“Sứ mệnh của Đảng ta rất to, công việc của Đảng ta rất nhiều!”

(Baonghean.vn) - Đảng Cộng sản Việt Nam, đội quân tiên phong của giai cấp công nhân nước ta ra đời vào ngày 3-2-1930, đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển của dân tộc và cách mạng Việt Nam!
 
Ngay sau khi được thành lập, Đảng đã thể hiện vai trò lãnh đạo của mình đối với phong trào cách mạng Việt Nam, nhằm từng bước thực hiện các mục tiêu cho sự nghiệp giải phóng con người. Các phong trào cách mạng, nhờ đó, lần lượt hình thành, tạo nên sức bùng phát mạnh mẽ qua các cao trào cách mạng, mà cụ thể là những năm 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945. Trong đó, đỉnh cao là Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Có thể khẳng định điều này, lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân ta từ kiếp nô lệ ngựa trâu đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (thơ Nguyễn Đình Thi), để từng bước khẳng định vai trò làm chủ của mình. Nhờ có Đảng, có Cách mạng Tháng Tám mà nước ta, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiền xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây dựng nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập tự do hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kì to lớn trong lịch sử của nước ta!”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo cáo về bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi,

ngày 18-2-1959

Một chính đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân, vừa đại diện cho lợi ích toàn thể nhân dân lao động trong đấu tranh chống áp bức, đói nghèo, lạc hậu. Mỗi người Việt Nam, ai cũng dễ nhận ra điều này: Suốt 83 năm qua, mục tiêu cơ bản đặt ra trong các giai đoạn cách mạng là lãnh đạo các tầng lớp nhân dân làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người; trong đó mục tiêu giải phóng và phát triển con người là xuyên suốt, bao trùm. Nhìn một cách bao quát thì vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng nước ta là tuyệt đối và không ai thay thế được!
 
Thời gian vừa qua, cả nước ta có đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, góp ý Dự thảo sửa đổi cho bản Hiến pháp năm 1992. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, được biết dân ta tuy còn nhiều thiếu thốn vất vả nhưng họ luôn quan tâm sâu sắc tới những vấn đề cốt lõi thuộc về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước mỗi khi vận mệnh tổ quốc đứng trước nguy cơ tồn vong. Riêng về Điều 4 của bản Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định vai trò, vị trí của Đảng Cộng sản Việt Nam, nay được bổ sung thêm nội dung Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng phải tự chịu trách nhiệm trước nhân dân, nhân dân có thể giám sát, kiểm tra Đảng... Đấy là kết quả rất đáng ghi nhận qua lần góp ý kiến này. Tuy vậy, vẫn có một bộ phận đâu đó đã nêu ý kiến phủ nhận vai trò, vị trí của Đảng Cộng sản; đòi thay thế bằng những tổ chức chính trị khác mà thực chất là những tổ chức phản động, âm mưu đòi lật đổ Đảng, Chính quyền, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam?
 
Sau khi loại ý kiến trên vừa nêu ra, dư luận của hầu hết cán bộ, nhân dân ta đều rất bất bình. Vai trò, vị trí của Đảng Cộng sản suốt 83 năm qua, đối với sự sống còn của nước Việt Nam đã quá rõ ràng. Nhưng họ vin vào tình trạng “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lí, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lí tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỉ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...” mà Nghị quyết Trung ương 4 đã thẳng thắn nêu ra, để từ đó họ phủ nhận vai trò của Đảng Cộng sản, đòi phải thay đổi ?! 
 
Lập luận của loại người này thực ra không có gì mới. Đấy là cách nói hằn học của một số thế lực thù địch, chuyên quấy rối chế độ ta bấy lâu nay, núp dưới các chiêu bài “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển động”, tăng cường hoạt động chống phá, chia rẽ nội bộ Đảng, phá hoại mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân, làm suy yếu dần vai trò lãnh đạo của Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 khẳng định: “Thành tựu 25 năm đổi mới là thành quả của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ, đảng viên”. Nêu ra những “ung nhọt” trong Đảng là để loại bỏ những tật bệnh không đáng có đó, dần làm trong sạch vững mạnh Đảng ta, chứ không phải đi đến phủ nhận Đảng hoàn toàn!
 
