Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11: Để Luật "ngấm" vào nhận thức người dân

Năm 2014 là năm thứ hai Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam (9/11) được kỷ niệm. Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng qua 1 năm triển khai Luật phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), trong đó qui định về “Ngày Pháp luật” đã thực sự là một điểm nhấn cho công tác PBGDPL tại nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho thấy sự băn khoăn, trăn trở của các đại biểu phải làm sao để tất cả các ngày trong năm đều là ngày pháp luật, mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: “Có một Ngày Pháp luật để tôn vinh và thượng tôn pháp luật là điều vô cùng ý nghĩa với mong muốn mọi người thấm nhuần pháp luật để phục vụ cho công cuộc xây dựng phát triển đất nước. Khi có niềm tin vào pháp luật, hành xử có văn hóa thì việc quản lý xã hội và đất nước sẽ thuận lợi, góp phần phát triển đất nước ngày càng bền vững”.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý: “Năm 2014 là năm đầu tiên triển khai Hiến pháp 2013, đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay góp sức để tăng cường pháp chế XHCN, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, trong đó, nhiệm vụ quan trọng là xây dựng hệ thống pháp luật hoàn thiện, đồng bộ, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý
Vì vậy, Ngày Pháp luật là cơ hội quý báu để tri ân, trao đổi học tập kinh nghiệm thực tiễn công tác nhằm làm tốt hơn công việc, hướng đến tôn vinh giá trị Hiến pháp và pháp luật, phấn đấu không chỉ có Ngày Pháp luật và mà cả 365 ngày trong năm và tất cả các năm, mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức nghiêm chỉnh tôn trọng và chấp hành Hiến pháp và pháp luật theo khẩu hiệu “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Như Tiến: Để Ngày Pháp luật có ý nghĩa hơn trong cuộc sống, ngoài việc tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng và cơ quan truyền thông để đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, thì việc làm thiết thực nhất là làm tốt công tác rà soát xem pháp luật có đi vào cuộc sống hay không, văn bản nào cần sửa đổi, bổ sung, thậm chí xem văn bản nào cần bãi bỏ vì xây dựng pháp luật không chỉ làm mới, sửa đổi, bổ sung mà còn phải bãi bỏ những văn bản không còn phù hợp.
 
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Như Tiến
Có như vậy, pháp luật mới phát huy tác dụng quản lý xã hội, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức, Nhà nước, mới khiến cá nhân, tổ chức tự giác tuân thủ, góp phần xây dựng xã hội ổn định
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa): Tiếp xúc cử tri tôi thấy, cử tri vẫn kêu “pháp luật nước mình nhiều mà không được chấp hành cũng nhiều” nên mong muốn những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nên dành thời gian để suy ngẫm nhiều hơn về cách thức PBGDPL làm sao để pháp luật đến được với người dân nhiều hơn, nhanh hơn, “ở lại” với người dân lâu hơn nữa. Thực tế, cách thức PBGDPL làm sao cho người dân “hấp thụ” được pháp luật là một đề tài rất lớn cần được nghiên cứu sâu sắc, nhiều góc độ song chưa bao giờ được đặt chính thức lên các bàn nghị sự. Chúng tôi nhận thấy, với các cách PBGDPL truyền thống, cần phải đổi mới liên tục, cập nhật những thay đổi của cuộc sống để có cách làm phù hợp, tránh chỉ làm cho “đẹp báo cáo” mà dân vẫn không được tiếp cận kiến thức pháp luật một cách đầy đủ và kịp thời. Như vậy sẽ làm mất đi ý nghĩa, vai trò của công tác PBGDPL và cả “Ngày Pháp luật” vốn rất đặc biệt này.
Đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên)
Với việc có một Ngày Pháp luật đã được luật hóa và triển khai trong năm qua, tôi cho rằng, việc PBGDPL ngày càng phải quan tâm hơn đến cách thức tuyên truyền làm sao để người dân “ngấm” thông tin pháp luật như những thông tin liên quan đến đạo đức xã hội. Hay nói cách khác, những người làm công tác PBGDPL phải học được cách tuyên truyền của các tôn giáo để luật “ngấm” được vào nhận thức của người dân.
Đại biểu Huỳnh Văn Tý (Bình Thuận)
Qua 1 năm triển khai, “Ngày Pháp luật” đã thực sự là một điểm nhấn để người dân có dịp ôn lại, suy nghĩ, soi rọi, rà soát lại bản thân trong việc chấp hành pháp luật. Tôi cho rằng, nếu “ngày Pháp luật” được tổ chức tốt sẽ có sự lan tỏa, tác động sâu rộng trong đời sống xã hội. Ngược lại sẽ làm cho sự kiện này trở nên nhàm chán, hình thức và không được cộng đồng đón nhận với đúng vai trò, vị trí mong muốn. Thực tế đã cho thấy, nếu sự kiện, ngày kỷ niệm nào không sát với đời sống nhân dân thì cho dù được tổ chức với những hoạt động rầm rộ thì cũng sẽ bị quên lãng nhanh chóng trong những mối lo cuộc sống thường ngày.
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau)
Có một vấn đề cần phải suy ngẫm vào Ngày Pháp luật đó là dù công tác tuyên truyền pháp luật đã làm rất tốt và tích cực nhưng sai phạm, vi phạm pháp luật vẫn xảy ra. Ngoài những vi phạm do không nắm rõ hoặc không đầy đủ qui định pháp luật thì nghiêm trọng hơn là cũng có những vi phạm, thậm chí là những hành vi vi phạm có tính côn đồ, bạo động do chính những người có hiểu biết pháp luật thực hiện.Vì thế, những người làm công tác quản lý nhà nước, làm công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong thời gian tới, cần có những giải pháp thiết thực để giải quyết, nhất là vào Ngày Pháp luật nên có hoạt động cụ thể để làm rõ hướng giải quyết được tình trạng này. Trong đó, các cơ quan truyền thông sẽ tiếp tục phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền để đưa pháp luật đến với người dân.
Theo VOV

Tin mới