'Đi tù chừng ấy năm lấy đâu chứng từ chứng minh bồi thường bị oan'

"Đi tù chừng ấy năm lấy đâu ra chứng từ thăm nuôi? Luật có giải quyết được không hay cứ khi xảy ra vụ việc lại đòi chứng minh"

Thảo luận về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) sáng 20/9, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng phải xác định từng bước, tất cả các trường hợp, mở rộng dần dần để đảm bảo giữa quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tác động bởi quyết định của Nhà nước. Quy định quá hẹp sẽ ảnh hưởng quyền công dân, mở quá rộng lại làm chùn tay các cơ quan tố tụng.

“Luật có giải quyết được thực trạng phạm vi các trường hợp được bồi thường hiện nay? Hết thời hạn điều tra nhưng không chứng minh được hành động phạm tội mà đã thực hiện biện pháp ngăn chặn rồi thì quy định thế nào?” – bà Nga đặt câu hỏi và nhấn mạnh trong báo cáo giám sát oan sai cho thấy mô hình tổ chức cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường chưa hợp lý, còn phân tán, thiếu khách quan, chậm trễ... Có trường hợp thời gian dài, oan lớn nhưng chỉ xin lỗi công khai trong vài phút khiến dư luận và người dân cho rằng làm hình thức.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga


“Đi tù chừng ấy năm thì việc thăm nuôi lấy đâu ra chứng từ? Luật có giải quyết được không hay cứ khi xảy ra vụ việc lại đòi chứng từ trong khi gia đình người ta khốn đốn thì lấy đâu chứng minh” – bà Nga nêu ý kiến và cho rằng người dân bức xúc về số tiền Nhà nước bỏ ra bồi thường khá lớn thì cần làm rõ trách nhiệm bồi hoàn của người làm sai.Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cũng đặt vấn đề luật ra đời có giải quyết được tình trạng trình tự thủ tục và các yêu cầu đặt ra quá chặt chẽ. Như vụ ông Huỳnh Văn Nén, ông Nguyễn Thanh Chấn trước đây thì Uỷ ban Tư pháp cũng phải có ý kiến.

Bà Nguyễn Thuý Anh – Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội cho biết, luật quy định bồi thường vật chất, tinh thần và khôi phục danh dự. Tuy nhiên, thực tế bồi thường nhiều khi không khôi phục được quyền lợi của người bị hại.

“Có người không thể khôi phục được quyền lợi như buộc thôi việc cấp Tổng cục trưởng trở xuống, sau đó có quyết định bồi thường, khôi phục lại công việc nhưng họ đã bỏ lỡ cơ hội được cất nhắc, bổ nhiệm. Luật có dự kiến vấn đề này không vì tôi đọc không thấy có” – bà Thuý Anh nói.

Dẫn số liệu báo cáo nêu tổng số vụ việc mà các cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước đã thụ lý, giải quyết sau 6 năm thi hành Luật là 258 vụ việc, trong đó đã giải quyết xong 204 vụ việc, Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TN-TN-NĐ Phan Thanh Bình cho rằng tỷ lệ giải quyết là khá cao. Tuy nhiên, thực tế chỉ có gần 300 trường hợp hay còn nhiều hơn thì cũng phải đánh giá.

Ông Bình cũng đề nghị làm rõ những điểm yếu của luật hiện hành, cái khó trong thực hiện bồi thường nằm ở đâu, quy trình, tách bạch người xử lý và người gây thiệt hại.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long “không dám hứa” việc luật ra đời giải quyết hết được các bất cập hiện nay, vì với Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước cũng như các luật khác thì đều có tình trạng tổ chức thi hành chưa tốt, có khoảng cách giữa luật nội dung và tố tụng.

Về trách nhiệm bồi hoàn, ông Lê Thành Long nhấn mạnh nguyên tắc công chức gây thiệt hại thì phải bồi hoàn. “Ở đây thiết kế đảm bảo sự phù hợp và hợp lý để người ta bỏ khoản tiền bồi thường do thiệt hại chính mình gây ra, nhưng không đến mức quá kinh khủng để người ta không dám làm gì”.

Liên quan đến ý kiến của Chủ nhiệm Nguyễn Thuý Anh về khôi phục thiệt hại, ông Lê Thành Long cho biết luật thiết kế rất cẩn thận, nhưng vị trí về mặt hành chính có khá nhiều đặc thù mà không phải lúc nào cũng khôi phục lại được.

Về hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được hành vi phạm tội thì các quy định, cơ sở phải dựa vào luật nội dung bởi luật bồi thường là luật hình thức, không xử lý tính đúng sai của các văn bản, mà chỉ liệt kê văn bản làm cơ sở để thực hiện quy trình thủ tục bồi thường./.

Theo VOV.VN

TIN LIÊN QUAN

Tin mới