Thêm một lí do nữa để chúng ta khẳng định chắc chắn vai trò, vị trí của Đảng Cộng sản Việt Nam cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Đấy là căn cứ vào những quan điểm cốt lõi của Chủ nghĩa Mác-Lênin, về con đường xây dựng CNXH. Chủ nghĩa xã hội là một xã hội mới khác về chất so với các xã hội trước. Chủ nghĩa Mác-Lênin bước đầu cũng đã phác thảo ra những đặc trưng cơ bản của CNXH, trong đó vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trở thành nhân tố quyết định.

Quốc hội khóa I nhất trí thông qua Hiến pháp mới (1959)

C.Mác và Ph.Ănggen, ngay trong “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” đã phân tích sâu sắc mối quan hệ giữa những người vô sản với những người cộng sản, hai ông chỉ ra vai trò lãnh đạo tất yếu của những người cộng sản đối với cuộc cách mạng công nhân – cuộc cách mạng XHCN. Tiếp đó, Lênin là người có công lao to lớn trong việc bảo vệ, phát triển lí luận Mác về Đảng Cộng sản – đảng kiểu mới, chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Đảng Cộng sản trong các trước tác của Người luôn giữ vai trò lãnh đạo, là nhân tố quyết định thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản, cả trong xây dựng CNXH. Tất nhiên, theo Lênin, đảng đó phải thực sự là đội quân tiên phong của giai cấp cách mạng, phải bao gồm những đại biểu ưu tú nhất của giai cấp đó, phải gồm tất cả những chiến sĩ cộng sản hoàn toàn có ý thức và trưởng thành, có học vấn và được tôi luyện bằng kinh nghiệm đấu tranh cách mạng bền bỉ. Đấy phải là đảng biết gắn liền với toàn bộ cuộc sống của giai cấp mình và thông qua giai cấp đó gắn liền với tất cả quần chúng bị bóc lột, biết làm cho giai cấp và quần chúng đó tin tưởng hoàn toàn vào mình... Có được một đảng như thế thì dứt khoát sẽ lãnh đạo được giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh cuối cùng chống lại tất cả mọi thế lực của CNTB.
 
Như vậy, xét cả trên phương diện lí luận và thực tiễn, xưa và nay, ở Việt Nam và trên thế giới, sứ mệnh của Đảng Cộng sản với cách mạng Việt Nam và con đường đi lên CNXH là hiển nhiên, không thể phủ nhận được. Những khuyết điểm, hạn chế như đã nêu chỉ có tính chất tạm thời, không thuộc bản chất của Đảng ta, nếu mỗi đảng viên nỗ lực thì đều vượt qua được. Còn nhớ đầu năm 1949, trong bài viết “Đảng ta”, tác giả Trần Thắng Lợi (một bút danh của Bác Hồ) yêu cầu mỗi đồng chí ta cần mạnh dạn, thành thật kiểm điểm mình, kiểm điểm đồng chí mình, chẳng hạn: Đã bỏ hết bệnh chủ quan, hẹp hỏi chưa? Đã bỏ hết tư ý tiểu khí chưa? Đã luôn cố gắng học tập, cầu tiến bộ chưa? Đã thực hiện đoàn kết 100% chưa? Đã thật cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư chưa? Đã thật là người kiểu mẫu trong phong trào thi đua ái quốc chưa...? Nếu chưa, thì theo Bác phải làm cho kì được, bởi vì “sứ mệnh của Đảng ta rất to, công việc của Đảng ta rất nhiều!”.

Kim Hùng

Tin mới