Quốc hội thảo luận tổ về Luật Giám định tư pháp

(Baonghean) - Chiều nay 15/11 Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật giám định tư pháp. Đoàn Quốc hội tỉnh Nghệ An thảo luận tại tổ số 5 với 2 đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc và Đắk Lắk.  Tham dự buổi thảo luận có đồng chí Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Nghệ An làm tổ trưởng điều hành phiên thảo luận.

Đồng chí Phan Đình Trạc - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An điều hành buổi thảo luận tổ chiều 15/11

Phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận, hầu hết ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều nhấn mạnh:  sau 5 năm triển khai thi hành Pháp lệnh Giám định tư pháp, công tác giám định tư pháp đã đạt được những kết quả nhất định. Hệ thống tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự ở trung ương và địa phương đã được củng cố, kiện toàn một bước, đội ngũ giám định viên tư pháp đã được tăng cường. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, hiện nay Pháp lệnh Giám định tư pháp, công tác giám định tư pháp đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: thiếu các quy định cụ thể về điều kiện, giải pháp để thực hiện chủ trương xã hội hóa; nhiều quy định trong Pháp lệnh chưa rõ ràng, cụ thể, chưa có sự đồng bộ, liên thông giữa các quy định của pháp luật tố tụng hình sự, dân sự, hành chính và các văn bản pháp luật về giám định tư pháp. Trước yêu cầu thực tiễn cũng như để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của giám định tư pháp với các quy định của pháp luật có liên quan, đặc biệt là pháp luật về tố tụng, các đại biểu cho rằng sự cần thiết ban hành Luật Giám định tư pháp. Tuy nhiên các đại biểu đề nghị trong luật cần bổ sung, quy định rõ cơ chế phối hợp của cơ quan tố tụng cũng như trách nhiệm của các cấp trong giám định tư pháp.
 
Các đại biểu quốc hội tỉnh Nghệ An, Đắk Lắk và Vĩnh Phúc cho rằng trong Luật không nên phải bắt buộc phải yêu cầu người tiến hành tố tụng khi mà người tiến hành tố tụng không giám định, khi đó mới được quyền yêu cầu giám định. Xung quanh vấn đề xã hội hóa giám định tư pháp, có ý kiến đại biểu đề nghị không nên xã hội hóa hoạt động tư pháp. Tuy nhiên có ý kiến đang còn băn khoăn về tính khả thi, lý do là vì khả năng quản lý kiểm soát của nhà nước là khó và khi đã khó kiểm soát sẽ dẫn đến tiêu cực làm sai lệch trong kết quả điều tra và trong xét xử.
 
Các đại biểu quốc hội đề nghị trong luật cũng cần quy định cụ thể trình tự thủ tục giám định tư pháp,lần đầu, lần hai và lần ba. Về giám định pháp y của công an tỉnh có 2 loại ý kiến, có loại ý kiến đồng ý bỏ và ý kiến thứ 2 đề nghị không bỏ vì tính khả thi của bộ luật này không cao.
 
Ngày mai 16/11, buổi sáng Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Buổi chiều thảo luận ở tổ về Dự án Bộ luật lao động (sửa đổi) và Dự án Luật công đoàn (sửa đổi).

Thương Thương

Tin mới