Tăng nhiệt quan hệ Đức - Thổ

(Baonghean) - Những ngày qua, “đầu tàu” châu Âu - Đức đang “chuốt sắc” chính sách đối với Thổ Nhĩ Kỳ, hòng đáp trả việc Ankara tống giam các phóng viên và nhà hoạt động vì quyền con người của Đức. Bộ Ngoại giao tại Berlin đang cảnh báo công dân của họ có nguy cơ đối diện với không ít rủi ro nếu đặt chân tới Thổ Nhĩ Kỳ trong tình cảnh hiện nay.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ công dân Đức Steudtner đã khơi mào nguy cơ khủng hoảng ngoại giao song phương. 	Ảnh: DW
Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ công dân Đức Steudtner đã khơi mào nguy cơ khủng hoảng ngoại giao song phương. Ảnh: DW

Tuyên bố mạnh mẽ

Ngày 20/7, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã phải bỏ lửng kỳ nghỉ dưỡng ở Biển Bắc để trở về Berlin và đưa ra tuyên bố với ngôn từ mạnh mẽ nhất từ trước tới nay với Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ việc các ký giả và nhà hoạt động của họ bị chính quyền Ankara bắt giữ. Tại một cuộc họp báo ở Berlin, ông Sigmar Gabriel nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một phần của phương Tây, hoặc chí ít là duy trì vị thế hiện nay, nhưng họ chẳng đạt được gì trong 2 điều trên cả. Tôi không thể nhìn ra bất kỳ sự thiện chí nào từ phía chính phủ hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ để cùng chúng tôi bước tiếp con đường này. Vì lý do đó, Đức buộc phải định hướng lại chính sách của mình đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Việc đầu tiên sẽ là các khuyến cáo mới về vấn đề đi lại đối với công dân Đức tại Thổ Nhĩ Kỳ”.

Theo nhà ngoại giao số 1 của Berlin, công dân Đức di chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ đang vấp phải “các rủi ro” phát sinh, và trang web chính thức của Bộ này khuyến cáo người dân nên “thận trọng cao độ” khi tới Thổ Nhĩ Kỳ, bởi lẽ “việc tiếp cận lãnh sự” với các công dân Đức bị giam giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã bị “hạn chế, vi phạm các nghĩa vụ theo quy định của luật pháp quốc tế”.

Ông Gabriel cũng khẳng định, các biện pháp nói trên đã được thực hiện sau khi tiến hành tham vấn đồng thời cả Thủ tướng phe bảo thủ Angela Merkel và Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội kiêm ứng viên thủ tướng Martin Schulz. Dù các biện pháp đó vẫn chưa chạm tới ngưỡng cảnh báo đi lại tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng trên thực tế, giới quan sát nhận định rằng ít nhiều chúng cũng đại diện cho một cấp độ lạnh nhạt mới trong các quan hệ song phương Đức-Thổ Nhĩ Kỳ.

Quan hệ của Đức với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đang xuống mức thấp nhất. Ảnh: Reuters
Quan hệ của Đức với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đang xuống mức thấp nhất. Ảnh: Reuters

Cáo buộc vô căn cứ?

Động thái tái hiệu chỉnh chính sách Thổ Nhĩ Kỳ của Đức diễn ra sau khi một tòa án tại Istanbul ngày 19/7 ra lệnh bắt giữ 6 nhà hoạt động nhân quyền, trong đó bao gồm một người quốc tịch Đức có tên là Peter Steudtner để phục vụ điều tra, cáo buộc những đối tượng này hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Đức Gabriel trong cuộc họp báo 1 ngày sau đó ở Berlin đã nhắc đích danh Steudtner, cho rằng “những cáo buộc này rõ ràng là vô văn cứ và đơn thuần được đưa ra một cách phi lý”, biện luận rằng Steudtner không nắm giữ vai trò gì trong các hoạt động chính trị hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ và rất có khả năng mới lần đầu tiên đặt chân tới quốc gia này.

Cũng theo các trang tin của Đức, nhân vật Steudtner - đại diện của Tổ chức ân xá quốc tế đã bị chính quyền Ankara bắt giữ vào đầu tháng 7 tại một hội nghị ở Istanbul khi ông này đang thuyết giảng cho các đồng sự người Thổ Nhĩ Kỳ về an ninh công nghệ thông tin và giải quyết xung đột phi bạo lực. Ngoài ra, các trường hợp khác bao gồm phóng viên Deniz Yucel bị tạm giam phục vụ điều tra kể từ cuối tháng 2 vừa qua, bên cạnh 7 công dân Đức khác nữa đang bị Ankara bắt giữ.

