Bóng đá Nghệ An năm 2015: Bức tranh tương phản

(Baonghean) - Trong khi đội bóng thi đấu V-League và các đội trẻ của SLNA không những không giành được danh hiệu nào mà còn tạo nên những tai tiếng, thì ở sân chơi phong trào, các giải đấu nở rộ với nhiều hình thức thi đấu đa dạng... 
Dấu chấm than buồn
Đầu tháng 9/2015, từ kế hoạch “đốt cháy” thành Vinh trong lượt trận cuối cùng của V-League 2015 khi SLNA gặp SHB.Đà Nẵng, trên các diễn đàn, Hội CĐV xứ Nghệ đã tuyên bố hủy và ra luôn thông báo chấm dứt các hoạt động cổ vũ mùa giải 2015. Hành động này, dù bột phát hay đã được cân nhắc kỹ, cũng là một dấu chấm than buồn cho 1 năm thi đấu đầy bết bát của các đội bóng SLNA, ở cả giải chuyên nghiệp và giải trẻ. 
Ở sân chơi chuyên nghiệp, SLNA bắt đầu mùa giải 2015 với sự thay đổi lớn trên băng ghế huấn luyện. HLV Nguyễn Hữu Thắng – người góp công lớn đưa SLNA lên ngôi vô địch V-League mùa giải 2011 và là điểm tựa về mặt tinh thần cho các cầu thủ, ra đi sau hơn 4 năm gắn bó. Người được chọn lựa thay thế cũng là một cựu binh khác của SLNA, HLV đội U17 Ngô Quang Trường. Cùng với đó, cầu thủ kỳ cựu Lê Công Vinh, Đội trưởng mùa giải 2014, cũng chia tay đội bóng để đầu quân cho B.Bình Dương.
SLNA không ít lần gục ngã ngay trên
SLNA không ít lần gục ngã ngay trên "thánh địa" Vinh ở mùa giải 2015
Những biến động đó tác động lớn đến thành tích của SLNA mùa giải 2015. Họ để thua 0-3 trước Hải Phòng ngay trong trận đầu ra quân trên sân nhà nhưng rồi chơi tốt dần lên và có lúc đã leo lên vị trí thứ 2 trên BXH. Nhưng rồi, bước vào giai đoạn 2, SLNA lại thể hiện bộ mặt hoàn toàn khác. Đội bóng xứ Nghệ để thua đến 5 trong 7 trận đấu liên tiếp, hầu hết là trước những đội bóng dưới cơ. Trong đó, đáng chú ý là các trận thua trước các đội bóng đang “khát” điểm như HAGL và Cần Thơ, khiến các CĐV phẫn nộ, Hội CĐV ra thông báo tẩy chay đội bóng như đã nói ở trên. Kết thúc mùa giải, SLNA xếp ở vị trí thứ 7 – vị trí thấp nhất trong nhiều năm qua và quan trọng hơn, đội bóng đã làm mất đi niềm tin, tình cảm mà các VĐV dành cho họ. 

Ở các giải trẻ, SLNA đã có 1 năm trắng tay. U13 rồi U15 của SLNA chẳng tạo được chút tiếng vang nào và thậm chí không vào được tới vòng bán kết. Ở giải U17 quốc gia cũng vậy, đội bóng trẻ SLNA gây thất vọng khi thi đấu vật vờ và hoàn toàn lu mờ trước những đại diện ưu tú khác như Viettel hay PVF và sớm bị loại. Tại vòng loại U21 quốc gia dù là đương kim vô địch, nhưng sau 4 vòng đấu, đội bóng trẻ xứ Nghệ chỉ có được đúng 1 chiến thắng, 1 kết quả hòa, thua cả 2 trận còn lại và xếp thứ 3 chung cuộc. 

Pha vào bóng của hậu vệ Quế Ngọc Hải làm gãy chân cầu thủ Anh Khoa (Đà Nẵng)
Pha vào bóng của hậu vệ Quế Ngọc Hải làm gãy chân cầu thủ Anh Khoa (Đà Nẵng)

Không những bết bát về thành tích, mùa giải 2015 của SLNA còn gắn liền với những tai tiếng đáng quên. Đó là việc trung vệ Quế Ngọc Hải, biểu tượng thành công nhất của đội bóng ở mùa giải có cú vào bóng bằng 2 chân gây chấn thương nặng cho tiền vệ Anh Khoa của Đà Nẵng, tạo ra một bản án gây tranh cãi nhất lịch sử V-League và mất đi cơ hội được đóng góp cho các ĐTGQ ở các giải đấu quốc tế. Đó còn là việc trung vệ Mạnh Hùng sau khi bị phạt thẻ vàng đã lao vào đòi ăn thua với trọng tài tại Vòng loại Giải U21 quốc gia.

