Nga mở rộng phạm vi không kích sang Iraq?

(Baonghean) - Hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời một quan chức cao cấp của Iraq cho biết, Chính phủ Iraq đã cho phép Nga được quyền không kích vào các đoàn xe vận chuyển của IS từ Syria vào Iraq trên địa phận lãnh thổ nước này. 

Iraq đã “ngán” Mỹ?
Trong buổi trả lời phỏng vấn CNN mới đây, Thủ tướng Iraq Al-Abadi cho biết, Iraq không hài lòng với sự trợ giúp của Mỹ và liên quân cho Quân đội Iraq trong cuộc chiến chống IS, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng liên minh với sự tham gia của Nga và Iran. Theo các nhà phân tích, những phát biểu này được ngầm hiểu là lời mời “gián tiếp” Nga can thiệp để giải quyết tình hình.
Binh sỹ Nga lắp vũ khí lên máy bay chuẩn bị cho chiến dịch không kích. 	Ảnh: RT
Binh sỹ Nga lắp vũ khí lên máy bay chuẩn bị cho chiến dịch không kích. Ảnh: RT
Trên thực tế, trong hơn 1 năm qua kể từ khi Mỹ dẫn đầu Liên minh quốc tế tổ chức không kích nhằm vào lực lượng IS, quân đội Chính phủ Iraq chưa có được chiến thắng đáng kể nào. Giữa quốc gia này và liên minh do Mỹ đứng đầu còn tồn tại nhiều mâu thuẫn dẫn đến sự không nhất quán trong chiến dịch chống IS. 
Do đó, trong giới lãnh đạo Iraq đang có nhiều người cho rằng Iraq cần phải liên kết với Nga. Theo cựu cố vấn an ninh quốc gia Iraq Muwaffaq al-Rubaie, một số đảng phái trong Quốc hội Iraq đã yêu cầu chính phủ nước này nhờ đến Nga bởi lý do “Không quân Mỹ đã không phối hợp với chính phủ, các lực lượng an ninh và quân đội Iraq, cũng như không cung cấp cho Iraq thông tin tình báo về vị trí tập trung cũng như các căn cứ của IS ở Iraq”.
Máy bay Nga không kích các cơ sở quân sự của IS. Ảnh: Military.
Máy bay Nga không kích các cơ sở quân sự của IS. Ảnh: Military.
Ngoài ra, hãng tin Reuters của Anh còn cho biết liên minh cầm quyền ở Iraq cùng với cộng đồng người Shiite đang gây sức ép để Thủ tướng Al-Abadi đề nghị Nga không kích các vị trí IS ở Iraq như Nga đang làm ở Syria. Trong một động thái khác, ông Hakem al-Zamli, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Iraq hôm 22/10 vừa qua đã thừa nhận, Iraq mong muốn việc cho phép Nga không kích là nhằm mục đích làm suy yếu IS bằng cách ngăn chặn các lộ trình tiếp tế. 
Sự lựa chọn khó khăn 
Sức ép yêu cầu Chính phủ Iraq nhờ Nga can thiệp đang thực sự đặt Chính phủ của ông Al-Abadi vào thế khó. Bởi nếu lên tiếng nhờ Nga can thiệp chống IS, Iraq sẽ “khó ăn nói” với đồng minh Mỹ. Theo các nhà phân tích chính trị, Washington không hề muốn Baghdad tiến lại gần và hợp tác với Moscow, đặc biệt là trong chiến dịch tiêu diệt IS. Nhưng đồng thời, Iraq cũng rất nóng lòng muốn tiêu diệt IS mà “lực bất tòng tâm”, nên sự giúp đỡ từ bên ngoài là hết sức cần thiết.
Nếu như liên minh do Mỹ đứng đầu chưa thực sự đạt được những kết quả đáng kể trong chiến dịch đẩy lùi IS sau hơn 1 năm “nhập cuộc”, thì những bước đi đầu tiên của Nga đã cho thấy những kết quả rõ rệt: tổn thất của IS ngày càng lớn và quân đội Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al Assad mạnh lên trông thấy. Điều này càng khiến dư luận Iraq tỏ ra sốt sắng hơn trong việc “nhờ cậy” Nga.
: Iraq đã chấp nhận để Nga không kích vào các đoàn xe vận chuyện của IS từ Syria vào lãnh thổ quốc gia này. Ảnh: AA
Iraq đã chấp nhận để Nga không kích vào các đoàn xe vận chuyện của IS từ Syria vào lãnh thổ quốc gia này. Ảnh: AA
Ngay khi xuất hiện các thông tin về khả năng Iraq cân nhắc mời Nga thực hiện các chiến dịch không kích IS trên lãnh thổ của mình, Mỹ đã vội vàng cử tướng Joshep Dunford - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đến Iraq để trấn an và thay đổi suy nghĩ của đồng minh Trung Đông. Rõ ràng Mỹ không muốn “mất” Iraq vào tay bất cứ quốc gia nào, đặc biệt là Nga, bởi kể từ năm 2003 đến nay, Mỹ đã đổ vào Iraq hơn 20 tỷ USD. Hơn 10 năm tổn hao công sức, tiền bạc và vật lực để xây dựng một vị trí vững chắc tại Trung Đông, chắc chắn Mỹ sẽ không để cho “công trình” của mình sụp đổ dễ dàng như vậy.
Một nước đi - hai chiến thắng 
Khi Nga quyết định can thiệp quân sự vào Syria để chống lại IS, không ít quốc gia tỏ ra hoài nghi về khả năng của Nga. Một số nhà phân tích chính trị Mỹ còn dự đoán rằng, người Nga có thể sẽ “sa lầy” tại Syria như Liên Xô từng thất bại ở Afganistan cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Thế nhưng sau gần 1 tháng không kích IS, tính hiệu quả trong các cuộc tấn công IS do Nga thực hiện đang khiến các cuộc không kích chống IS của Liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu trở nên “lu mờ” trên diễn đàn truyền thông quốc tế.
Chiến binh IS thảm sát các tù binh là binh sĩ và cảnh sát Iraq. (Ảnh: AFP).
Chiến binh IS thảm sát các tù binh là binh sĩ và cảnh sát Iraq. (Ảnh: AFP).
Bên cạnh đó, Nga đang nhận được sự hậu thuẫn quan trọng từ Iran - quốc gia Hồi giáo Shiite lớn nhất khu vực và có ảnh hưởng không nhỏ đến Iraq. Giới phân tích còn cho rằng Iran tạo sức ép lên liên minh người Shiite chiếm đa số trong Quốc hội Iraq để nhóm này thúc đẩy Iraq liên kết với Nga.
Nếu điều này thành hiện thực thì người Nga lại giành được một chiến thắng quan trọng nữa trên chiến trường Trung Đông. Nhất là khi đối tượng lại là đồng minh lâu năm của Mỹ. Và nếu chiến dịch không kích của Nga tại Iraq có hiệu quả thì uy tín của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trên trường quốc tế, đặc biệt là với các đồng minh tại Trung Đông.
Nguyễn Cao Biền
TIN LIÊN QUAN

Tin mới