Chính phủ họp trực tuyến về hội nhập quốc tế

(Baonghean.vn) - Chiều 27/8, dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Bình Minh – Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Chỉ thị 15/CT-TTg về tiếp tục triển khai Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.

Tham dự ở điểm cầu Nghệ An, có đồng chí Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành cấp tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An tham dự phiên họp trực tuyến Chính phủ
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An tham dự phiên họp trực tuyến Chính phủ

Tại phiên họp, đại diện các Bộ, ngành đã báo cáo về công tác hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực: chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo, hoàn thiện pháp luật Việt Nam phục vụ hội nhập quốc tế.

Về chính trị, an ninh, quốc phòng, trong 2 năm qua đã có bước chuyển mạnh từ chiều rộng sang chiều sâu. Việt Nam đã cơ bản hoàn thành việc xác lập khuôn khổ quan hệ với các đối tác quan trọng, tạo cơ sở đan xen lợi ích, thúc đẩy những nội hàm hợp tác cụ thể, thực chất cả về phát triển và an ninh. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược với 13 nước và đối tác toàn diện với 11 nước, trong đó có tất cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đặc biệt, đã xử lý hài hòa, cân bằng các mối quan hệ với các nước lớn, nhất là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong vấn đề biển Đông, đã đấu tranh, vận động mạnh mẽ để cộng đồng quốc tế thấy rõ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông gắn liền với hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Thứ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổng thư ký Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng phát biểu tại cuộc họp
Thứ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổng thư ký Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng phát biểu tại cuộc họp

Đến nay, Việt Nam đã ký kết và tham gia 11 FTA khu vực và song phương, bao gồm 6 FTA trong khuôn khổ hợp tác ASEAN và 5 FTA đàm phán với tư cách là một bên độc lập. Việt Nam luôn nằm trong số những nước có tỷ lệ thực hiện cao nhất các biện pháp trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEN (AEC).

Các Bộ, ngành đã chủ động lồng ghép các hoạt động hội nhập quốc tế vào quá trình xây dựng và triển khai chiến lược, kế hoạch, đề án về phát triển ngành nhằm tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế, tiếp thu kiến thức, tinh hoa văn hóa nhân loại, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

công thương
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng phát biểu tham luận tại cuộc họp

Cho đến nay, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực hiện các cam kết quốc tế liên quan đến lĩnh vực quyền con người và pháp luật hình sự vẫn tiếp tục được tiến hành thông qua rà soát, nội luật hóa các quy định của các công ước quốc tế vào các văn bản luật đang được xây dựng, sửa đổi. Từ Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) đến việc Việt Nam gia nhập WTO đã cho thấy sự phát triển trong công tác xây dựng pháp luật, từ tư duy xây dựng pháp luật, chất lượng soạn thảo đến quy trình xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội
Đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phát biểu tại cuộc họp

Trong những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam về cơ bản đã nhận thức được cơ hội nhờ hội nhập kinh tế mang lại. Trung bình hàng năm có trên 70 nghìn doanh nghiệp mới được thành lập. Tổng doanh thu của khu vực doanh nghiệp đã tăng khoảng 12 lần, từ 1,2 triệu tỷ đồng năm 2002 lên 14,4 triệu tỷ đồng năm 2014, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của toàn bộ khu vực doanh nghiệp đạt 25,6 %/năm.

Tại phiên họp, lãnh đạo một số địa phương như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Ninh, Nghệ An và Đồng Tháp cũng đã báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 22 – NQ/TW ngày 10/4/2013 về hội nhập quốc tế.

Đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị Bộ Ngoại giao sớm cung cấp thông tin về đoàn vào, đặc biệt đối với những đoàn nhạy cảm cần chỉ đạo cụ thể, thông báo những vấn đề cần lưu ý để chủ động trong công tác quản lý khi đoàn đến hoạt động tại địa phương
Đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị Bộ Ngoại giao sớm cung cấp thông tin về các đoàn vào, đặc biệt đối với những đoàn nhạy cảm cần chỉ đạo cụ thể, thông báo những vấn đề cần lưu ý để chủ động trong công tác quản lý khi đoàn đến hoạt động tại địa phương

Về phía tỉnh Nghệ An, thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã thông báo những thành tựu đạt được của tỉnh trong lĩnh vực hội nhập quốc tế thời gian qua. Theo đó, công tác tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, hình ảnh của Nghệ An có nhiều đổi mới, chủ động tiếp cận trong phương thức ngoại giao, thiết lập quan hệ hợp tác với các tỉnh của các nước như: Lào, Hàn Quốc, Liên bang Nga, Trung Quốc,..quan hệ với các Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà tài trợ phi chính phủ được tăng cường; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương để xử lý tốt các vấn đề nhạy cảm, phức tạp về tôn giáo, nhân quyền, di cư tự do…Công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và vận động nguồn vốn ODA, NGO đạt được kết quả đáng khích lệ.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng cần tăng cường thông tin sâu rộng về vấn đề hội nhập quốc tế đến mọi tầng lớp nhân dân
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng cần tăng cường thông tin sâu rộng về vấn đề hội nhập quốc tế đến mọi tầng lớp nhân dân
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần tăng cường hơn nữa công tác tập huấn nghiệp vụ đối ngoại cho cán bộ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần tăng cường hơn nữa công tác tập huấn nghiệp vụ đối ngoại cho cán bộ

Kết luận phiên họp, đồng chí Phạm Bình Minh – Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực, chủ động, đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định, khẳng định được vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng cho rằng hiện nay còn một số tồn tại trong vấn đề hội nhập quốc tế như nhận thức, hiểu biết về hội nhập của nhiều tầng lớp nhân dân còn hạn chế, lực lượng làm công tác hội nhập chưa đáp ứng được yêu cầu,…

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh kết luận phiên họp
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh kết luận phiên họp

Đồng chí đề nghị các Bộ, ngành và địa phương quán triệt nội dung Chỉ thị 15/CT-TTg về tiếp tục triển khai Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và thực hiện có hiệu quả; tăng cường tổ chức các đợt tập huấn về vấn đề hội nhập, các doanh nghiệp, địa phương chủ động nghiên cứu, đề xuất, xây dựng, truyền bá, triển khai các nội dung một cách thiết thực và có hiệu quả. Đồng chí cũng yêu cầu tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các Bộ, ngành với các tỉnh, thành trong vấn đề hội nhập, nâng cao chất lượng bộ máy nguồn nhân lực để tranh thủ cơ hội, đối phó với thách thức khi Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời vào tháng 12 tới đây.

Phương Thảo 

Tin mới