Sự bất hợp lý dẫn đến thất bại các mô hình kinh tế giảm nghèo

(Baonghean) - Những năm qua, từ triển khai xây dựng một số mô hình kinh tế ở địa bàn miền núi hiệu quả đã góp phần thay đổi diện mạo, đời sống đồng bào miền Tây của tỉnh. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, có những mô hình đã “chết yểu” ngay sau khi dự án kết thúc, hoặc không thể triển khai tiếp. Đó là một trong những vấn đề mà thời gian qua cử tri phản ánh nhiều đến đại biểu dân cử. 

Tại huyện 30a Tương Dương, đời sống kinh tế của đại bộ phận người dân thuộc các dân tộc thiểu số Thái, Khơ mú, Mông, Ơ đu  có nhiều khó khăn. Các mô hình kinh tế trở thành cứu cánh đối với đồng bào.

Trong đó phải kể đến những mô hình trồng rau an toàn, chăn nuôi bò, lợn… không chỉ mở lối thoát nghèo cho người dân mà còn góp phần thay đổi nhận thức của nhiều người trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những mô hình khi triển khai không nhận được sự hưởng ứng từ người dân. Trong đó phải kể đến 2 mô hình trồng chuối tiêu hồng và trồng mây ở huyện Tương Dương.

Vườn chuối tiêu hồng thuộc dự án ở bản Chắn (xã Thạch Giám, Tương Dương) bị héo úa dần. Ảnh: Đào Thọ
Vườn chuối tiêu hồng thuộc dự án ở bản Chắn (xã Thạch Giám, Tương Dương) bị héo úa dần. Ảnh: Đào Thọ

Mô hình trồng chuối tiêu hồng ở bản Chắn là một trong những hạng mục giúp xã Thạch Giám “cán đích” nông thôn mới vào cuối năm 2015. Cũng phải nói rằng, mô hình kinh tế này từng mang lại hiệu quả khi mới vừa đưa vào triển khai từ 5 năm về trước.  Mô hình có nguồn vốn đầu tư là 170 triệu đồng do 23 hộ dân thực hiện với tổng diện tích là 3ha.

Ông Vang Văn Đoàn, một người dân ở bản Chắn, xã Thạch Giám nhớ lại: Năm 2012 khi chính quyền địa phương bắt đầu triển khai mô hình, bà con nông dân bản Thái phía tả ngạn sông Lam rất hào hứng. Bản Chắn chỉ cách thị trấn Hòa Bình - trung tâm huyện Tương Dương một con sông, và từ lâu nông sản của bà con đã thành hàng hóa.

Chuối là cây trồng quen thuộc của người bản địa, nhưng chuối tiêu hồng là giống cây mới nên kích thích sự quan tâm của người dân bản Chắn vốn rất năng động và cần cù lao động. Người dân đã rất nhanh chóng nắm bắt những hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp. Từ năm 2013, người dân bản Chắn tham gia mô hình đã có sản phẩm chuối tiêu hồng bán ở chợ huyện góp phần cải thiện thu nhập…

Mọi chuyện bắt đầu thay đổi từ năm 2015. Vườn chuối bắt đầu thoái hóa. “Những lứa cây sau cứ còi cọc dần. Buồng chuối cũng nhỏ đi. Có những vườn chuối tàn lụi gần nửa số cây” - anh Lô Văn Thương, một người trồng chuối tiêu hồng theo mô hình kinh tế ở bản Chắn cho biết. Nguyên nhân của tình trạng này được cho là do thiếu nước tưới. Trong thời gian đó, hạn hán kéo dài diễn ra trên địa bàn cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích chuối tiêu hồng. Hiện khu vực mô hình chuối tiêu hồng ở bản Chắn chỉ còn một vài nhà duy trì trồng.

Mô hình trồng cây mây nguyên liệu được triển khai trên địa bàn nhiều xã của huyện Tương Dương như Tam Đình, Yên Hòa, Nga My… từ năm 2015 đến nay cũng đang dần đi vào quên lãng. Tại bản Quang Phúc, xã Tam Đình, Trưởng bản Lô Văn Mộc cho biết, ban đầu bản có 17 hộ tham gia mô hình nhưng nay chỉ còn một vài nhà vẫn duy trì việc chăm sóc cây mây.