Giới chức Đức cho rằng họ đã cố thể hiện sự kiên nhẫn trong vụ ồn ào đang xảy ra với Ankara và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Bằng chứng là Berlin đã không hề đưa ra đáp trả, phản hồi nào trước những so sánh dễ châm lửa hiềm khích giữa Cộng hòa Liên bang Đức với Đức Quốc xã hồi trung tuần tháng 3 của ông Erdogan.

Đồng thời, Đức đã nỗ lực rất lớn để tái khởi động các quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, song hết lần này lượt khác cảm thấy “thất vọng”. Và có lẽ giọt nước mới nhất đã đủ làm tràn ly, khiến Berlin không thể “án binh bất động” mãi nữa, mà như ông Gabriel tuyên bố, chính phủ của bà Merkel cùng các đảng phái liên minh sắp tới sẽ bàn thảo các hậu quả lớn hơn, thậm chí là xem xét những biện pháp trừng phạt thẳng tay trong lĩnh vực tài chính.

Ankara đã bắt giữ hàng loạt nghi can sau vụ đảo chính bất thành năm ngoái. Ảnh: AFP
Ankara đã bắt giữ hàng loạt nghi can sau vụ đảo chính bất thành năm ngoái. Ảnh: AFP

Bên bờ khủng hoảng ngoại giao

Cũng hôm 20/7, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức đã bị triệu tập tới Bộ Ngoại giao sở tại và nhận được “đòn” cảnh báo rằng Berlin không chấp nhận việc bắt giữ các công dân của họ. Bộ trưởng Tư pháp Heiko Maas cũng tuyên bố Đức cần đưa ra lập trường cứng rắn hơn với Thổ Nhĩ Kỳ, song cần thận trọng để vẫn duy trì quan hệ ngoại giao. Chia sẻ với hãng thông tấn Đức DPA, ông  Maas nói: “Chúng ta phải ghi nhớ rằng các công dân Đức hiện đang ngồi trong các trại giam ở Thổ Nhĩ Kỳ, và chúng ta cần phải tiếp cận được với họ. Tôi nghĩ bất kỳ tranh cãi nào với Thổ Nhĩ Kỳ trong lúc này đây đều sẽ là sai lầm, khiến chúng ta mất đi quyền tiếp cận đó”.

Quan điểm trên thực ra cũng không phải thiếu thuyết phục, nhất là khi Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng cáo buộc Đức can thiệp vào công việc nội bộ của mình. Trong dư luận Đức có không ít phỏng đoán rằng ông Erdogan đang dùng các công dân Đức bị bắt giữ làm con tin hòng buộc Berlin phải trục xuất các công dân Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức vốn bị Ankara liệt vào diện phần tử khủng bố. Dẫu vậy, trên chính trường Đức vẫn đang tồn tại một luồng quan điểm khác, kêu gọi áp dụng hàng loạt biện pháp để trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, từ các đòn trừng phạt kinh tế nói chung đến ý tưởng hủy bỏ thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề người di cư.

Dĩ nhiên, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra chỉ trích đối với các tuyên bố của Ngoại trưởng Gabriel cùng công bố thay đổi lập trường của Đức. Ibrahim Kalin - người phát ngôn của Tổng thống Erdogan lên tiếng: “Chúng tôi mạnh mẽ chỉ trích các tuyên bố rằng công dân Đức tới Thổ Nhĩ Kỳ không đảm bảo an toàn và các công ty Đức tại Thổ Nhĩ Kỳ cần phải cân nhắc và lo lắng”.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề đối ngoại Taka Ozhan - một thành viên thuộc đảng cầm quyền AKP cũng nhắc lại các cáo buộc rằng Đức đang chứa chấp các công dân Thổ Nhĩ Kỳ âm mưu lật đổ chính quyền - đặc biệt là các phần tử ly khai người Kurd và thành viên của phong trào Gulen. Ozhan nêu quan điểm: “Điều chúng tôi nhìn thấy tại Đức hiện nay là một cuộc khủng hoảng các nguyên tắc căn bản. Vấn đề là liệu họ có đang hậu thuẫn cho chủ nghĩa khủng bố hay không… Những kẻ khủng bố cho rằng ‘Một khi tới Đức, chúng ta đã bình an tới nhà’. Đó là điều phải thay đổi”.

Để tránh đẩy mọi chuyện đi xa hơn, vượt tầm kiểm soát và đẩy mối quan hệ lắm sóng gió Đức - Thổ Nhĩ Kỳ vào vòng xoáy của một cuộc khủng hoảng ngoại giao thì lời kêu gọi của các quốc gia khác hay các tổ chức, định chế quốc tế không thôi là chưa đủ. Phía Berlin và Ankara cần nỗ lực tỏ thiện chí, ngừng ngay các động thái “ăn miếng trả miếng” để xoa dịu tình hình, tránh tiếp tục leo thang căng thẳng và kéo theo những hệ lụy sâu xa hơn cho tình hình khu vực.

Thu Giang

(Theo Deutsche Welle)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới