Hội nghị quốc tế về giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Nhật Bản

Ngày 13/3, Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về giảm nhẹ các rủi ro từ thiên tai khai mạc tại thành phố Sendai, tỉnh Miyagi, phía Đông Bắc Nhật Bản.
Đây cũng là  nơi 4 năm trước (ngày 11/3/2011) đã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm họa kép thiên nhiên động đất, sóng thần, làm chết và mất tích gần 20.000 người, tổng thiệt hại về tài sản lên đến gần 20.000 tỷ Yen. 
Sóng thần kinh hoàng tại Nhật Bản năm 2011 (Ảnh Reuters)
Sóng thần kinh hoàng tại Nhật Bản năm 2011 (Ảnh Reuters)
Hội nghị do Liên Hợp Quốc chủ trì với sự tham gia của hơn 40.000 quan khách, trong đó có hơn 5.000 lãnh đạo các quốc gia, Bộ trưởng phòng chống thiên tai, đại diện các Tổ chức quốc tế, các Tổ chức phi chính phủ... Về phía Việt Nam, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị theo lời mời của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon. 
Trong sáng 14/3, một nội dung được Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh liên quan đến sự cần thiết phải xây dựng một hệ thống các biện pháp cơ bản, nhằm giảm thiểu rủi ro từ các thảm họa thiên nhiên có thể xảy ra đối với mỗi quốc gia. 
Theo báo cáo thống kê mới nhất của Liên Hợp Quốc đưa ra, các thảm họa thiên nhiên trên thế giới hàng năm gây thiệt hại rất lớn về người và của, tác động tiêu cực tới môi trường, sức khỏe của cộng đồng… 
Chỉ tính riêng hàng năm, các hiện tượng thiên tai, như động đất, sóng thần, bão và lũ lụt đã gây thiệt hại lên tới 250-300 tỷ USD, và dự báo trong những năm tiếp theo, con số thiệt hại này có thể lên tới 314 tỷ USD. 
Hội nghị cho rằng, với xu thế phát triển chung của mỗi quốc gia sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường sống cũng như vấn đề biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc xây dựng được lộ trình cụ thể nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các nước tăng cường khả năng phòng chống các thảm họa thiên nhiên là vô cùng cấp bách và cần thiết. 
Bên cạnh đó, một nội dung rất quan trọng cũng được Hội nghị đưa ra sáng nay là vấn đề tái khẳng định cam kết thực thi Khung hành động Hyogo giai đoạn 2005-2015; thảo luận và thông qua Khung hành động Hyogo liên quan tới phòng chống thiên tai sau năm 2015, trong đó lần đầu tiên Hội nghị sẽ thông qua mục tiêu giảm số lượng các nạn nhân và thiệt hại về kinh tế trong các thảm họa thiên nhiên.
Ngoài ra, một số chủ đề khác cũng sẽ được Hội nghị đưa ra, như việc giảm thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng, tăng cường hỗ trợ tài chính phục vụ khắc phục hậu quả thiên tai và phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời mở rộng số lượng các quốc gia thành viên tham gia… 
Theo kế hoạch, bên lề các cuộc họp toàn thể của Hội nghị, nước chủ nhà Nhật Bản dự kiến sẽ tổ chức hơn 30 cuộc đối thoại cấp Bộ và khoảng 350 cuộc hội thảo khác nhau cho các cơ quan, tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ…cũng với nội dung xung quanh chủ đề giảm nhẹ các rủi ro từ thiên tai.
Theo VOV

Tin mới