Sản phẩm mây tre đan rực rỡ sắc màu qua bàn tay phụ nữ Thái ở Nghệ An

Sản phẩm mây tre đan rực rỡ sắc màu qua bàn tay phụ nữ Thái ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Sau nhiều năm chỉ sử dụng 2 màu sắc đen và trắng cho sản phẩm mây tre đan, các thợ giỏi Hợp tác xã Mây tre đan bản Diềm (Con Cuông) không chỉ sáng tạo thêm mẫu mã, mà còn tỉ mỉ nhuộm thành công thêm nhiều màu sắc sặc sỡ cho sợi mây, tre từ hoa, lá cây rừng.

BNA_1218 A1.jpg
Tại bản Diềm, xã biên giới Châu Khê (Con Cuông), từ một Tổ mây tre đan chủ yếu là phụ nữ, các cụ già tận dụng thời gian nhàn rỗi cùng nhau tập trung để đan lát đồ dùng cho gia đình sử dụng. Sau hơn chục năm, tổ đan lát tự phát này đã phát triển thành Hợp tác xã Mây tre đan bản Diềm với gần 30 thành viên. Ảnh: Hoài Thu
bna_bản Diềm mây tre đan.5.jpg
Toàn bộ sản phẩm của hợp tác xã đều được làm thủ công. Ảnh: Thanh Phúc
BNA_1193.JPG
Hầu hết các thành viên của hợp tác xã đều sinh ra, lớn lên tại bản Diềm và đến nay đều đã cao tuổi. Có nhiều người đã trên 80 tuổi. Ảnh: Hoài Thu
bna_Mỗi người làm 1 ngày được 1 sản phẩm hoàn chỉnh.jpg
Với độ tuổi ngày càng cao, các bà, các mẹ ở bản Diềm cho biết, trung bình mỗi người phải mất 1 ngày mới có thể hoàn thành 1 sản phẩm rổ, rá hoàn chỉnh, bán với giá trung bình 50 ngàn đồng/chiếc. Ảnh: Thanh Phúc
bna_bản Diềm5.jpg
Những sản phẩm làm từ mây, tre được đan lát thủ công hầu hết là các vật dụng trong gia đình, mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Thái miền Tây xứ Nghệ như: Các loại rổ, rá, ghế mây, mâm mây, gùi, bế, ép xôi... Từ năm 2022 trở về trước, sản phẩm của hợp tác xã chủ yếu sử dụng 3 màu chủ đạo đen, trắng sữa và vàng nhạt. Hơn 1 năm lại nay, các thành viên quyết tâm bổ sung nhiều màu sắc khác cho các sản phẩm của mình” - bà Lang Thị Hoa - Chủ nhiệm Hợp tác xã Mây tre đan bản Diềm cho biết. Ảnh: Thanh Phúc
bna_bản Diềm2.jpg
Những màu sắc mới được các thợ giỏi, các cụ bà ở bản Diềm tự mày mò nghiên cứu, thử nghiệm với nguyên liệu là cây cỏ, hoa lá quanh vườn nhà và trong rừng sâu. Hiện nay, sau hơn 1 năm kiên trì thử nghiệm, ngoài sáng tạo thêm các hoa văn, chủng loại sản phẩm mới thì bà con bản Diềm còn tạo được nhiều màu sắc hữu cơ bắt mắt cho sản phẩm mây tre đan như: Màu hồng tươi, đỏ, đỏ nâu, nâu nhạt, xanh nõn chuối, xanh cổ vịt, xanh than, tím đậm, tím nhạt, vàng... Ảnh: Hoài Thu
BNA_1254.JPG
Thợ giỏi Vi Thị Nội (ngoài cùng bên phải) cho biết, những màu tự nhiên chiết xuất từ cỏ cây, hoa lá khi được xử lý đúng cách sẽ ngấm sâu vào tre mét, tạo nên sự bền màu, hàng chục năm trời không phai và rất an toàn với sức khoẻ người sử dụng, thân thiện với môi trường. Các bà, các mẹ tiết lộ “bí quyết” tạo màu từ cây cỏ như: Màu nâu được tạo từ củ nâu, tuỳ thời gian xử lý và pha loãng có thể cho ra màu nâu nhạt, nâu đậm; màu vàng tươi thì lại được tạo từ cây dây hẻn; màu đen tạo ra từ vỏ cây săng vì; còn màu vàng nõn chuối được tạo nên từ việc ngâm nấu lá trầu xanh pha nước vôi loãng; màu vàng đậm lại được nhuộm bằng nước củ nghệ tươi… Ảnh: Thanh Phúc
bna_pha màu.jpg
Màu hồng được tạo từ màu của hoa mười giờ và lá cây phang; màu tím tạo nên từ lá cây cẩm tím, hoặc từ hoa chiều tím. Ảnh: Hoài Thu
BNA_1286.JPG
Công đoạn tạo màu cho sợi mây, tre trước khi đan thành sản phẩm cũng được thực hiện hoàn toàn thủ công và qua nhiều giai đoạn, nhiều thời gian. Trong ảnh: Để tạo được màu nâu đậm, phải đun sợi mây tre với nước củ nâu giã nhuyễn liên tục 24 tiếng đồng hồ. Ảnh: Hoài Thu
BNA_1276.JPG
Sau khi đun nhiều giờ thì hong khô sợi mây, tre trên bếp củi, hoặc nơi nắng nhẹ. Chờ khi sợi mây, tre khô mới xác định độ đậm nhạt của màu. Nếu muốn màu càng đậm thì quy trình đun, nấu và phơi càng diễn ra nhiều lần. “Tuỳ loại màu và tuỳ loại cây cỏ để điều chỉnh thời gian đun nấu và phối trộn nguyên liệu khác nhau. Song tất cả đều phải đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn” - bà Lang Thị Hoa cho biết. Ảnh: Hoài Thu
BNA_1242.JPG
Những màu sắc mới được tạo ra từ cây cỏ qua bàn tay khéo léo, sáng tạo và kiên nhẫn của các thợ giỏi bản Diềm. Ảnh: Thanh Phúc
bna_bản Diềm mây tre đan.7.jpg
Bên cạnh những màu mới rực rỡ, các thành viên hợp tác xã còn sáng tạo các mẫu sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng đa dạng. Trong ảnh: Bà Vi Thị Nội giới thiệu sản phẩm mặt đồng hồ mây tre đan đang hoàn thiện. Bà là 1 trong 3 người được UBND tỉnh cấp chứng nhận danh hiệu Thợ giỏi cấp tỉnh năm 2020. Ảnh: Hoài Thu
bna_bản Diềm mây tre đan.1.jpg
Du khách cũng như người dân địa phương đến với bản Diềm đều rất yêu thích các sản phẩm thủ công từ mây, tre không chỉ vì màu sắc sặc sỡ, lành tính mà giá cả cũng không đắt đỏ. Giá các sản phẩm tuỳ chủng loại, kích cỡ từ 30 - 50 ngàn đồng đối với rổ, rá,… Sản phẩm mâm mây tuỳ to nhỏ có giá từ 700 ngàn đồng đến 2-3 triệu đồng/cái; ghế mây 200 - 250 ngàn đồng/cái; túi xách tuỳ kích cỡ cũng có giá từ 100 - 300 ngàn đồng… Nhờ những đổi mới, nhiều sản phẩm mây tre đan thủ công của bà con bản Diềm hiện nay đã được khách hàng ở châu Á, châu Âu đặt mua, mở ra cơ hội phát triển, nâng tầm nghề truyền thống. Ảnh: Thanh Phúc
Clip: Thu - Phúc

Tin mới