Người dân không có mặn mà với cây này bởi thời gian gần đây giá cả rớt sâu. “Mỗi yến mây chỉ còn 15.000 đồng thôi nên người ta bỏ cho thành cây hoang. Cây mây lại khó khai thác, không đạt ngày công” - ông Mộc cho biết thêm. 

Những gì còn lại của vườn chuối tiêu hồng theo dự án. Ảnh: Đào Thọ
Những gì còn lại của vườn chuối tiêu hồng theo dự án. Ảnh: Đào Thọ

Trao đổi về thất bại của 2 mô hình nói trên; đối với cây chuối tiêu hồng, ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp và  PTNT huyện Tương Dương nêu nguyên nhân do người tham gia chưa tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trồng cây chuối tiêu hồng. “Mỗi khóm chỉ được phép cho phát triển 2 cây, trong khi vì “tiếc” nên bà con đã không chặt tỉa bớt làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cả vườn” - ông Kha cho biết.

Một nguyên nhân nữa cũng theo ông Lô Khăm Kha do địa bàn bản Chắn không thể khoan giếng, nguồn nước tưới cũng hạn chế nên khi gặp hạn, chuối tiêu hồng đã không phát triển như mong muốn. 

Đối với cây mây, ông Lô Khăm Kha cũng cho rằng việc không tuân thủ quy trình kỹ thuật cũng là nguyên nhân để cây mây phát triển không tốt và khó khai thác. Ông Kha cho rằng bà con đã không chăm sóc kỹ thứ cây trồng này trong khi mây là thứ cây dây leo cần phải cắm cọc hoặc trồng cây để tạo chỗ cho dây mây leo lên. Nếu không có chỗ dựa để phát triển, dây mây sẽ cuộn lại, chậm phát triển lại vừa khó khai thác.

Thực tế ở Tương Dương, hiện sản phẩm chuối tiêu hồng vẫn là mặt hàng được ưa chuộng tại chợ huyện, nhưng vì người dân bản Chắn chưa biết nên khôi phục thứ cây trồng như thế nào cho hiệu quả. Theo ông Lô Khăm Kha thì huyện chỉ khuyến khích phát triển chứ không nhân rộng mô hình này nữa. Tuy nhiên, có một nguyên nhân cũng cần bàn đến, đó là trước khi các mô hình, dự án triển khai cơ quan chức năng chưa có những khảo sát chắc chắn và đánh giá có tính khoa học về  sự bền vững của dự án; như về những yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu địa hình, nhất là đối với địa bàn vùng cao. 

Cũng liên quan đến các dự án, mô hình thoát nghèo của các địa phương miền Tây Nghệ An, đã có nhiều trường hợp dự án thất bại ngay khi vừa triển khai. Cách đây một vài năm, với sự hỗ trợ của Chương trình 30a và nông thôn mới, nhiều hộ dân ở huyện Quỳ Châu được hỗ trợ bò, lợn sinh sản và vịt bầu. Tuy nhiên, nhiều bò và lợn sinh sản bị chết chỉ thời gian ngắn sau khi người dân nhận về nuôi.

Nguyên nhân sau đó được làm rõ là do người dân miền núi chưa quen với việc nuôi nhốt, trong khi đây không phải là giống vật nuôi bản địa nên không thích nghi được với điều kiện môi trường, thời tiết. Đối với vịt, mỗi hộ nghèo được hỗ trợ 80 con, nhưng cũng chỉ nuôi được trong một thời gian rất ngắn dù là vịt bản địa.

Lý do, cơ quan chức năng địa phương đã không tính đến việc, đàn vịt 80 con trong thời gian thúc lớn cần ít nhất nửa bì lúa mỗi ngày, trong khi điều kiện khe lạch nhỏ trên rừng núi không đủ để chúng tự tìm thức ăn. Vì không thể nuôi được nên cả đàn vịt người ta giết thịt ăn dần. Đây chính là những bất hợp lý trong việc thực hiện các mô hình xóa đói, giảm nghèo cho người dân miền núi. 

Vi Phương

TIN LIÊN QUAN

Tin mới