Rộ sân chơi phong trào
Trong khi bóng đá chuyên nghiệp Nghệ An có 1 năm đáng quên thì bóng đá phong trào lại có những bước phát triển đáng ghi nhận. Tháng 1/2015, lần đầu tiên, một hội bóng đá phong trào cấp tỉnh chính thức ra đời, có tư cách pháp nhân, có trụ sở, tài khoản và con dấu riêng, hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đây là kết quả tất yếu của sự phát triển mạnh mẽ của bóng đá phong trào tỉnh nhà trong thời gian qua, với hơn 200 CLB và rất nhiều giải đấu lớn nhỏ do các CLB tự tổ chức hàng năm. 
Các cầu thủ tranh tài ở Vinh League 2015
Các cầu thủ tranh tài ở Vinh League 2015.
Từ đầu năm 2015 đến nay, Hội Bóng đá phong trào Nghệ An đã tổ chức được 3 giải đấu: Giải bóng đá “Vì người nghèo” tranh Cúp LG An Thịnh, Giải bóng đá “Vinh League 2015” tranh Cúp Chương Dương, Giải bóng đá hạng Nhất Nghệ An tranh Cúp Văn Minh và Giải bóng đá “Vì người có công với cách mạnh” tranh Cúp Hiếu Giang.  Cả 4 giải đấu này đều thu hút sự tham gia của hàng chục CLB bóng đá phong trào mạnh nhất trên địa bàn thành phố Vinh hiện nay như FC Văn Minh, FC Chương Dương, FC Free, FC BB, FC Hiếu Giang, FC Ý Lan… và sự góp mặt của nhiều cầu thủ rất nổi tiếng một thời như Văn Quyến, Huy Hoàng, Lâm Tấn, Hải Nam, Minh Ngọc,… Điều hấp dẫn ở giải phong trào này là sự trong sạch và lành mạnh nên các trận đấu luôn thu hút được đông đảo khán giả đến cổ vũ. 

Cùng với các giải của Hội Bóng đá phong trào Nghệ An, năm 2015, bóng đá tỉnh nhà còn có thêm một sân chơi khác, đó là Giải bóng đá xã, phường năm 2015 được tổ chức vào cuối tháng 10 tại SVĐ TP. Vinh. Tiền thân là Giải Bóng đá nông dân tỉnh được tổ chức từ những năm 1990, từ năm 2011, giải đấu này  được đổi tên thành Giải Bóng đá xã, phường, và Điều lệ giải cũng có những thay đổi. Thành phần thi đấu không chỉ có nông dân mà còn có cả công chức, viên chức, công nhân và đội bóng của một huyện, thành, thị tham gia giải không phải đến từ nhiều xã, phường như trước đây mà hoàn toàn chỉ trong 1 xã, phường.

Đội bóng xã Hợp Thành (Yên Thành) giành chức vô địch giải bóng đá xã, phường tỉnh Nghệ An năm 2015
Đội bóng xã Hợp Thành (Yên Thành) giành chức vô địch giải bóng đá xã, phường tỉnh Nghệ An năm 2015.
Năm nay, những trận đấu tại Giải bóng đá xã, phường luôn diễn ra rất kịch tính, chất lượng và thu hút rất đông khán giả đến theo dõi. Tuy mỗi đội bóng của các huyện, thành, thị chỉ giới hạn lực lượng trong 1 xã, phường nhưng theo đánh giá của các cán bộ thể thao, chính quy định này đã khuyến khích các huyện, thành, thị xây dựng một xã, phường điểm về phong trào thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, đồng thời tổ chức các giải đấu cấp huyện để các xã, phường khẳng định sức mạnh của mình, góp phần đẩy mạnh phong trào bóng đá nói riêng và thể thao quần chúng nói chung của địa phương.
Minh Quân

Tin mới