Tác nghiệp tại điểm "nóng": Đam mê và dấn thân

(Baonghean) - Khó khăn, vất vả, nguy hiểm - đó là điều mà bất kỳ phóng viên nào cũng phải đối mặt khi tác nghiệp tại điểm “nóng” hay thực hiện những đề tài nhạy cảm. Tuy nhiên, đó cũng là môi trường “tôi luyện” và là cơ hội  để phóng viên thử sức và có sự trưởng thành về nhiều mặt...

Nếu nói nghề báo là nghề nguy hiểm thì khi tác nghiệp tại điểm nóng hay thực hiện những đề tài nhạy cảm, sự vất vả, nguy hiểm và những khó khăn ấy lại càng nhân lên bội phần. Để có được những dòng tin, bức ảnh chân thật, đoạn phim quý giá, đầy thuyết phục đó đòi hỏi sự nỗ lực của cả một tập thể; sự nhạy bén, trải nghiệm và trên hết là tinh thần dám lăn xả, dấn thân và tâm huyết của những người làm báo. Chính nhờ sự đoàn kết, cộng sự, niềm đam mê và tinh thần dấn thân vì cái chung mà những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Biên tập, đội ngũ phóng viên Báo Nghệ An đã thực hiện nhiều chuyên đề nóng, nhạy cảm, tạo hiệu ứng xã hội, được các cấp chính quyền và người dân ghi nhận đánh giá cao như: vụ việc vi phạm pháp luật ở Nghi Phương (Nghi Lộc); xung quanh việc tìm mộ bằng phương pháp áp vong;  Hành trình đi tìm sự thật về tà đạo Hoàng Thiên Long;  xung quanh việc học của trẻ em làng Văn Hà, Ô nhiễm môi trường nhà máy bia Sài Gòn -  Nghệ Tĩnh; Từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch; Giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A; Giải quyết dứt điểm vướng mắc tại công trình đầu mối Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng.....
Nhà thầu và đơn vị thi công cụm đầu mối Dự án Hồ chứa nước  Bản Mồng trao đổi với phóng viên.
Nhà thầu và đơn vị thi công cụm đầu mối Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng trao đổi với phóng viên.
Với tôn chỉ mục đích “là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An”, một trong những tiêu chí Báo Nghệ An đặt ra trong khi thực hiện những chuyên đề nóng, nhạy cảm là tôn trọng sự thật, đề cao tính nhân văn, định hướng dư luận và ổn định tình hình cơ sở. Vì vậy, phóng viên tác nghiệp ở điểm nóng, ngoài việc đáp ứng các yếu tố “chính trị, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật” cần phải có “ trái tim nóng và cái đầu lạnh” để “đào tận gốc, trốc tận rễ” vấn đề nhưng vẫn đảm báo tính khách quan, tôn trọng sự thật và tính nhân văn. Nếu chuyên về lĩnh vực điều tra thì ngoài “tâm sáng, lòng trong, bút sắc” còn phải có “thần kinh thép”, bản lĩnh nghề nghiệp và kỹ năng tự bảo vệ mình bởi không chỉ nhạy cảm, phức tạp mà đây còn là lĩnh vực ẩn chứa nhiều “cạm bẫy”. Trong quá trình tác nghiệp tại điểm nóng đối mặt với muôn vàn tình huống đòi hỏi phóng viên phải “dĩ bất biến, ứng vạn biến” khai thác thông tin hiệu quả mà vẫn đảm bảo an toàn.
Khi thì hóa trang đóng giả cặp vợ chồng nhà quê nghèo khổ đi buôn dừa, bị hỏng xe để tiếp cận hiện trường vụ việc; lúc là lơ xe tháp tùng chở hàng trên chặng đường dài... Để thực hiện một cảnh quay bí mật trong đêm, phóng viên Đức Chuyên – Đào Tuấn phải đội máy móc lên đầu bơi qua kênh, nằm bẹp trên cánh đồng cả tiếng đồng hồ để ghi hình. Hay trong quá trình thực hiện phóng sự điều tra đi tìm sự thật về tà đạo Hoàng Thiên Long, phóng viên Nhật Lân – Việt Long đã cải trang thành người nhà của người đang có nhu cầu chữa bệnh, xâm nhập vào các điểm hoạt động của tà đạo vào tận sào huyệt của tổ chức này tại huyện Ứng Hòa (Hà Tây) để tìm ra của sự thật.
