Công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay

(Baonghean) Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành T.Ư Đảng (Khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Khi mà vấn đề kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của đội ngũ lãnh đạo các cấp, vấn đề cán bộ lãnh đạo “nêu gương” trở nên cấp thiết để chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chúng ta cần nhìn nhận khách quan vấn đề về "nhân lực”, “cán bộ" trong các địa phương, cơ quan, đơn vị một cách sát thực và thực sự "dân chủ, công bằng" để đạt đến "đạo đức”, "văn minh”.

Ở bài viết này, tôi muốn đưa ra một số nguyên nhân trong tư duy, nhận thức cũng như trong thực tiễn diễn ra những xu hướng chủ yếu sau:

Thứ nhất, thực tế thấy rằng, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ hiện nay rất được Đảng, Nhà nước, cơ quan, doanh nghiệp rất được Đảng, Nhà nước, cơ quan, doanh nghiệp quan tâm để nâng cao năng lực chuyên môn, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh một số cán bộ nhận thức đúng việc đi học là phục vụ tốt hơn nhiệm vụ của mình, thì còn có một số khác do chạy theo bằng cấp, hợp lý hoá hồ sơ để được "quy hoạch, đề bạt". Mặt khác, một số lãnh đạo chưa nhận thức được việc học, bồi dưỡng cán bộ khi chưa đủ yêu cầu, điều kiện để đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn là rất cần thiết, là “nghĩa vụ” của cán bộ để đáp ứng yêu cầu công việc, nên có tư tưởng đối phó, làm đến đâu hay đến đó.

Thứ hai, cần phải nói đến là tư duy đề bạt cán bộ theo kiểu “xếp hàng". Việc sử dụng và tạo điều kiện để cán bộ trẻ thể hiện, phát huy "sở trường, sở đoản" ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn hạn chế do tư duy kiểu "xếp hàng". Để thay đổi kiểu tư duy này, cần có những quyết sách "đột phá” nhằm  phát huy, trọng dụng đúng người tài.

Thứ ba là vấn đề "quy hoạch" và "đề bạt" theo "quan hệ”. Gần đây, chúng ta nghe nói đến nhiều về 5 vần "ệ" trong xã hội: "quan hệ - đồ đệ - tiền tệ - công nghệ - trí tuệ". Khi mà vai trò “trí tuệ" chỉ đặt sau những cái khác thì thật là "tồi tệ". Đó là chưa kể đến việc một số cán bộ dù trình độ, năng lực không đáp ứng được nhiệm vụ nhưng không bị cách chức, thậm chí có sai phạm vẫn được lên chức.

Điểm quan trọng thứ tư là cơ quan Nhà nước muốn tuyển chọn người trẻ có năng lực cũng không phải dễ. Với thị trường lao động hiện nay, chất xám là hàng hóa, cho nên đồng lương của Nhà nước không đủ sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác. Nhiều bạn trẻ không tha thiết vào các cơ quan Đảng, chính quyền mà tìm đến các công ty tư nhân, nước ngoài, môi trường làm việc tốt, thể hiện được khả năng, sáng kiến và hưởng đồng lương xứng đáng. Tình trạng này đã và đang xảy ra, nếu kéo dài, trình độ chuyên môn và năng lực làm việc của cán bộ trong hệ thống cơ quan nhà nước rồi đây sẽ thấp hơn bên ngoài. Sự chênh lệch này tất yếu đẩy đến một hậu quả, đó là hoạt động của bộ máy hành chính công không theo kịp sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và của cả xã hội.

Tóm lại, trong giai đoạn hiện nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ trẻ là quá cần thiết và cấp bách. Nhưng để thu hút cán bộ trẻ có thực tài thì phải có chính sách sử dụng và đãi ngộ phù hợp. Nếu không, dù tuyển chọn cán bộ trẻ nhưng là người cơ hội và bất tài thì hệ quả của nó thật khó lường, như Bác Hồ đã khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.

Công Minh

Tin mới