G20: Vẫn bất đồng sâu sắc về Ukraine

(Baonghean) - Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Brisbane, Australia đã kết thúc hôm qua sau 2 ngày làm việc. Theo dự kiến ban đầu, tăng trưởng kinh tế sẽ là trọng tâm bàn thảo của hội nghị. Thế nhưng, với việc Hội nghị APEC vừa diễn ra cách đó ít ngày tại Bắc Kinh đã đạt được đồng thuận cao về chương trình nghị sự kinh tế, trong đó vấn đề tăng trưởng kinh tế đã phải nhường cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine vị trí tiêu điểm trong chương trình. Và một lần nữa, G20 lại chứng kiến cuộc đối đầu gay gắt giữa các nước phương Tây và Nga - một cuộc đối đầu mà chưa bên nào bày tỏ dấu hiệu nhượng bộ. 
TIN LIÊN QUAN
Nga bị “phủ đầu tập thể”
Bạo lực gia tăng, lệnh ngừng bắn bị vi phạm và thông tin về các đoàn xe chở binh lính không mang phù hiệu đi từ miền Đông Ukraine về phía biên giới Nga đã làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ đổ vỡ của thỏa thuận ký kết ngày 5/9 ở Minsk. Không những vậy, chỉ cách thời điểm khai mạc Hội nghị G20 hai ngày, Ukraine đã cáo buộc Nga đã tiếp viện binh lính và vũ khí cho lực lượng đối lập ở miền Đông để thực hiện một cuộc tiến công mới. Với những thông tin bất lợi này, không khó hiểu khi Tổng thống Nga Vladimir Putin bị “phủ đầu” ngay trong ngày đầu tiên tham dự hội nghị. 
Tổng thống Nga Putin bị cô lập tại G20
Tổng thống Nga Putin bị "phủ đầu" tại G20
“Tôi đoán tôi sẽ bắt tay ông, nhưng tôi sẽ chỉ có một điều muốn nói với ông: ông cần ra khỏi Ukraine” – đó là những gì mà ông Putin nhận được từ Thủ tướng Canada Stephen Harper. Còn Tổng thống Mỹ Barack Obama thì cáo buộc hành động của Nga là sự xâm lược “đe dọa thế giới”. Phụ họa màn buộc tội Nga, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy yêu cầu Nga phải ngừng cung cấp vũ khí và quân đội sang Ukraine, nếu không sẽ tiếp tục bị áp đặt các lệnh trừng phạt. Trong tư thế một mình đối chọi với sự khiển trách tập thể của phương Tây, vẫn như mọi khi, ông Putin vẫn tỏ ra hết sức điềm tĩnh và chỉ đáp lại bằng một lập luận duy nhất và vững chắc: chúng tôi không có mặt ở đó! 
