Đoàn ĐBQH Nghệ An lấy ý kiến Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi và Luật phòng, chống rửa tiền

(Baonghean.vn) - Ngày 17/2, dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Văn Tấn – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) và Luật phòng, chống rửa tiền. Đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh tham dự.

 

Năm 1999, Luật BHTG ra đời, đi vào hoạt động với mục đích bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn và bền vững của hệ thống tài chính, ngân hàng. Tuy nhiên, sau hơn 10 hoạt động, BHTG cần thiết phải có những đổi mới cho phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời đối phó với nguy cơ rủi ro cao của hệ thống tài chính, ngân hàng.


Các đại biểu tham gia đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật BHTG và tập trung đóng góp các ý kiến về: mô hình hoạt động và chức năng giám sát của tổ chức BHTG; đối tượng áp dụng; quyền và nghĩa vụ của người được BHTG, tổ chức tham gia BHTG, tổ chức BHTG; loại tiền gửi được bảo hiểm; phí BHTG; hạn mức trả tiền bảo hiểm; thanh tra và khiếu nại về BHTG; quản lý nhà nước về BHTG, mô hình tổ chức BHTG.

 Đoàn ĐBQH Nghệ An lấy ý kiến Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi và  Luật phòng, chống rửa tiền ảnh 1

              Các đại biểu phát biểu ý kiến góp ý vào các dự thảo luật

 

Đồng chí Phạm Văn Tấn kết luận: Phần lớn các ý kiến của đại biểu đều bám sát nội dung mà UBTV Quốc hội gợi ý. Văn phòng ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến, hoàn chỉnh báo cáo gửi UBTV Quốc hội.

 

Về Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền, bao gồm 5 chương, 50 điều đã được Quốc hội khóa XII đưa vào chương trình xây dựng luật của khóa và được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 2 vừa qua. Tại buổi làm việc, có 8 ý kiến trong đó đa số các đại biểu nhất trí với tên gọi cũng như phạm vi điều chỉnh, bố cục của Luật. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị không nên đưa phần “tài trợ khủng bố” trong tên gọi Luật của cũng như các quy định cụ thể; làm rõ các cách thức, biện pháp rửa tiền, hành vi rửa tiền tài trợ cho khủng bố; đề nghị bổ sung hoạt động dịch vụ cầm đồ vào nhóm các ngành nghề kinh doanh phi tài chính vì đây là một trong những nơi bọn tội phạm rửa tiền (cầm cố các tài sản phạm tội để lấy tiền); có quy định về loại giao dịch có tài sản lớn và có nên quy định ở trong Luật hay dưới luật; vai trò của cơ quan thông tin và quản lý nhà nước về tài chính, ngân hàng trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng xác minh, điều tra hành vi rửa tiền; quy định rõ hơn về người có ảnh hưởng lớn về chính trị và các biểu hiện rửa tiền… .

 

Về mô hình cơ quan phòng chống rửa tiền, có 2 ý kiến là nên đặt cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền tại ngân hàng nhà nước hoặc Bộ Công an; một mặt cơ quan quản lý nhà nước như UB chứng khoán, ngân hàng có trách nhiệm chính trong phòng ngừa thì các cơ quan bảo vệ pháp luật có vị trí quan trọng trong đấu tranh chống rửa tiền nên cần được thể chế phù hợp và tương thích với quy định của Luật pháp quốc tế…

 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Phạm Văn Tấn tiếp thu các ý kiến đóng góp để chỉnh lý, tổng hợp và chuẩn bị trình tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Thành Duy-Nguyễn Hải

Tin mới