Thân nhân người tử nạn ở Anh mong chờ tiền bồi thường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Hơn 3 năm sau cái chết của 39 người Việt Nam trong container ở Anh, “ông trùm” trong đường dây buôn người đã bị xét xử và bị buộc phải bồi thường cho gia đình các nạn nhân hơn 180.000 Bảng Anh. Đây chính là khoản tiền mà chúng đã nhận từ những nạn nhân để đưa họ vượt biên vào Anh.

Nỗi đau người ở lại

Những ngày cuối năm, chị Hoàng Thị Thương (30 tuổi), ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành khá bận rộn trong tiệm làm đẹp của mình. Tuy vậy, chị vẫn theo dõi rất kỹ các tin tức trên truyền thông đưa về phiên tòa xét xử “ông trùm” đường dây buôn người khiến 39 người Việt Nam thiệt mạng vào tháng 10/2019. Bởi trong số những người tử nạn, có người chồng trẻ của chị, anh Nguyễn Đình Tứ.

Hơn 3 năm sau cái chết của chồng, nỗi đau của người vợ trẻ đang dần nguôi ngoai. Tuy nhiên, những khoản tiền nợ thì vẫn còn đó. Bởi để cho chồng đi châu Âu, gia đình chị đã phải vay mượn một khoản tiền rất lớn. Cách đây không lâu, một tổ chức phi chính phủ chuyên về chống nạn buôn người đã hỗ trợ cho chị đi học rồi mở một tiệm làm tóc, làm nail ngay trước nhà. Tất cả chi phí hỗ trợ khoảng 50 triệu đồng. Nhưng tiệm của chị Thương cũng chỉ đông khách vào dịp cận Tết. Xã Đô Thành giàu, nhưng người dân nơi đây vẫn không dễ dàng bỏ vài trăm nghìn để làm bộ móng tay hay các dịch vụ làm đẹp khác. Tằn tiện lắm, chị mới lo được cho 2 đứa trẻ được ăn, học. Còn các khoản vay ngân hàng đang ...đành chịu!

Tiệm làm đẹp của chị Thương. Ảnh: Tiến Hùng

Tiệm làm đẹp của chị Thương. Ảnh: Tiến Hùng

Chị Thương cho biết, đến nay chị chưa nhận được khoản tiền bồi thường nào. “Tôi đọc báo và được biết một tòa án ở châu Âu ra phán quyết buộc kẻ cầm đầu đường dây phải bồi thường tiền cho gia đình các nạn nhân. Nhưng chúng tôi không biết sẽ phải liên lạc thế nào để nhận những khoản bồi thường này. Tôi hy vọng các cơ quan chức năng sẽ giúp đỡ, kết nối để chúng tôi nhận được khoản bồi thường. Cách đây không lâu, cơ quan công an có đến và xin số tài khoản của tôi. Tôi cũng không rõ họ xin làm gì", chị Thương nói và bày tỏ hy vọng sớm được nhận tiền bồi thường, để trang trải học phí cho con.

Trong số 39 thi thể trong chiếc container tử thần đó, Nghệ An là tỉnh có nhiều nạn nhân nhất, với 21 người. Trong số này, ở huyện Diễn Châu có 7 người, Yên Thành 7 người, TP. Vinh 3 người, Nghi Lộc 2 người và Hưng Nguyên, thị xã Cửa Lò mỗi địa phương 1 người.

Cách nhà chị Thương không xa, vài ngày nay chị Trần Thị Hòa (29 tuổi), ở xã Đô Thành, Yên Thành cũng đang mong ngóng những khoản tiền bồi thường mà tòa án vừa đưa ra phán quyết. Chị Hòa là vợ của nạn nhân Lê Văn Hà - 1 trong 39 người thiệt mạng trong container đến Anh. Tương tự chị Thương, chị Hòa cũng được tổ chức phi chính phủ hỗ trợ chút tiền để mở tiệm làm tóc gần nhà. Tuy nhiên, công việc này cũng chỉ đủ để kiếm ăn qua ngày. Còn khoản nợ ngân hàng, chị đành phó mặc. Bất lực nhìn lãi mẹ đẻ lãi con.

Chị Hòa kể rằng, 2 vợ chồng kết hôn năm 2015. Đến đầu năm 2019, vợ chồng mới vay mượn để cất căn nhà sống chung với bố mẹ chồng. Để có tiền trả nợ làm nhà, chồng chị quyết chí đi xuất khẩu lao động. Để có kinh phí trả cho môi giới, vợ chồng lại phải vay thêm 500 triệu đồng nữa. Cho đến giờ, những khoản nợ làm nhà và cho chồng đi nước ngoài vẫn chưa trả được đồng nào.

