm hộ nghèo và cận nghèo, nên gia đình không đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu thuốc men tối thiểu cho các cháu. Nguồn lực của xã hội và chính quyền địa phương cho các cháu cũng chỉ ở mức rất nhỏ so với nhu cầu tối thiểu đó.

IMG-9293.jpg
Tặng quà cho gia đình ông Đặng Văn Kiện. Ảnh: P.V

Đơn cử hoàn cảnh gia đình ông Đặng Văn Kiện và bà Trần Thị Thủy trú xóm Hòa Tây, xã Nghi Hoa (Nghi Lộc) là một trong những hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Gia đình bà có 3 người con, thì cả ba đứa trí tuệ không bình thường. “Đứa lớn 18 tuổi, lấy chồng từ hai năm trước, nhưng nay về nhà mẹ đẻ ở hẳn. Đứa nhỏ chỉ mới học lớp 9 nhưng học rất kém. Tất cả lo toan đều trút lên đầu tôi...,” bà mẹ có chút tỉnh táo nhất nhà cho biết.

Hiện 5 người trong gia đình ông Kiện và bà Thủy sống trong ngôi nhà tình nghĩa rộng chừng 50 m2 nhưng chất đầy phế liệu do khi đi dọn rác ở chợ, thấy có gì còn có chút giá trị là ông bà và con nhặt về mong bán lại kiếm thêm chút thu nhập. Hằng ngày, cả 5 cha con mẹ con làm nghề quét rác ở chợ huyện gần nhà với mức thù lao gần 2 triệu đồng/tháng. “Tuy tiền hỗ trợ dành cho người khuyết tật cho các con cũng được hơn 2 triệu đồng nhưng không thể đủ chi phí thuốc men và những thứ tối thiểu cần cho cuộc sống” - chị Phan Thị Huyền cho biết thêm.

tổ chức Tết thiếu nhi cho trẻ tại xã Hữu Lập.png
Tặng quà cho học sinh ở xã Hữu Lập, Kỳ Sơn. Ảnh: P.V

Địa bàn huyện Kỳ Sơn hiện có 668 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có 362 trẻ khuyết tật; 306 trẻ mồ côi và hoàn cảnh khó khăn khác. Ông Lê Hồng Lập - Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện Kỳ Sơn cho biết: Công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em có nhiều khó khăn, bởi địa hình rừng núi hiểm trở, tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo lớn, nên các nguồn hỗ trợ chỉ như “muối bỏ biển”. Điển hình là số trẻ em khuyết tật dù đã được hỗ trợ của Quỹ Bảo trợ trẻ em trong việc thăm khám, điều trị bệnh, tuy nhiên vì đường sá xa xôi, gia đình các em lại khó khăn nên việc “phủ sóng” tất cả các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn quả thực còn cả vấn đề…

Toàn tỉnh có 899.955 trẻ em, thì số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn là 13.011 em, chiếm 1,45%, trong đó có 10.721 trẻ khuyết tật các loại chiếm 1,19% so với tổng số trẻ em; trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 134.429 trẻ.

Tại thời điểm tháng 5/2023, số trẻ em được hưởng trợ cấp thường xuyên là 16.904, trong đó: Trẻ bị khuyết tật đặc biệt nặng: 2.169 em; trẻ bị khuyết tật nặng là 5.873 em; có 8.862 trẻ dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.

Khó khăn về nguồn lực

Trong những năm qua, trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai và thực hiện tốt các Chương trình thuộc Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, đã được phê duyệt tại Quyết định số 2338/QĐ-UBND ngày 07/7/2021 của UBND tỉnh.

Trao quà cho những học sinh khó khăn trên địa bàn huyện.png
Lãnh đạo UBND huyện Kỳ Sơn tặng quà hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: CSCC

Giai đoạn từ năm 2021 đến 6 tháng năm 2023, nguồn lực thực hiện công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh là hơn 116 tỷ đồng dành hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi cha mẹ, trẻ em và gia đình bị thiệt hại do dịch bệnh và thiên tai lũ lụt. Theo ông Phan Sỹ Hiền – Phó Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh: Đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em chúng ta phải coi trọng phòng ngừa, ngăn chặn việc để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; kịp thời giải quyết, giảm nhẹ hoàn cảnh đặc biệt của trẻ em; kiên trì trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phục hồi sức khoẻ, tinh thần và giáo dục đạo đức;… Việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được thực hiện chủ yếu tại gia đình hoặc gia đình thay thế.

Ông Hiền cũng cho biết, trong năm 2022, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã huy động được hơn 19 tỷ đồng và hỗ trợ được cho 24.836 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn với các chương trình đa dạng tập trung vào nhu cầu thiết yếu của trẻ. Tuy nhiên, theo ông Hiền, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần đến sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng xã hội đang rất lớn, trong khi đó công tác khảo sát nhu cầu trẻ em cần hỗ trợ ở một số địa phương còn sơ sài, chưa sát với thực tế dẫn đến việc xây dựng và triển khai kế hoạch gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, trên thực tế qua khảo sát của Quỹ cho thấy nhận thức của một số bộ phận gia đình có trẻ khuyết tật còn hạn chế, khi tiếp nhận được thông tin đã không đưa con em mình đi tư vấn, phẫu thuật phục hồi chức năng, can thiệp sớm.

image021.png
Những món quà thiết thực được trao cho học sinh huyện Nghĩa Đàn tại Lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em. Ảnh: CSCC

Theo ông Bùi Văn Hưng – Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH, hiện còn có những tồn tại như ngân sách bố trí thực hiện các hoạt động còn hạn hẹp, chưa đảm bảo triển khai được các hoạt động cần thiết ở địa phương; số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn nói chung, trẻ em khuyết tật nói riêng các loại còn cao. Diễn biến phức tạp của thiên tai và nhất là đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến việc huy động nguồn lực xã hội để thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn nói riêng.

bna__em_nho_vung_cao_anh_ho_phuong_85525167_162019.jpeg
Em nhỏ bản Huồi Mới, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong địu em theo mẹ lên nương. Ảnh: tư liệu

Cũng theo ông Bùi Văn Hưng, thời gian tới, để làm tốt công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, công tác quản lý nhà nước và vai trò tham gia tuyên truyền, vận động, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc quản lý, vận động nguồn lực hỗ trợ trẻ em. Tổ chức tuyên truyền, vận động nguồn lực giúp đỡ trẻ em, nhất là trẻ em tại các xã đặc biệt khó, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn. Hằng năm, tổ chức rà soát, thống kê, phân loại, đánh giá nhu cầu, đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh để làm cơ sở quản lý, phân phối và tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách trợ cấp xã hội, y tế, giáo dục, kết hợp với vận động nguồn lực giúp đỡ, chăm sóc trẻ em hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn nhất là ở các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi để trẻ được tiếp cận các dịch vụ xã hội, văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí...

Ông Hưng cũng nêu đề xuất: Để trẻ em được tiếp cận nhiều hơn với các nguồn hỗ trợ cần tập trung thực hiện xã hội hóa huy động nguồn lực trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Tiếp tục duy trì các nhà tài trợ, nhà hảo tâm trong thời gian qua; cùng với đó tăng cường vận động, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang... đóng góp hỗ trợ trẻ em. Quan tâm thực hiện các nội dung, chương trình đạt kết quả thấp của giai đoạn trước...

Tin mới