Sinh viên CNTT tạo 'trợ lý thông minh' giúp mẹ chăm sóc bé

Mimi, một trong bốn ứng dụng xuất sắc lọt vào chung kết cuộc thi S.M.A.C Challenge 2015, là "cô trợ lý thông minh" giúp tư vấn về chỉ số thể chất, chế độ dinh dưỡng của trẻ. 
Tác giả của Mimi là nhóm 3TM - bốn nam sinh viên năm thứ ba (cùng sinh năm 1995) khoa Kỹ thuật phần mềm thuộc Đại học CNTT - Đại học Quốc gia TP HCM. Ứng dụng miễn phí này, hiện đã có mặt trên Google Play, được phát triển vỏn vẹn trong vòng ba tháng.
 Ứng dụng Mini trên kho Google Play.
Ứng dụng Mini trên kho Google Play.
Mimi hoạt động theo mô hình truyền thống client-server, tức là người dùng đưa ra yêu cầu, hệ thống sẽ xử lý trả về kết quả. Nhiệm vụ của ứng dụng là theo dõi quá trình phát triển của trẻ với các chức năng như đánh giá thể chất (theo chiều cao cân nặng), tư vấn dinh dưỡng, tra cứu bệnh thường gặp ở trẻ dựa trên các triệu chứng, cách phòng bệnh, trị bệnh, nhắc lịch tiêm vaccine, trang hỏi đáp dành cho cộng đồng người dùng...
Mini sử dụng công nghệ điều khiển bằng giọng nói text-to-speech của FPT, nên người dùng có thể nhập thông tin bằng bàn phím hoặc trò chuyện trực tiếp với Mimi.
Trưởng nhóm Lê Văn Tiên cho biết, ý tưởng phát triển ứng dụng chăm sóc em bé được hình thành sau khi nhóm tham gia cuộc thi S.M.A.C Challenge 2015 do Tập đoàn FPT tổ chức. "Trong gia đình em, những người thân có con nhỏ luôn băn khoăn về chế độ dinh dưỡng, sự phát triển các chỉ số cơ thể của bé, không biết cần làm gì khi trẻ mắc bệnh, đôi khi vì nhiều việc còn quên lịch tiêm chủng của con. Nhận thấy tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ, nhóm 3TM đã quyết định phát triển ứng dụng", Tiên nói.
Tiên cho biết S.M.A.C Challenge là cuộc thi công nghệ quy mô lớn đầu tiên mà nhóm tham gia kể từ khi vào đại học, nên mục đích ban đầu chỉ là để trau dồi kỹ năng và học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, nhóm đã xuất sắc vượt qua hàng chục đối thủ để trở thành một trong bốn đội bước vào vòng Chung kết.
Trong quá trình thi, các chàng trai Đại học CNTT TP HCM lần đầu tiếp cận với những xu hướng công nghệ mới như công nghệ tương tác giọng nói , công nghệ S.M.A.C - gồm Social (Xã hội), Mobile (Di động), Analytics (Dữ liệu lớn) và Cloud (Đám mây)... Với sự hỗ trợ của các chuyên gia công nghệ FPT, nhóm đã biết sử dụng công nghệ mới và ngày càng hoàn thiện ứng dụng của mình.
 Đội 3TM đang trình diễn ứng dụng trong vòng bán kết.
Đội 3TM đang trình diễn ứng dụng trong vòng bán kết.
S.M.A.C Challenge là một cuộc thi đòi hỏi các thành viên phải biết làm việc nhóm và gắn kết với nhau. 3TM đã chia nhiệm vụ rõ ràng thành hai nhóm nhỏ, một nhóm chuyên về lập trình, nhóm còn lại chuyên về dữ liệu. "Lần đầu tham gia một cuộc thi nên chúng em khá bỡ ngỡ. Thêm vào đó, các công nghệ đều rất mới nên nhóm đã gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, sau ba tháng tham gia, chúng em đã học được rất nhiều, cả về kiến thức, công nghệ, kỹ năng mềm, nhiều mối quan hệ mới và sự gắn kết giữa các thành viên trong đội", trưởng nhóm 3TM cho biết.
Theo đánh giá của các chuyên gia công nghệ FPT, Mini và các ứng dụng lọt vào vòng chung kết đều có tính thực tế cao, được hoàn thành cơ bản và hoàn toàn có thể đưa vào sử dụng. Ngôi vô địch S.M.A.C Challenge 2015 sẽ được xác định sau trận chung kết dự kiến ngày 29/12 tại TP HCM.
Với chủ đề "Số hóa giọng nói", S.M.A.C Challenge 2015 do Tập đoàn FPT tổ chức là cuộc thi đầu tiên tại Việt Nam tìm kiếm và phát triển các ý tưởng công nghệ tương tác bằng giọng nói. Tổng giá trị giải thưởng là 250 triệu đồng, trong đó giải Nhất là 100 triệu đồng (bao gồm tiền mặt và hiện vật). Ngoài ra, cuộc thi còn mang đến cơ hội việc làm trong lĩnh vực công nghệ mới, cơ hội được Quỹ FPT Ventures rót vốn đầu tư.
Theo VnExpress
TIN LIÊN QUAN

Tin mới