Nhật Bản đau đầu với bài toán năng lượng

(Baonghean) - Nhật Bản vừa khởi động lại lò phản ứng hạt nhân đầu tiên sau gần 2 năm dừng sản xuất điện hạt nhân và thảm họa hạt nhân tại tổ hợp Fukushima số 1 do thảm hoạ kép động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011. Đây được xem là "cú hích" quan trọng đối với chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe vốn xác định năng lượng hạt nhân là thiết yếu để hạ giá thành điện và vực dậy nền kinh tế. Tuy nhiên, động thái này có thể sẽ gây tổn hại hơn nữa đối với tỷ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Abe.

Lò phản ứng số 1 tại tổ hợp hạt nhân Sendai của Công ty điện lực Kyushu nằm ở Tây Nam Nhật Bản, cách Thủ đô Tokyo 1.000 km, đã hoạt động trở lại theo các tiêu chuẩn mới sau khi xảy ra sự cố tại 3 lò phản ứng ở nhà máy Fukushima. Dự kiến, lò phản ứng 31 năm tuổi này sẽ bắt đầu phát điện ngày 14/8. Việc nối lại hoạt động của tổ máy số 2 nhà máy Sendai có thể sẽ diễn ra trong tháng 10 tới. Là một quốc gia khan hiếm tài nguyên, Nhật Bản từng dựa vào năng lượng hạt nhân để cung cấp 25% lượng điện. Chính phủ nước này đã khởi động lại 2 lò phản ứng để tạm thời đáp ứng nhu cầu sử dụng nội địa. Tuy nhiên, cả hai lò đều hỏng vào tháng 9/2013, làm gián đoạn nguồn cung cấp điện trong một thời gian dài. Sau đó, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra các quy định mới, trong đó phản ánh những bài học rút ra từ sự cố Fukushima, vốn được cho là “khắt khe nhất thế giới” và cho rằng độ an toàn của các lò phản ứng đã được khẳng định. 
Người dân Nhật Bản phản đối việc tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân.
Người dân Nhật Bản phản đối việc tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân.
Thế nhưng, lo ngại vẫn hiện hữu liên quan đến việc sử dụng năng lượng hạt nhân và đa số người dân Nhật không ủng hộ tái khởi động các lò phản ứng, bất chấp hóa đơn tiền điện tăng cao do chi phí nhập khẩu nhiên liệu sản xuất điện như than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác tăng vọt. Một cuộc điều tra dư luận do Kyodo tiến hành vào tháng trước cho thấy 6 trong số 10 người ở Nhật Bản được hỏi phản đối tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân. Thậm chí, hàng chục người biểu tình đã tụ tập trước Văn phòng Thủ tướng để phản đối việc tái khởi động lò phản ứng.
Sự phản đối của người dân đối với kế hoạch khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân đặt thêm một sức ép mới lên nội các của Thủ tướng Abe trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ chính phủ hiện đang “lao dốc” do những tranh cãi xung quanh dự luật an ninh mới được Hạ viện nước này thông qua hồi tháng 7. Theo kết quả thăm dò dư luận do hãng tin Mainichi Shimbun (Nhật Bản) tiến hành mới đây, tỷ lệ ủng hộ dành cho chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe là 32%, tụt 3 điểm phần trăm so với kết quả thăm dò tháng trước, trong khi tỷ lệ không ủng hộ là 49%. Đây được coi là mức ủng hộ thấp nhất đối với chính quyền Abe trong các cuộc thăm dò dư luận do Mainichi Shimbun tiến hành kể từ ông Shinzo Abe nhậm chức cách đây gần 3 năm. 
Giới phân tích cho rằng, sự phản đối của người dân Nhật Bản đối với việc khởi động các lò phản ứng hạt nhân sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến các quyết định của chính phủ. Chính phủ của Thủ tướng Abe vẫn sẽ quyết tâm đưa điện hạt nhân trở lại vì nhiều lý do.
Thứ nhất, dù cam kết sẽ giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân và thúc đẩy các nguồn năng lượng tái sinh, song điện hạt nhân vẫn được chính phủ Nhật Bản coi là nguồn điện năng cơ bản và quan trọng vì lý do chi phí vận hành thấp và khả năng sản xuất điện liên tục trong ngày. Tokyo mong muốn, năng lượng hạt nhân sẽ bảo đảm từ 20-25% nhu cầu sử dụng điện trên toàn quốc đảo này. 
Thứ hai, hiện những ngành năng lượng tái tạo của Nhật Bản đang tồn tại nhiều khó khăn và bất ổn. Về năng lượng mặt trời, Nhật Bản đã khởi phát nguồn năng lượng này từ khoảng những năm 1980, nhưng sau đó vì mải tập trung cho điện hạt nhân nên nước này đã tụt hậu khá xa so với châu Âu. Tính theo công suất điện mặt trời trên đầu người thì Nhật Bản vẫn đứng ở nhóm thấp trên thế giới. Việc phát triển điện gió Nhật Bản cũng gặp không ít khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, hạn chế của lưới điện và suy giảm kinh tế.
Thêm vào đó, mỗi năm Nhật Bản nhập khẩu 26 tỷ euro nhiên liệu hóa thạch và nước này khó có thể tiếp tục duy trì được mức chi tiêu đó, cho dù, trong ngắn hạn giá dầu hỏa và khí đốt đang rất thấp. Đó là chưa kể các nguồn năng lượng như dầu mỏ, than đá sẽ làm gia tăng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Hiện Tokyo căn cứ vào hóa đơn điện quá cao và những lợi ích từ điện hạt nhân so với các nguồn điện khác để thuyết phục công luận về nhu cầu cấp bách cần quay lại với điện hạt nhân.
Thế nhưng xem ra, những lý lẽ này khó có thể làm yên lòng người dân xứ sở mặt trời mọc khi ký ức kinh hoàng về thảm họa hạt nhân Fukushima luôn là một nỗi ám ảnh đối với họ. Đứng trước bài toán hóc búa về năng lượng, các chuyên gia cho rằng, ngoài việc thực hiện nghiêm ngặt các quy định nhằm đảm bảo an toàn cho các lò phản ứng hạt nhân, giờ là lúc chính phủ của Thủ tướng Abe phải tập trung phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, những lĩnh vực mà quốc gia này vốn không chú trọng trong thời gian qua. Đây không chỉ là giải pháp thay thế năng lượng hạt nhân cho Nhật Bản mà còn là xu hướng phát triển bền vững mà các quốc gia trên thế giới cần phải hướng tới.
Thanh Huyền

Tin mới