Quốc hội chốt 47 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm

Số đại biểu tán thành với danh sách 47 người được lấy phiếu tín nhiệm là 476 người

Sáng 10/6, Quốc hội biểu quyết danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn. Theo đó, có 47 đang giữ chức danh được lấy phiếu tín nhiệm.

Tham gia biểu quyết danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm có tất cả 483 đại biểu Quốc hội. Số đại biểu tán thành với danh sách 47 người đang giữ chức danh là 476 người (chiếm 95,58%); không tán thành là 6 (chiếm 1,2%); không biểu quyết là 1 (chiếm 0,2%).

Trước đó, khi Quốc hội biểu quyết danh sách, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng báo cáo một số vấn đề về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn. Sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận ở đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Tiếp theo, vào buổi chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ họp phiên toàn thể tại hội trường để tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Nguyễn Thị Nương trình bày báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở đoàn và báo cáo về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm và người được lấy phiếu tín nhiệm.

Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là sự đổi mới quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước

Dự kiến, trong sáng Thứ Ba (11/6), Ban Kiểm phiếu sẽ công bố kết quả kiểm phiếu. Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII là kỳ họp đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho lấy phiếu tín nhiệm đã hoàn tất. Các đại biểu cũng sẵn sàng tâm thế lấy phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội.

Để chuẩn bị cho công việc hệ trọng này, ngay từ hơn 10 ngày trước, khi kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII khai mạc, Quốc hội đã chuyển tài liệu về các lãnh đạo trong diện lấy phiếu tín nhiệm đến với các đại biểu. Các đại biểu Quốc hội đánh giá khâu chuẩn bị tài liệu cho lấy phiếu tín nhiệm được làm sớm, đảm bảo thời gian cho đại biểu nghiên cứu kỹ lưỡng về các đối tượng lấy phiếu tín nhiệm.

Trao đổi với báo chí về việc lấy phiếu tín nhiệm, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Lá phiếu gửi đại biểu sẽ phân nhóm các chức danh được lấy phiếu. Ví dụ như nhóm lãnh đạo cấp cao (Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng), nhóm các Bộ trưởng, nhóm các Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội để các đại biểu thuận lợi trong việc tiến hành đánh giá. Từng chức danh được lấy phiếu sẽ được công bố số phiếu theo giá trị tuyệt đối của từng mức độ tín nhiệm.

Quy trình lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công khai với việc báo chí tham gia ngay từ khâu các đại biểu bỏ phiếu, công bố kết quả phiếu theo từng chức danh.

Việc công bố sẽ theo 3 mức độ tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn được cử tri, đại biểu đánh giá tín nhiệm cao nhiều thì  là người hoàn thành tốt nhiệm vụ. Còn tín nhiệm thì là hoàn thành nhiệm vụ, chỉ trừ trường hợp người nào nhiều phiếu tín nhiệm thấp quá thì mới đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ.

Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là sự đổi mới quan trọng trong đời sống chính trị đất nước nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật, đề cao quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc thực hiện quyền giám sát của Quốc hội đối với những cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước./.

Theo (vov.vn) - L.T

Tin mới