Chủ động ứng phó với mọi diễn biến của bão số 1

(Baonghean) -Trưa 27/7, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ra công điện khẩn, yêu cầu các cơ quan, ban ngành chuẩn bị ứng phó với diễn biến mới của bão số 1 và mưa lũ lớn trên diện rộng do ảnh hưởng hoàn lưu bão.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 1 có xu hướng dịch chuyển thấp về phía Nam, cường độ mạnh lên và tốc độ di chuyển nhanh hơn. Hồi 8 giờ ngày 27/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,5 độ vĩ Bắc; 108,5 độ kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thái Bình - Ninh Bình 230 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 10 - 11.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km. Đến 19 giờ ngày 27/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 10 - 11.

Đường đi của bão số 1.
Đường đi của bão số 1.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão cấp 8 - 9, giật cấp 10 - 11. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Để chủ động đối phó với diễn biến mới của bão và mưa lũ lớn trên diện rộng do ảnh hưởng hoàn lưu bão, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN các huyện, thành phố, thị xã; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh; Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị liên quan thực hiện một số nội dung:

1. Thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 13/CĐ-TW ngày 26/7/2016 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Công điện số 06/CĐ-BCH PCTT&TKCN ngày 26/7/2016 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh.

2. Tiếp tục theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền, bằng mọi biện pháp thông báo kịp thời cho chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết thông tin về diễn biến của bão để chủ động vào nơi trú ẩn an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

3. Kiểm tra, rà soát các hộ dân cư đang sinh sống ở khu vực cửa sông, ven biển, ven sông, suối và các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, hạ lưu hồ chứa nước, có kế hoạch chủ động sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

4. Sẵn sàng triển khai các phương án đối phó với các tình huống mưa lớn gây ngập úng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

5. Kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa nước, công trình phòng chống thiên tai. Tổ chức kiểm soát tại các ngầm, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

6. Kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu có biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình đang thi công, nhất là các công trình hồ chứa, công trình liên quan đến an toàn đê điều và phòng chống lụt bão.

7. Chủ động phương án tiêu úng cho lúa hè - thu.

8. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

P.V

TIN LIÊN QUAN

Tin mới