Hoặc như quá trình thực hiện loạt bài xung quanh viêc giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A, nhóm phóng viên đã hóa thân thành nhiều vai (cán bộ GPMB, cán bộ Tài nguyên Môi trường, cán bộ dân vận....) tiếp cận với người dân, có những lúc chấp nhận bị “ăn mắng như tát nước” để có được những thông tin khách quan, đa chiều. Hàng tháng trời ngày nào cũng bám suốt dọc tuyến đường 73,8 km từ Thị xã Hoàng Mai đến Thành phố Vinh, đối mặt với nắng và bụi, với cả những bức xúc và hành động quá khích của một số người dân, nữ phóng viên Thanh Nga còn bị tai nạn xe máy gãy tay bó bột nhưng nhiệt huyết với công việc vẫn không hề vơi giảm....
Kinh nghiệm cho thấy đối với những chuyên đề nóng mang tính nhạy cảm, kéo dài, kỹ năng làm việc nhóm là rất quan trọng, vừa phối hợp ăn ý trong xử lý tình huống, xử lý nội dung vừa giữ liên lạc thường xuyên với Ban Biên tập, báo cáo tình tình, nhận chỉ đạo và thống nhất phương án hành động tiếp theo. Thông tin cũng được cập nhật từng ngày, thậm chí là từng giờ để tránh tình huống bị động “nước đến chân mới nhảy”. Làm phóng viên tác nghiệp tại điểm nóng, bài đăng xong cũng không thể “kê cao gối ngủ” mà phải  chuẩn bị đầy đủ tài liệu để hồi âm hoặc sẵn sàng đối thoại với tinh thần cầu thị khi có ý kiến phản hồi trái chiều. Ấy thế nhưng niềm đam mê, tâm huyết với nghề và chỗ dựa vững chắc từ BBT đã tạo thành sức mạnh, động lực cho các nhà báo vượt qua trong những lúc gian khó nhất.
Phóng viên Nhật Lân - cây viết điều tra giàu kinh nghiệm của Phòng Bạn đọc tâm sự rằng: “Hạnh phúc lớn nhất của phóng viên tác nghiệp tại điểm nóng là khi bài viết ra tạo được hiệu ứng xã hội, được độc giả ghi nhận và góp phần tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Cụm công trình đầu mối Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng ở xã Yên Hợp (Quỳ Hợp), sau 4 năm bị ngừng trệ do những vướng mắc trong việc đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, với sự vào cuộc của Báo Nghệ An, nỗ lực của chính quyền cơ sở và các bên liên quan, cuối cùng vấn đề đã được giải quyết, người dân từ chỗ phản ứng quyết liệt, đã quay sang  đồng thuận, ủng hộ, vui vẻ ký nhận hỗ trợ đền bù và công trình đã được thi công trở lại vào ngày 5/6/2015...
Vất vả, khó khăn, nhọc nhằn, nguy hiểm là thế nhưng tác nghiệp tại điểm nóng cũng là môi trường để các phóng viên tôi luyện và trưởng thành. Thực tế ở Báo Nghệ An, bên cạnh những cây bút “cứng” như: Đức Chuyên, Nhật Lân, Đào Tuấn... nhiều phóng viên trẻ qua được giao tác nghiệp tại điểm nóng, thực hiện những đề tài nhạy cảm, đã có sự trưởng thành vượt bậc và vươn lên trở thành đội ngũ chủ lực của cơ quan như Thục Anh, Thanh Nga, Phạm Bằng, Nguyên Khoa.... Với họ, được sống trong hơi thở nóng hổi của sự kiện, được đóng góp một phần nhỏ bé trong công việc chung của cộng đồng là một niềm hạnh phúc và là cơ hội để thử sức. “Tôi chỉ nghĩ rằng, mình là một phóng viên trẻ, hãy xông pha và làm những gì mình đam mê. Tác nghiệp tại “điểm nóng” thực sự đã tôi luyện lòng dũng cảm, bản lĩnh nghề nghiệp, giúp tôi vượt lên chính mình, trưởng thành hơn trong công việc và cuộc sống...”- phóng viên trẻ Thanh Nga chia sẻ.
Trên chặng đường tác nghiệp tại điểm nóng, đối mặt với những khó khăn, sẽ có những lúc cảm thấy mệt mỏi, sẽ có những giây phút chạnh lòng nhưng niềm đam mê với sự kiện, ước ao được phản ánh những thông tin nóng hổi hơi thở cuộc sống khiến nhiều phóng viên sẵn sàng lên đường tác nghiệp, tích cực bám địa bàn, bám cơ sở. Và sự ghi nhận của độc giả và sự khích lệ của Ban Biên tập chính là động lực, sức mạnh để phóng viên cố gắng phấn đấu vượt lên mọi khó khăn để có những bài viết, những phóng sự đáp ứng tiêu chí “ nhanh, đúng, trúng, hay” góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định tình hình cơ sở và khẳng định vị trí “nhạc trưởng” định hướng dư luận của Báo Nghệ An - tờ báo đảng địa phương trên quê hương Bác Hồ.
Khánh Ly

Tin mới