Đình công lớn tại Bỉ: Hiệu ứng dây chuyền suy thoái toàn châu Âu?

(Baonghean) - Đà hồi phục kinh tế của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) về cuối quý 4 năm 2014 tiếp tục xuất hiện những bước gập ghềnh. Trong đó, không ít nền kinh tế đang tỏ ra “hụt hơi” ở nhiều phương diện. Ngày 15/12 vừa qua, cuộc đình công ở Vương quốc Bỉ lên đến đỉnh cao và làm tê liệt gần như toàn bộ hệ thống hàng không, lan rộng ra xe buýt, xe điện ngầm... đang làm cho đất nước này lún sâu thêm vào khó khăn chung của khu vực.
Hoạt động giao thông tại Bỉ tê liệt do đình công.	ảnh: internet
Hoạt động giao thông tại Bỉ tê liệt do đình công. ảnh: internet
Bỉ là một trong những quốc gia có vai trò quan trọng trong việc kiên trì đề xuất thành lập khối Eurozone. Quốc gia nằm ở Tây Âu này có diện tích chỉ xấp xỉ gấp đôi tỉnh Nghệ An nhưng lại có vị trí quan trọng trong Liên minh châu Âu, tại thủ đô vương quốc này có trụ sở của NATO, Quốc hội châu Âu, Ủy ban châu Âu. Bỉ được biết đến là một trong những nước đứng đầu thế giới về sản xuất gang thép (10 triệu tấn/năm), đứng thứ 11 thế giới về xuất khẩu (chiếm 3,2% xuất khẩu của thế giới), đứng thứ nhất thế giới về kim ngạch xuất khẩu tính theo đầu người và tính theo GDP, tuy nhiên phần lớn buôn bán là trong nội bộ khối EU. Vì thế, khi Liên minh châu Âu lâm vào khủng hoảng và suy thoái thì Bỉ cũng chịu hậu quả nặng nề. Khi Chính phủ Bỉ đưa ra kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” đối với chế độ lương hưu, tiền lương và dịch vụ xã hội để góp phần chặn đứng đà suy thoái, thì đã gặp phải phản ứng dữ dội của những công dân quen sống trong môi trường an sinh xã hội tiên tiến vào hàng bậc nhất thế giới. Theo đánh giá của trang web Goodcountry, Bỉ luôn thuộc vào Top 10 quốc gia đáng sống nhất thế giới. Ngoài vẻ đẹp tự nhiên và các kiến trúc trung cổ còn lưu lại được, quốc gia này có mức độ thịnh vượng và bình đẳng cao, chế độ y tế và an sinh xã hội tốt, kinh tế phát triển. Việc thực thi chính sách tài khóa eo hẹp của Chính phủ là điều không dễ thích nghi với công dân của vương quốc này và đình công lớn kéo dài đã thể hiện rõ điều đó.
Đây là cuộc đình công lớn do Công đoàn Bỉ phát động từ ngày 24/11 và đã phát triển lan rộng một cách rầm rộ đến đỉnh cao vào ngày 15/12. Nhiều tỉnh xảy ra tình trạng ách tắc giao thông, các nhà máy bị đình trệ, kéo theo đó là bất ổn xã hội lan rộng.
Bỉ có hệ thống giao thông tiên tiến, hiện đại hàng đầu thế giới, nhưng hệ thống này hiện đang bị tê liệt trên diện rộng. Tại Thành phố Tournai, Charleroi, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình tạo thành các dòng người gây nghẽn tắc giao thông kéo dài. Nhưng người tham gia biểu tình không chỉ làm đình trệ đường sắt, mà còn chặn đường hàng không, gây cản trở dịch vụ xe buýt, xe điện, tàu điện ngầm, kể cả làm tê liệt hoạt động của đường thủy - cảng  thương mại lớn thứ hai châu Âu - Antwerp. 
Được biết, công nhân của hệ thống đường sắt và đường hàng không đã tổ chức đình công toàn quốc vào rạng sáng 15/12. Điều tồi tệ đối với lịch sử hàng không quốc gia này đã xảy ra: “Tất cả các chuyến bay đều bị hủy. Tất cả mọi thứ đều ngưng trệ”, người phát ngôn hãng Hàng không Brussels cho biết. Có 600 chuyến bay đến và đi không thể hạ cánh hay cất cánh tại Sân bay Brussels trong vòng 24 tiếng kể từ khi cuộc đình công lên đến đỉnh cao trong ngày 15/12. Cùng với đó, Công ty đường sắt SNCB của Bỉ cũng cho biết, vận tải nội địa sẽ bị hoãn trong vòng 24 giờ. Các dịch vụ vận chuyển liên quan do đó cũng tê liệt theo. 
Tuy nhiên, đình công ở Bỉ cũng chỉ là phản ứng mang tính dây chuyền trong cộng đồng EU. Trước đó, ngày 25/10 công đoàn lớn nhất Italia tổ chức biểu tình với gần 1 triệu người tham gia phản đối Thủ tướng Matteo Renzi về kế hoạch cải cách thị trường lao động. Nguyên nhân là tỷ lệ thất nghiệp của Italia đạt tới mức kỷ lục 44,2%. Người lao động ở nền kinh tế thứ 3 khu vực Eurozone đã phẫn nộ với chính sách của Thủ tướng Renzi vì ông này ủng hộ các công ty sa thải nhân viên, đồng thời đưa ra một hệ thống cải cách việc làm mới, trong đó phúc lợi và bảo vệ công việc sẽ phụ thuộc thâm niên công tác. 
Trước đó nữa, tại Đức – nền kinh tế đứng đầu Eurozone, ngày 7/10 Liên đoàn lái tàu Đức cũng đã tổ chức 9 giờ đình công nhằm đòi Công ty điều hành đường sắt Nhà nước Deutsche Bahn giảm 2 giờ làm mỗi tuần. Cùng ngày này, các phi công tại Lufthansa Cargo - bộ phận vận tải của hãng hàng không lớn nhất nước Đức cũng tổ chức biểu tình bắt đầu lúc 1h sáng. Tại Pháp, người ta đã tính hãng Air France thiệt hại 25,5 triệu USD/ngày khi hơn 75% phi công hãng hàng không này tổ chức đình công hồi cuối tháng 9. Đây là đợt đình công lớn nhất trong vòng 20 năm qua của Air France (Pháp). Có đến 80% chuyến bay của Air France không thể cất cánh vì đình công. 
Vào thời điểm này, chưa thể nói trước được điều gì về việc các cuộc biểu tình ở các quốc gia châu Âu đã dừng lại hay chưa. Bởi những khó khăn về kinh tế vẫn còn chồng chất thêm từ những đòn trừng phạt lẫn nhau giữa Liên minh EU và Nga. Vì thế, người ta lại càng nhắc nhiều đến cảnh báo của cựu lãnh đạo Liên bang Xô Viết Mikhail Gorbachev, rằng nguy cơ ngày tận thế là có thật nếu Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin không nhanh chóng “rã đông” mối quan hệ băng giá của họ.
Chí Linh Sơn

Tin mới