Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3

(Baonghean.vn)- Quy định mới về số lượng phó chủ tịch UBND, tốc độ xe; cơ chế hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, thân nhân công an được trợ cấp khó khăn... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2016.

Viện phí tăng khoảng 30%

Gần 1.900 dịch vụ kỹ thuật y tế được điều chỉnh giá theo hướng tăng lên với mức tăng bình quân khoảng 30% từ 1/3, theo Thông tư liên tịch 37 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính.

Mức tăng 30% là do tính thêm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù. Riêng 9 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã tự chủ hoàn toàn về tài chính gồm: Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Răng Hàm mặt Trung ương, Răng hàm mặt TP HCM, Nội tiết, Phụ sản Trung ương, Tai Mũi Họng Trung ương, Mắt Trung ương tính luôn cả lương bác sĩ nên mức tăng tương đương 50%. (Chi tiết bảng giá khám chữa bệnh từ 1/3)

Cơ chế hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai

Quyết định số 01/2016/QĐ-TT của Thủ tướng về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai có hiệu lực từ 5/3/2016. Quyết định quy định cụ thể về căn cứ hỗ trợ; quy trình hỗ trợ; nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ kinh phí; hỗ trợ thiệt hại do nắng nóng, hạn hán.

Không được liên kết sản xuất chương trình thời sự - chính trị

Có hiệu lực từ 15/3/2016, Nghị định số 06/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý nội dung thông tin, chất lượng, giá, cung cấp và sử dụng phát thanh, truyền hình tại Việt Nam; hoạt động thu xem kênh chương trình truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh tại Việt Nam.

Nội dung đáng chú ý của nghị định là việc quy định, trong liên kết sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình, không thực hiện hoạt động liên kết sản xuất chương trình đối với các chương trình phát thanh, truyền hình thời sự - chính trị. 

Nâng tốc độ xe cơ giới

Theo Thông tư 91 của Bộ Giao thông về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới hiệu lực từ 1/3, tốc độ tối đa của hầu hết phương tiện tăng thêm 10 km/h cả trong và ngoài khu dân cư.

Tốc độ tối đa cho xe cơ giới trong khu dân cư, đô thị sẽ là 60 km/h với đường đôi có dải phân cách giữa và đường một chiều có từ hai làn xe trở lên; 50 km/h với đường không có phân cách giữa và đường một chiều có một làn xe cơ giới (quy định trước đó là 40-50 km/h tùy theo loại phương tiện).

nhung-chinh-sach-noi-bat-co-hieu-luc-tu-thang-3

Tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới lưu thông khu đông dân cư được nâng lên 60km từ 1/3 tới. Ảnh: VNE

Tương ứng với các loại đường trên, khi đi ngoài đô thị, ôtô đến 30 chỗ ngồi (trừ xe buýt), ôtô tải đến 3,5 tấn được chạy tối đa lần lượt là 90 km/h và 80 km/h. Ôtô trên 30 chỗ ngồi, trên 3,5 tấn được chạy tối đa 80 km/h và 70 km/h. Các loại xe buýt, đầu kéo sơ mi rơ moóc được chạy tối đa 70 km/h và 60 km/h...

Xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự, tốc độ tối đa được xác định theo báo hiệu đường bộ và không quá 40 km/h (trừ đường cao tốc). (Chi tiết quy định tốc độ tối đa từ 1/3)

Trợ cấp khó khăn cho thân nhân công an

Có hiệu lực từ 1/3, Nghị định số 05 của Chính phủ quy định chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong ngành Công an nhân dân. Theo đó, thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ bị ốm đau từ một tháng trở lên hoặc điều trị một lần tại bệnh viện từ 7 ngày trở lên được trợ cấp 500.000 đồng/suất/lần.

Gia đình hạ sĩ quan, chiến sĩ gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến nhà ở bị sập, trôi, cháy hoặc phải di dời chỗ ở được trợ cấp 3.000.000 đồng/suất/lần. Mỗi đối tượng trên chỉ được trợ cấp không quá 2 lần trong năm. 

