Tam Thái: Điểm sáng công tác dân số

(Baonghean) - Trở lại Tam Thái - Tương Dương để thẩm định “xã không có người sinh con thứ 3 trở lên năm 2013” chúng tôi thực sự vui mừng, bởi đây là xã 2 năm liên tục và là xã duy nhất của tỉnh năm 2013 không có người sinh con thứ 3 trở lên, thậm chí có nhiều bản 10 năm nay không có người sinh con thứ 3.

Ở xã Tam Thái, có không ít hộ sinh con một bề là con gái nhưng nhiều năm nay không có gia đình nào sinh con thứ 3. Gia đình chị Vang Thị Minh, bản Lũng là một trong số đó. Anh chị có  2 cháu gái. Mặc dù tập tục trong làng bản và dòng họ vẫn muốn sinh nhiều con, đặc biệt là con trai để nối dõi tông đường nhưng anh chị đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện tốt công tác DS/KHHGĐ nên đã quyết định dừng lại ở 2 con để “nuôi dạy cho tốt”. Hai con gái của anh chị năm nào cũng đạt học sinh giỏi toàn diện của trường, học sinh giỏi huyện, giỏi tỉnh. Còn anh chị, nhờ yên tâm về con cái nên  ngoài công việc gia đình, có điều kiện chăm lo việc chung cho bản: anh là Chi hội trưởng Hội Nông dân, chị là Chi hội trưởng Hội Phụ nữ, y tế bản kiêm cộng tác viên dân số. Tấm gương của gia đình chị Minh được dân bản học tập. Nhờ đó, bản Lũng do chị phụ trách 4 năm liền không có người sinh con thứ 3 và liên tục được Trung tâm Y tế huyện khen ngợi.
Tuyên truyền DS - KHHGĐ ở bản Lũng.
Tuyên truyền DS - KHHGĐ ở bản Lũng.
Gia đình anh Lô Văn Nhiên và chị Lê Thị Dịu ở bản Na Tổng cũng là một điển hình. Gia đình anh chị là 1 trong những hộ khá giả nhất ở Na Tổng và sinh con một bề là gái nhưng anh chị không có ý định sinh  tiếp. Khi được hỏi, anh Lô Văn Nhiên cho rằng: “Hai vợ chồng tôi mặc dù sinh con một bề là gái nhưng chúng tôi không có ý định sinh thêm con thứ 3 nữa để có điều kiện nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành và phát triển kinh tế”.
Tương Dương – một trong những huyện nghèo nhất cả nước nhưng xã Tam Thái của huyện rẻo cao này lại hoàn toàn khác. Khác từ những con đường dẫn vào bản khi tất cả đều được bê tông hóa và đạt chuẩn NTM; những ngôi nhà sàn, nhà tầng được xây kiên cố, khang trang, các gia đình đều sắm sửa được các vật dụng đắt tiền và hiếm thấy cảnh trẻ con nhếch nhác. Đó là nhờ, Tam Thái đã thực hiện  tốt kế hoạch hóa gia đình. Tiêu biểu như bản Đọoc Búa 15 năm liền không có người sinh con thứ 3; hay Na Tổng – đã 8 năm nay không có  gia đình nào vi phạm chính sách dân số. Hai năm liên tục (2012 – 2013) toàn xã không có người sinh con thứ 3 - là xã duy nhất trên toàn tỉnh đạt được thành tích này.
Mặc dù là một xã vùng cao nhưng người dân ý thức và rất tiến bộ trong việc thực hiện KHHGĐ. Cả xã có gần 90 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thì 100% đều sử dụng các biện pháp tránh thai. Ngay cả 20 cặp vợ chồng sinh con một bề là gái nhưng vẫn quyết tâm không sinh thêm con thứ 3. Họ hiểu rằng, sinh ít con, kinh tế gia đình ổn định sẽ là cơ sở để họ có thời gian chăm sóc con cái. Điều này cũng lý giải vì sao, Tam Thái luôn là xã đi đầu trong mọi phong trào của huyện như: Thu nhập bình quân của người dân đứng thứ 2 huyện (chỉ sau thị trấn), tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất huyện. Tam Thái cũng là 1 trong 2 xã duy nhất của huyện Tương Dương được chọn thực hiện điểm xây dựng “Nông thôn mới” và đến nay chỉ còn duy nhất tiêu chí nhà ở nông thôn là chưa đạt. 
Theo lãnh đạo địa phương và cán bộ làm công tác dân số nơi đây thì bí quyết của địa phương trong thực hiện KHHGĐ cũng không có gì đặc biệt – đó là phải kiên trì tuyên truyền vận động, và nếu gia đình nào vi phạm sẽ bị cắt danh hiệu Gia đình Văn hóa. Tuy vậy, theo chị Lương Thị Trang, chuyên trách dân số của xã thì đó là nhờ xuất phát từ ý thức của người dân. Và mỗi một gia đình “sinh con ít, dạy con ngoan, gia đình no ấm” là tấm gương để nhà này nhìn vào nhà kia và noi gương nhau lao động sản xuất để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhờ thực hiện tốt chính sách Dân số - KHHGĐ đã góp phần thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo; xây dựng khối, xóm, làng, bản văn hóa và phong trào xây dựng nông thôn mới: Năm 2013 có 1 bản được công nhận đơn vị văn hóa, 557 gia đình đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa (chiếm 58%) trong đó có 185 hộ đạt 3 năm liền; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm xuống còn 21%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22,42% xuống còn 16,5% (năm 2014); Không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. 
Bài, ảnh: Trần Thị Hường

Tin mới