Tháo gỡ khó khăn cho người dân tại các khu TĐC

(Baonghean) - Theo cam kết đã được triển khai trong các trường hợp phải di dời dân khi xây dựng các KCN, nhà máy thủy điện, những hộ tái định cư khi đến địa điểm mới sẽ được bố trí các điều kiện đảm bảo cuộc sống tốt hơn, hoặc ngang bằng nơi ở cũ. Đặc biệt, vấn đề cơ sở hạ tầng, đất sản xuất và việc làm cho người dân trong những trường hợp này sẽ được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại các khu TĐC, người dân phải đối mặt với không ít khó khăn.

Đơn cử như tại khu TĐC thủy điện Bản Vẽ tại Thanh Chương, theo tiêu chuẩn của dự án, khi về ở tại khu TĐC mỗi gia đình được chia 1.000m2 đất vườn cùng đất ở và từ 1-1,5ha đất sản xuất, nhưng mấy năm nay, do việc chuyển xuống khu TĐC phải được tiến hành cùng một lúc mà rải rác nhiều đợt. Khi việc phân chia ranh giới chưa được thực hiện một cách dứt khoát, đã xuất hiện tình trạng những hộ về trước lấn chiếm đất của hộ về sau, người dân địa phương lấn chiếm đất của người tái định cư. Vì thế những người về trước có nhiều đất người về sau thiếu đất để sản xuất.


Tháo gỡ khó khăn cho người dân tại các khu TĐC ảnh 1

              Bể không có nước, người dân phải đi chắt nước về dùng.

Hơn nữa, khu vực chọn để tái định cư cho người dân không phải là những khu vực đất đai màu mỡ, mà ngược lại những khu vực đó thường là đất khai hoang trên nền dốc nên rất dễ bị xói mòn, mất chất, dẫn đến sản xuất không hiệu quả, khiến cho việc sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn, lương thực làm được không đủ ăn. Ngay tại bản Kim Hồng (xã Ngọc Lâm, Thanh Chương), đây là bản được di dời về khá sớm từ năm 2009 trên cơ sở toàn bộ dân cư của bản Kim Hồng, xã Kim Tiến, huyện Tương Dương. Dù về sớm, nhưng các hộ dân của bản này cũng không có đủ đất để sản xuất, toàn bản có 103 hộ/438 nhân khẩu (dân tộc Thái) thì đã có đến 101 hộ thuộc diện đói nghèo, thiếu ăn. Đất nông nghiệp của bản chủ yếu là đất sỏi đá nên chỉ làm được một vài mùa sắn là lại cằn cỗi.


Bên cạnh đó, có một vấn đề nghiêm trọng không kém đó là nước sạch cho bà con . Tại bản Kim Hồng, khi quy hoạch xây dựng khu TĐC đã có 6 bể nước tự chảy được xây dựng, với số bể này "dự tính" có thể cung cấp nước sạch quanh năm cho người dân. Thế nhưng đến nay, chỉ được mấy mùa tràn nước thì các bể này lại rơi vào tình trạng bị bỏ không, nước không còn về tới bể. Vì thế, để có nước dùng người dân đành phải xuống các vùng trũng đào hố lấy nước về dùng tạm.


Ông Lô Hoài Dung- Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm cho rằng: Thiếu đất sản xuất và không có nước sạch để dùng đang là tình trạng chung của xã hiện nay. Chính việc thiếu đất sản xuất đã dẫn đến việc thiếu công ăn việc làm khiến cho tệ nạn xã hội nảy sinh, mà rõ nhất là tệ nạn ma tuý. Hiện nay, toàn xã có đến 83 người nghiện ma túy. Và cũng bởi những khó khăn như thiếu nước, thiếu đất để sản xuất mà đến nay toàn xã đã có 10 hộ (43 khẩu) đã kéo nhau về lại quê cũ.


Từ thực trạng những khó khăn của người dân tái định cư nói chung, tái định cư thủy điện Bản Vẽ tại Thanh Chương nói riêng, thiết nghĩ cần có chính sách tín dụng riêng cho các hộ khu TĐC để vay vốn thay đổi ngành nghề, xuất khẩu lao động, mở rộng sản xuất...Bởi nếu không có chính sách riêng, mang tính đặc thù thì người dân khó có thể tiếp cận nguồn vốn vay. Cần bổ sung chính sách tiếp tục hỗ trợ lương thực, kinh phí khai hoang mở rộng diện tích sản xuất, đào tạo nghề...cho người dân.

Đặng Nguyễn

Tin mới