Ngoài ra, thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ từ trần, mất tích cũng được trợ cấp 2.000.000 đồng/suất.

Hà Nội, Tp.HCM không được quá 5 phó chủ tịch

Có hiệu lực từ 10/3, Nghị định số 8/2016/NĐ-CP quy định số lượng phó chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

Theo đó, đối với đơn vị hành chính ở nông thôn, tỉnh loại 1 có không quá 4 phó chủ tịch UBND; tỉnh loại 2, loại 3 có không quá 3 phó chủ tịch UBND. Huyện loại 1 có không quá 3 phó chủ tịch UBND; huyện loại 2, loại 3 có không quá 2 phó chủ tịch UBND. Xã loại 1 có không quá 2 phó chủ tịch UBND, xã loại 2, loại 3 có 1 phó chủ tịch UBND.

Đối với đơn vị hành chính ở đô thị, Nghị định quy định thành phố Hà Nội và Tp.HCM có không quá 5 Phó Chủ tịch UBND; thành phố trực thuộc Trung ương còn lại có không quá 4 phó chủ tịch UBND.

Quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại 1 có không quá 3 phó chủ tịch UBND; quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại 2 và loại 3 có không quá 2 phó chủ tịch UBND.

Phường, thị trấn loại 1 có không quá 2 phó chủ tịch UBND; phường, thị trấn loại 2, loại 3 có 1 phó chủ tịch UBND.

Cơ chế hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai

Quyết định 01/2016 của Thủ tướng được áp dụng từ 5/3 quy định nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ dân sinh, khôi phục hạ tầng do thiên tai gây ra. Theo đó, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ những địa phương có mức thiệt hại vượt quá khả năng của ngân sách địa phương.

Bốn căn cứ để hỗ trợ gồm: thống kê đánh giá thiệt hại theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Bộ Kế hoạch Đầu tư; báo cáo thiệt hại của UBND các tỉnh/thành phố kèm đề xuất hỗ trợ; dự phòng ngân sách địa phương đến thời điểm thiên tai; dự phòng ngân sách trung ương đến thời điểm xem xét hỗ trợ.

Quy định về quyết toán dự án thuộc nguồn vốn nhà nước

Có hiệu lực từ ngày 5/3, Thông tư 09 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước. Cụ thể, chi phí đầu tư được quyết toán là toàn bộ chi phí hợp pháp thực hiện trong quá trình đầu tư xây dựng để đưa dự án vào khai thác, sử dụng. Chi phí hợp pháp là toàn bộ khoản chi trong phạm vi dự án, thiết kế, dự toán được duyệt; hợp đồng được ký kết kể cả phần điều chỉnh, bổ sung được duyệt theo quy định và đúng thẩm quyền.

Còn chi phí đầu tư được quyết toán phải nằm trong giới hạn tổng mức đầu tư được phê duyệt hoặc được điều chỉnh theo quy định của pháp luật.

Điều kiện lập văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam

Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực từ 10/3/2016.

Nghị định quy định cụ thể về lập văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; nghĩa vụ của thương nhân nước ngoài đối với hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh; thẩm quyền cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện; quy định về việc cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn giấy phép thành lập văn phòng đại diện, giấy phép thành lập chi nhánh; hoạt động, quyền và nghĩa vụ của văn phòng đại diện, chi nhánh; chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh; quản lý Nhà nước đối với hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh.

Điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm

Quyết định số 02/2015/QĐ-TTg ngày 28/1/2016 quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm có hiệu lực từ 15/3/2016.

Quyết định gồm 9 điều, quy định về điều kiện công bố dịch bệnh truyền nhiễm; trình tự công bố dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, nhóm B, nhóm C; điều kiện, trình tự công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.

Nguyên Khoa  (tổng hợp)

Tin mới