Giải quyết vấn đề nước sạch cho các xã vùng biển

(Baonghean) - Nước sạch đang là nhu cầu thiết yếu của người dân nhiều địa phương ở huyện Diễn Châu, chuyên mục Đối thoại cấp ủy có cuộc trao đổi với đồng chí Hà Xuân Quang - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu xung quanh vấn đề cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn.

P.V: Nhu cầu nước sạch đang là vấn đề “nóng” được người dân nhiều địa phương của huyện Diễn Châu đặc biệt quan tâm; nhất là các địa phương vùng biển của huyện đang thiếu nguồn nước sạch trầm trọng. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn thực trạng này?

Đồng chí Hà Xuân Quang: Huyện Diễn Châu có 8 xã vùng biển với trên 100.000 người dân. Phần lớn người dân sống bằng nghề đi biển và làm muối. Do hạn hán những tháng qua kéo dài dẫn tới sự xâm thực của nước biển và sự ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, nên việc khai thác mạch ngầm để tìm ra nước ngọt cho sản xuất và phục vụ sinh hoạt rất khó khăn.

Vận hành Nhà máy nước thị trấn Diễn Châu.
Vận hành Nhà máy nước thị trấn Diễn Châu.

Nguồn nước sạch phụ thuộc vào mạch nước ngầm nhưng ở Diễn Châu khai thác sâu thì bị nhiễm mặn mà khai thác cạn thì không đủ công suất, trong khi nguồn nước thô rất khó khăn phải dẫn từ địa phương khác về.

Hơn nữa, sự xâm thực của nước biển và sự ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng nên việc khai thác mạch ngầm để tìm ra nước ngọt cho sản xuất và phục vụ sinh hoạt rất khó khăn, nhất là các xã vùng biển như Diễn Hải, Diễn Kim, Diễn Hùng, Diễn Bích, Diễn Ngọc.

Bà con không có nước sạch, chỉ biết khoan xuống đất hoặc đào giếng khơi, rồi dùng máy bơm lên để sinh hoạt, ăn uống. Biết rằng nguồn nước không hợp vệ sinh nhưng trong tình cảnh hiện nay nhiều hộ dân trong huyện cũng đành chấp nhận sử dụng. Thiếu nước sạch, người dân đang phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe, bệnh tật.

Không chỉ ở các xã vùng biển mà ngay địa phương ở vùng trung tâm như xã Diễn Hồng đa phần các hộ gia đình ở đây đang phải đi mua nước sạch từ địa phương khác với giá cao. Phải làm như vậy bởi ở đây, nguồn nước giếng đào hay giếng khoan đều bị ô nhiễm, không thể dùng được.

P.V: Đến nay, huyện Diễn Châu chưa tìm ra được giải pháp thực sự hiệu quả để giải quyết vấn đề nước sạch cho người dân. Vậy, vai trò của cấp ủy, chính quyền để tháo gỡ khó khăn là thế nào thưa đồng chí?

Đồng chí Hà Xuân Quang: Phải khẳng định rằng, đây là vấn đề được huyện Diễn Châu đang rất quan tâm. Để khắc phục khó khăn này, huyện đã ưu tiên đưa nước sạch về các xã vùng khó khăn. Đồng thời huyện đã đề ra nhiều giải pháp tích cực giải quyết nước sinh hoạt cho bà con.

UBND huyện Diễn Châu và Công ty TNHH MTV cấp nước Diễn Châu đã đầu tư gần 10 tỷ đồng lắp đặt đường ống đưa nước ngọt từ nhà máy nước về 4/8 xã vùng biển khó khăn là Diễn Thành, Diễn Bích, Diễn Ngọc, Diễn Vạn phục vụ cho hàng ngàn hộ dân đang thiếu nước nghiêm trọng.

Thời gian qua, từ nguồn vốn của tổ chức DANIDA (Đan Mạch) và ngân sách Nhà nước huyện Diễn Châu đã đầu tư xây dựng 5 công trình cấp nước tập trung có quy mô lớn.

Đó là Nhà máy nước Diễn Châu công suất 2.000m3/ngày; Nhà máy nước Diễn Thái, Diễn Nguyên, Diễn Đồng, Diễn Bình (công suất mỗi nhà máy là 1.700m3/ngày). Đây là những công trình cấp nước có công nghệ sản xuất hiện đại và nước đạt tiêu chuẩn 02 của Bộ Y tế.

Đồng thời huyện thu hút các dự án hỗ trợ lắp đặt máy lọc nước mini cho các xóm khó khăn ở xã Diễn Hải,...

Bên cạnh đó, các địa phương cũng tích cực huy động nội lực xây dựng các công trình nước sạch. Đi đầu trong phong trào vận động người dân đóng góp tiền xây dựng nhà máy nước công suất lớn, công nghệ hiện đại là xã Diễn Tháp.

Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong việc giải quyết nước sạch cho bà con. Tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng là vùng đặc thù khan hiếm về nguồn nước nên vấn đề nước sạch đối với bà con vùng biển đang rất khó khăn, cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, ngành. 

P.V: Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Diễn Châu khóa XXX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra có 85-90% số hộ dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ NN&PTNT; 80% dân số đô thị được dùng nước sạch. Theo đồng chí, huyện Diễn Châu cần thực hiện những giải pháp nào để đạt được mục tiêu trên?

Đồng chí Hà Xuân Quang: Có nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân là nhu cầu thiết yếu của người dân nhiều địa phương ở huyện Diễn Châu.

Trước mắt, các địa phương tích cực vận động hộ dân bỏ kinh phí xây dựng các bể nước mưa; lắp máy lọc nước mi ni để đảm bảo sử dụng nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, cung cấp nước máy cho toàn dân là mục tiêu mà các xã vùng biển đang hướng tới.

Để có nước sạch người dân phải xây bể đựng nước mưa.
Để có nước sạch người dân phải xây bể đựng nước mưa.

Vì vậy thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các địa phương quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân hiểu được lợi ích của việc sử dụng nước sạch, hiểu rõ tác hại của việc sử dụng nước sinh hoạt chưa đạt tiêu chuẩn. Để người dân đi từ nhận thức đến hành động, tích cực vào cuộc cùng tham gia đóng góp tiền, giải phóng mặt bằng, lắp đặt đường ống dẫn nước,... 

Cùng với đó, đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hoá cấp nước sinh hoạt nông thôn theo Quyết định 131/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn.

Ưu tiên hỗ trợ vốn cho các công trình đấu nối, mở rộng các dự án từ nhà máy nước hiện có để giảm chi phí đầu nguồn, xây dựng nhanh, chất lượng nước đảm bảo và tận dụng tối đa công suất các nhà máy nước đã xây dựng.

Đặc biệt, chú trọng đầu tư các dự án cấp nước quy mô lớn, liên xã, hạn chế đầu tư manh mún nhằm giảm thiểu diện tích đất xây dựng, dễ kiểm soát chất lượng nước, giảm chi phí quản lý vận hành.

Nước sạch đang ngày càng khó khăn với bà con Diễn Châu, vì vậy việc quan tâm đầu tư các công trình nước sạch ngày càng trở nên cấp thiết và quan trọng đối với người dân vùng biển Diễn Châu.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Lê Thanh

TIN LIÊN QUAN

Tin mới