Ngày chồng lên đường đi châu Âu, chị Hòa đang mang bầu tháng thứ 9. Đó là đứa con trai thứ 2 của vợ chồng trẻ. “Cuộc sống của tôi hiện tại rất khó khăn. Chỉ mong nhận được chút tiền bồi thường, để trả được phần nào số nợ. Số tiền đường dây buôn người kiếm được là tiền chúng tôi đã đưa cho họ, để họ đưa người thân chúng tôi sang Anh. Nhưng thảm kịch xảy ra, ít nhất thì họ cũng phải trả lại khoản tiền đó”, chị Hòa nức nở nói.

Dùng tiền kiếm được nhờ buôn người để bồi thường cho nạn nhân

Theo truyền thông nước Anh, trong phiên xử tại Tòa Đại hình Old Bailey ở London cuối tuần qua, thẩm phán Mark Lucraft KC đã ra ra lệnh tịch thu những khoản lợi bất chính trị giá 182.079 Bảng mà Ronan Hughes thu được trong đường dây buôn người, gồm tiền mặt, các tài khoản ngân hàng, xe tải và bất động sản ở Ireland.

Trong số này, 180.000 Bảng sẽ được sử dụng để bồi thường cho gia đình các nạn nhân trong thảm kịch 39 người Việt thiệt mạng trong xe tải ở Essex, Anh, hồi năm 2019. Nếu không chấp nhận thực hiện phán quyết bồi thường này, Hughes sẽ phải ngồi tù thêm 2 năm. Ronan Hughes, 43 tuổi, đến từ Armagh, Bắc Ireland, trước đó đã bị kết án 20 năm tù vì tội ngộ sát và được xác định là “ông trùm” trong đường dây buôn người.

Ngôi nhà của chị Thương ở xã Đô Thành. Ảnh: Tiến Hùng

Ngôi nhà của chị Thương ở xã Đô Thành. Ảnh: Tiến Hùng

Để vượt biên qua Anh, 39 nạn nhân trước đó đã phải nộp cho những kẻ buôn người ít nhất 20.000 Euro (hơn 23.000 USD). Chúng sử dụng một công ty vận tải đường bộ của Ireland thường xuyên nhập khẩu bánh quy Việt Nam để đưa người qua eo biển Anh, còn các thành viên băng nhóm người Việt phụ trách tiếp nhận người di cư khi họ đặt chân tới Anh. Thi thể 39 người Việt được phát hiện ngày 23/10/2019 trong xe tải đông lạnh tại khu công nghiệp ở Essex, gần London. Khám nghiệm tử thi kết luận nguyên nhân tử vong của các nạn nhân là thiếu oxy, tăng thân nhiệt trong không gian kín.

Ngay trước khi tài xế mở thùng xe, Hughes nhắn tin cho anh ta rằng "hãy nhanh chóng cho họ thở, nhưng đừng để họ ra ngoài". Tài xế container cũng đã bị kết án tù 13 năm 4 tháng vì tội ngộ sát. Cảnh sát đã xác định được ít nhất 6 chuyến buôn người tương tự. Chỉ riêng tháng 10/2019, những kẻ buôn người này đã kiếm được hơn 1 triệu Bảng.

Tại Bỉ, có tổng cộng 23 người gồm có cả người Việt đã bị đưa ra xét xử. Trong đó Vo Van Hong bị xác định có vai trò cầm đầu, bị tuyên 15 năm tù. 18 người lĩnh án dưới 5 năm tù và 4 người được tuyên trắng án. Hồi tháng 1/2021, 7 nghi phạm khác bị xét xử tại Anh và nhận án tù từ 3 năm tới 27 năm cho tội ngộ sát.

Trước đó, tháng 9/2020, Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt 7 người mức án 1 năm tù treo đến 7 năm 6 tháng tù giam vì đưa lao động ra nước ngoài trái phép liên quan đến vụ việc này. Trong số đó, có tới 5 người quê Nghệ An. Còn tại Nghệ An, ngày 25/6/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên phạt Nguyễn Thị Thắm (25 tuổi), trú phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò 15 tháng tù về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”. Thắm chính là người đã nhận tiền môi giới để đưa 1 trong 21 nạn nhân ở Nghệ An sang Anh trong chiếc container định mệnh.

Tin mới