Sâu nặng chữ tình

(Baonghean) -  “Khúc sông bên lở, bên bồi/ Ba chìm bảy nổi chín hồi lênh đênh”, không hiểu sao tôi cứ thấy buồn mỗi lần nghe câu ví ấy.
TIN LIÊN QUAN
Tôi tưởng tượng ra dòng sông Lam, sông La hay có thể là bất cứ con sông nào khác trên đất Việt thân yêu, đang mải miết chảy trôi trong một chiều đông se lạnh. Con sông vừa qua mùa lũ, sóng vỗ yên bình như đang thầm thì hát ca. Người chèo đò xuôi theo dòng nước rồi lựa gió, giăng buồm, thả tay chèo cho con thuyền cứ thế trôi xuôi, dõi ánh nhìn sâu thẳm xuống làn nước, nhẩn nha cất lời trai bạn. Con sông nào chẳng đôi bờ bồi lở, phận người nào chẳng nhiều nỗi truân chuyên? Câu ví buồn da diết ấy, neo vào hồn tôi và cứ vỗ nhịp miên man, dàn trải như vô tận những kiếp người. Tôi tự hỏi, không biết tự bao giờ, con thuyền, dòng sông cùng những lữ khách, những lứa đôi… đã dặt dìu cùng sóng nước trong những điệu ví đò đưa? Có những lần, tôi một mình tha thẩn  bên dòng Lam quê. Gió nước lao xao, nghe như vọng đâu đó tiếng chèo khua khoan, nhặt. Tôi như thấy tiếng sóng, nhịp chèo vỗ từ trăm năm, ngàn năm trước, trong cõi bình yên và bao dung, tôi như thấy nỗi lòng mình trôi về ngàn năm trước, khi ấy, tôi là người chèo đò đang cất lên lời hát về nỗi lòng mình.
Đã bao nhiêu lần, trên chặng đường lữ thứ, tôi đã gặp mình trong hình ảnh đứa trẻ nằm nôi, nghe câu ví mẹ ru. 
Đã bao lần, tôi thấy mình cổ xưa, trong mùa trăng phường vải, thấy mình thoăn thoắt đôi chân phường củi, quệt đi giọt mồ hôi mùa màng để cất tiếng niềm vui. Nào ai ngại “lên non, truông ngái đàng xa”, nào ai tủi phận “mình em đơn lẻ hãi hùng lắm thay”, nào ai nhắn gửi “ Anh về, mai đã lên chưa/ Để em bưng bát cơm trưa em chờ”, nào ai xa vắng, trĩu nặng nhớ thương: “Anh về em chỉ ngong theo/Ngong truông truông rậm, ngong đèo đèo cao”… tất thảy những buồn, vui nỗi đời ấy, đã lặn chìm trong tôi bây giờ. 
Phải chăng, ví dặm quê nhà là sợi dây linh thiêng, kết nối ngàn năm trước với hiện tại bây giờ? Để tôi, và bao người con đất Nghệ đã tìm đến câu hát mà nương dựa. Nhưng đâu chỉ có người xứ Nghệ, chẳng phải nhạc sỹ An Thuyên từng kể: “Tôi đã đi nhiều nơi, dù ở phương trời nào, không một người Việt Nam nào khi nghe những bài hát hay có chất liệu Nghệ Tĩnh mà họ không rung động khác thường. Họ yêu thích đến cuồng nhiệt, đến kỳ lạ, cứ như là bài hát ấy của riêng mình dù rằng họ không phải người sinh ra từ xứ Nghệ. Tại sao vậy? Tôi cho rằng vì nỗi buồn Nghệ Tĩnh đã chạm vào được nỗi buồn chung của nhiều người Việt Nam”. 
Phải chăng, là ví, dặm đã làm nên cái tình sâu nặng ấy: “Tình xứ Nghệ không mau/ Nhưng bén rồi sâu lắng/ Quen xứ Nghệ quen lâu/ Càng tình sâu nghĩa nặng” (Huy Cận). Mà trăm năm, hay triệu năm, thì nhân gian cũng bền vững bởi một chữ “tình”?
 T.V

Tin mới