Quốc hội thảo luận tổ về Dự án Luật xử lý vi phạm hành chính

(Baonghean) - Chiều nay 10/11 Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật xử lý vi phạm hành chính. Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ số 5 với 2 đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc và Đắk Lắk.

Đại biểu Phạm Văn Hà (đoàn Nghệ An) phát biểu tại tổ

Tham gia thảo luận ở tổ, hầu hết các đại biểu quốc hội tỉnh Nghệ An, Vĩnh Phúc và Đắk Lắk đều nhất trí cao với dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính gồm có 06 phần, 11 chương và 165 điều. Các đại biểu cho rằng việc ban hành Luật sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước, quản lý xã hội. Khắc phục những bất cập trong thi hành các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính. 

Các đại biểu đề nghị về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính nên giữ nguyên như hiện nay và giao cho tòa án. Một số đại biểu đề xuất trong Luật nên có các điều quy định để cho người dân có quyền giãi bày khi bị xử phạt về hành vi - vi phạm. Còn về phạm vi điều chỉnh, các đại biểu cho rằng đây là một Bộ luật rất rộng có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, vì vậy Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ thực tiễn các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tổng kết đưa vào dự thảo luật, khắc phục tình trạng luật chỉ quy định chung chung, rà soát loại các văn bản để tránh chồng chéo. Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức về pháp luật cũng như đưa luật đến với mọi người dân, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Về vấn đề tăng mức phạt tiền vi phạm hành chính, phần lớn các ý kiến đại biểu đồng tình. Riêng đối với khu vực nội thành của 5 thành phố trực thuộc Trung ương, các đại biểu đề nghị Chính phủ quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá 02 lần mức phạt chung, áp dụng đối với cùng một hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường và trật tự quản lý đô thị trên cơ sở đề nghị của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương. Quy định như vậy sẽ bảo đảm được tính chặt chẽ và răn đe đối với các đối tượng vi phạm.

Các đại biểu cũng đề nghị trong Luật nên bỏ quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh. Nâng cao công tác quản lí và nhận thức của xã hội đối với người bán dâm. Sắp xếp lại bố cục từ ngữ tránh trùng lặp và tách các biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa đến tuổi thành niên thành một chương riêng.

Ngày mai, 11 tháng 11, buổi sáng Quốc hội Thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012 và thảo luận về dự án Luật bảo hiểm tiền gửi. Buổi chiều Quốc hội biểu quyết thông qua 4 luật: Luật lưu trữ, Luật Đo lường, Luật Khiếu nại và Luật tố cáo.

Thương Thương

Tin mới