Quay lại con bài “trừng phạt”
Những cáo buộc của phương Tây về sự can dự của Nga tại Ukraine không mới, và chừng nào phương Tây còn chưa đưa ra được bằng chứng thuyết phục, rất khó có thể trông chờ vào một sự nhượng bộ của Nga. Và những gì diễn ra tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vẫn tiếp diễn theo chiều hướng đó. Lần lượt Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel đều đã có cuộc gặp với ông Putin. Trong các cuộc gặp, lãnh đạo các nước phương Tây và Tổng thống Nga cùng gặp nhau ở quan điểm cần phải khôi phục mối quan hệ giữa Nga và phương Tây, bởi những lệnh trừng phạt qua lại lẫn nhau chỉ khiến cho cả hai bên đều chịu thiệt hại. Thế nhưng, mong muốn này lại bị đẩy vào ngõ cụt khi hai bên đối diện với câu hỏi: Khôi phục quan hệ bằng cách nào? Giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine ra sao? Việc ép Nga thừa nhận sự can dự tại Ukraine dường như là điều không thể tại thời điểm này. Trong khi đó, những lệnh trừng phạt kinh tế vẫn chưa hề làm cho ông Vladimir Putin nao núng. Trong khi truyền thông phương Tây ra sức tung ra những thông tin cho thấy nền kinh tế Nga đang lao đao trước các lệnh trừng phạt, thì tại Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa khẳng định, trừng phạt đang gây thiệt hại cho Nga nhưng cũng mang lại một số lợi ích cho nước này. Việc giới hạn áp đặt đối với các công ty của Nga mua một số hàng hóa từ những nước phương Tây đang tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước. Tổng thống Putin cũng bày tỏ tin tưởng rằng, nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 1,2% trong năm tới, 2,3 % trong năm 2016 và 3% trong năm 2017. Chỉ trích tập thể không được, trao đổi song phương không xong, các nước phương Tây lại quay trở về với con bài cũ: Trừng phạt. Câu nói của Thủ tướng Anh David Cameron thể hiện khá rõ quan điểm chung của các nước phương Tây: "Nếu Nga có cách tiếp cận tích cực đối với sự tự do và trách nhiệm của Ukraine, chúng tôi có thể dỡ bỏ những lệnh trừng phạt đó. Nếu Nga tiếp tục làm tình hình thêm trầm trọng, chúng tôi có thể gia tăng trừng phạt. Đơn giản vậy thôi". 
Xe tăng ở miền Đông Ukraine.
Xe tăng ở miền Đông Ukraine.
Ukraine trước viễn cảnh xung đột vĩnh viễn
Bất chấp những nỗ lực ngoại giao được tăng cường tại Hội nghị cấp cao G20, những diễn biến tại phía Đông Ukraine không hề có dấu hiệu giảm nhiệt. Theo trang tin Business Insider, Donetsk bị phá hủy gần như hoàn toàn bởi các cuộc pháo kích quy mô lớn và bừa bãi từ cả chính phủ và ly khai Ukraine. Cơ quan Giám sát Nhân quyền cáo buộc cả hai bên đã sử dụng bom chùm trong các cuộc tấn công cuối tuần qua. Kết quả của các cuộc giao tranh là Sân bay quốc tế, trung tâm Thành phố Donetsk bị tàn phá nặng nề, hàng trăm ngàn người phải bỏ chạy. Trong một động thái có thể khiến tình hình thêm căng thẳng, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã quyết định đóng cửa các cơ quan nhà nước và dịch vụ ngân hàng tại miền Đông để gây áp lực với lực lượng đối lập. Nhìn vào cách tiếp cận của Nga và phương Tây đối với Ukraine hiện nay, triển vọng ổn định của quốc gia Đông Âu này là rất xa vời. Đặc biệt về phía Nga, nhiều nhà phân tích cho rằng, Nga sẽ theo đuổi mục tiêu chiến lược ở Ukraine bằng tất cả các biện pháp có thể. Nga đã từng khẳng định sức chịu đựng cao đối với các rủi ro có thể xảy ra và sẵn sàng đương đầu với phương Tây trong hành trình theo đuổi mục tiêu này. Nếu không ngăn cản được con đường “Tây tiến” của Ukraine, thì tình trạng “xung đột đóng băng” sẽ chưa phải là kết quả mà Nga mong muốn, bởi đối tượng mà Nga muốn “so găng” là phương Tây, là NATO chứ không phải là Ukraine. Chính từ những phân tích này mà giới chuyên gia đã đưa ra dự báo về tình trạng xung đột kéo dài, thậm chí là xung đột vĩnh viễn ở Ukraine. Trong khi không có mấy dấu hiệu cho thấy, các bên có liên quan tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận ngừng bắn hôm 5/9, Ukraine vẫn đang mất dần từng chút một các phần lãnh thổ vào tay lực lượng đối lập – và đó là kịch bản đầy cay đắng cho một quốc gia không thể làm chủ vận mệnh của mình. 
Thúy Ngọc

Tin mới