Lo xa cho tương lai gần

(Baonghean) - Con đường để thoát nghèo đối với nhiều người xứ Nghệ đó là học thật giỏi. Cùng suy nghĩ đó, một số cầu thủ ngoài nghiệp quần đùi áo số, ngoài thời gian chăm chỉ tập luyện chuyên môn thành tài vẫn luôn chăm lo cho con đường học vấn để bổ sung cho hành trang tương lai sau khi giải nghệ. Chính vì thế, một số cầu thủ SLNA đã bắt đầu nghĩ đến chuyện học đại học từ khi còn là “sao”… 

Theo tâm sự của tuyển thủ SLNA và U23 Việt Nam - Trần Đình Hoàng, sau kỳ Sea Games 27 tại Myanmar tới đây, anh sẽ có thêm một nhiệm vụ hết sức nặng nề là theo học lớp tại chức ngành Quản trị kinh doanh do Trường ĐH Mở Hà Nội đào tạo. Bóng đá là một nghề lao động vất vả, nếu không nói là vô cùng nặng nhọc. Chắc chắn Đình Hoàng và những cầu thủ có ý định vừa đá bóng, vừa học đại học sẽ phải nỗ lực rất nhiều, bên cạnh đó còn phải biết cách sắp xếp thời gian một cách khoa học để không ảnh hưởng đến phong độ cũng như quá trình học tập... 
l Tuyển thủ Trần Đình Hoàng (trái) đã tính đến việc theo học đại học sau kỳ Sea Games 27 năm nay.	Ảnh Internet
l Tuyển thủ Trần Đình Hoàng (trái) đã tính đến việc theo học đại học sau kỳ Sea Games 27 năm nay. Ảnh Internet
Không chờ đến khi được lên đội 1 mới bắt đầu tìm lớp học tại chức, tại đội U19 của SLNA đang có 2 cầu thủ là những sinh viên thực thụ của Đại học Vinh cũng với chuyên ngành QTKD. Đó là Cao Huy Hoàng và Nguyễn Viết Nguyên. Vừa được các thầy đánh giá cao trên lĩnh vực thể thao, Huy Hoàng và Viết Nguyên đang là những cử nhân kinh tế tương lai. Thế nên với những cầu thủ có ý chí và nghị lực, chuyện vừa đá bóng vừa theo đuổi đam mê cho đến khi giải nghệ và vừa học tập để lập nghiệp là chuyện hoàn toàn có thể. Bởi không phải ai cũng có thể trở thành HLV, trợ lý, BHL sau thời gian thi đấu ngắn ngủi. Chưa tính đến những trường hợp chấn thương, những biến cố gặp phải khi còn chơi bóng.
Chúng tôi thật sự khâm phục cầu thủ U19 Việt Nam – Nguyễn Công Phượng , bởi thành tích học tập đáng nể, nhiều năm liền em là học sinh giỏi xuất sắc. Trong cuốn sổ ghi thành tích học tập cuối năm được nhà trường gửi về gia đình có ghi điểm tổng kết các môn học của Nguyễn Công Phượng là 9,0 – đạt học sinh giỏi toàn diện.
Sổ học bạ của tuyển thủ U19 Việt Nam Nguyễn Công Phượng với điểm tổng kết 9.0.
Sổ học bạ của tuyển thủ U19 Việt Nam Nguyễn Công Phượng với điểm tổng kết 9.0.
Có lẽ đã đến lúc các cầu thủ trẻ nhận thức được việc theo đuổi đam mê và lo cho tương lai sau này. Bởi những minh chứng ngay trước mắt cho thấy, đàn anh của họ dù tài năng và triển vọng đến mấy, cũng có một tương lai không sáng sủa gì sau khi giải nghệ. Người thì thất nghiệp, người thì phải bươn chải kiếm sống bằng đủ thứ nghề phổ thông, người thì sống nhờ vào sự cưu mang của các đội bóng đại gia. Cuộc đời cầu thủ luôn biến động trong khoảnh khắc, khi đôi chân không còn có thể kiếm ra tiền. Rõ ràng con đường nào cũng có rất nhiều những khó khăn thử thách, nhưng con đường học vấn và tính đến chuyện chọn cho mình một nghề sau khi “treo giày” là một hướng đi đúng mà các cầu thủ trẻ cần nhận thức một cách nghiêm túc...
Để có được sự thành công nhất định trong bóng đá cần có sự khổ luyện. Và để bóng đá phát triển có chiều sâu, thiết nghĩ việc giáo dục tư cách, văn hóa, kiến thức cho cầu thủ ngay từ khi còn trẻ là điều rất cần thiết. Và để có một tương lai ổn định, vững chắc thì ngoài theo đuổi niềm đam mê, các cầu thủ phải nghĩ đến chuyện học ĐH hay theo học một nghề nào đó. Cầu thủ bóng đá là những người của công chúng, ngoài hình ảnh là một cầu thủ xuất sắc trên sân đấu, cống hiến cho khán giả những trận đấu hay, những pha bóng đẹp, thì cũng rất cần được học hành bài bản, chỉn chu. Đó cũng là cách lo xa cho một tương lai gần.
Ngọc Minh

Tin mới