“Thơ Quỳnh Lưu bốn thế kỷ”- Một tập sách quý

(Baonghean) Từ những năm 60 cho đến thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, Quỳnh Lưu đã cho ra đời 4 tập thơ: Nước bạc cơm vàng – năm 1963, viết về công trình Thủy lợi tiêu úng Bình Sơn; Sóng sông Mai năm 1968, tập thơ viết về những năm tháng hào hùng của quê hương đánh Mỹ do Ty Văn hóa Thông tin Nghệ An ấn hành; Quỳnh Lưu ngày mới – năm 1987, tập thơ viết về Quỳnh Lưu những năm bước vào thực hiện công cuộc đổi mới do Nhà Xuất bản Nghệ An ấn hành; Thơ Tùng Lĩnh – năm 2000 tập hợp thơ của các tác giả trong Câu lạc bộ Thơ Tùng Lĩnh do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An ấn hành. Đó là những tập thơ ghi lại những dấu ấn trong quá trình đi lên của quê hương và còn bị giới hạn về thời gian, không gian, độ dày không quá 150 trang in.

Để có một tuyển tập thơ đúng tầm của một huyện có truyền thống văn hóa là niềm khát khao, mong mỏi của các tác giả và những người yêu mến văn học huyện nhà, từ năm 2000, huyện đã có ý tưởng làm tuyển tập thơ thế kỷ chưa thực hiện được. Nhân kỷ niệm 540 nhân xưng Quỳnh Lưu, 80 năm thành lập Đảng bộ huyện, Quỳnh Lưu đã cho ra mắt bạn đọc tuyển tập thơ: Thơ Quỳnh Lưu bốn thế kỷ (Nhà xuất bản Văn học). Tập thơ in đẹp, dày 615 trang, bìa cứng. Bìa 1 là tên tập thơ và hình tượng nữ sỹ Hồ Xuân Hương trên nền màu vàng, biểu trưng cho đồng lúa vàng Quỳnh Lưu, bìa 4 là bức tranh phong cảnh đền Cờn - một di tích văn hóa của huyện.

Thơ Quỳnh Lưu bốn thế kỷ tập hợp thơ của các tác giả thơ xứ Quỳnh 4 thế kỷ, từ Thượng thư Bộ công Hồ Sỹ Đống (1738-1785), Nữ sỹ Hồ Xuân Hương (1772-1822) cho đến các nhà thơ, các tác giả thơ hôm nay, có lực lượng trẻ nhất là thế hệ 8X và các tác giả thơ khác viết về Quỳnh Lưu. Tập thơ có những nhà thơ nổi tiếng của đất nước qua từng thời kỳ như Bà Chúa thơ Nôm – Nữ sỹ Hồ Xuân Hương, Nhà thơ Hoàng Trung Thông, Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu). Bên cạnh những nhà thơ đã khẳng định được vị trí của mình trên văn đàn cả nước, của tỉnh nhà, còn có những gương mặt mới với phong cách mới như Bùi Sim Sim, Phạm Thái Lê, Tô Hương Sen, Hồ Huy Sơn, Trần Văn Khoa… Tập thơ được chia làm 3 phần:

Phần 1: Thơ Trung cận đại (từ thế kỷ 18 đến trước Cách mạnh tháng Tám) có 19 tác giả với 34 bài thơ.

Phần 2: Thơ hiện đại (từ Cách mạng tháng Tám đến năm 2000), được phân làm 3 dòng thơ: Thơ tự do và thơ lục bát, thơ đường, thơ trào lộng.

Phần 3: Thơ viết về Quỳnh Lưu, có 17 tác giả với 20 bài thơ.

Trong phần thơ hiện đại thì lực lượng hùng hậu nhất là thời kỳ đổi mới đến nay, số lượng bài và tác giả hơn một nửa tập sách. Hiện nay, hầu như  xã nào cũng có CLB thơ, ở huyện có CLB Thơ Đường, CLB thơ Người cao tuổi, CLB Văn học Nghệ thuật Sông Mai; các CLB là sân chơi cho những người cao tuổi nhưng cũng đã tạo nên không khí văn chương đáng trân trọng.

Ngoài các tác giả đang công tác, sinh sống tại quê hương, tập thơ còn có sự góp mặt của các tác giả xa quê, từ Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Tây Nguyên, Thành phố Vinh và các huyện trong tỉnh. Các nhà thơ thời hiện đại như: Chế Lan Viên, Hồ Dzếnh, Trần Hữu Thung… đã góp phần làm nên hương sắc cho thơ xứ Quỳnh nồng nàn, đa thanh sắc. Tập thơ là sự hội ngộ bình đẳng giữa những người trí thức đến những người bình thường như: nông dân, công nhân, thợ thủ công, cựu chiến binh… Bạn đọc ở mỗi lứa tuổi, mỗi trình độ cảm nhận được cái hay, cái đẹp của mỗi câu thơ, bài thơ. Và như trong bài giới thiệu đã viết: “Có thể thấy những tứ thơ, ngôn ngữ, hình tượng thơ trong tập lắng đọng lại về con người và mảnh đất Quỳnh Lưu hào hùng trong quá khứ; cần cù, sáng tạo trong lao động xây dựng quê hương thời kỳ đổi mới. Đó là tấm lòng của những con người đối với Mẹ quê hương, là những cảm xúc rung động, những nét riêng tư, lãng mạn thơ mộng, bao trùm lên là lòng bao dung và nhân ái".

Tuyển tập Thơ Quỳnh Lưu bốn thế kỷ với Tuyên Văn Quỳnh Lưu, Địa chí Văn hóa Quỳnh Lưu, Quỳnh Lưu - huyện địa đầu xứ Nghệ, Lịch sử Đảng bộ huyện, Quỳnh Lưu, đã làm nên bộ sách toàn thư về huyện Quỳnh Lưu, đã phần nào đáp ứng mong mỏi của những người con quê hương và những người yêu mến mảnh đất này.

Trần Ngưỡng

Tin mới