Hoạt động nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Baonghean.vn) - Dành hơn 431 tỷ đồng tặng quà Tết cho người có công; Hỗ trợ khắc phục thiệt hại bão số 4, 7 và mưa lũ miền Trung; Rà soát toàn diện tiêu chuẩn nước mắm; Điều chỉnh Dự án hỗ trợ phòng, chống bạo lực cho phụ nữ và trẻ em gái; Bình ổn giá thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017; ...là những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tuần qua.

1. Dành hơn 431 tỷ đồng tặng quà Tết cho người có công

Dự kiến sẽ dành 431 tỷ đồng cho người có công nhân dịp Tết Nguyên đán 2017. (Ảnh minh họa)
Dự kiến sẽ dành 431 tỷ đồng cho người có công nhân dịp Tết Nguyên đán 2017. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, mức 400.000 đồng dành tặng cho các đối tượng: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/1/1945 đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/1/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; bà mẹ Việt Nam anh hùng đang hưởng trợ cấp hàng tháng; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong kháng chiến đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng; thân nhân hai liệt sĩ trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng; thương binh, bệnh binh...

Mức quà 200.000 đồng/suất tặng cho các đối tượng: Thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 80% trở xuống (bao gồm cả những thương binh loại B được công nhận từ trước ngày 31/12/1993) đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng...

2. Hỗ trợ khắc phục thiệt hại bão số 4, 7 và mưa lũ miền Trung

Những trận bão lũ năm 2016 gây hậu quả nặng nề cho các tỉnh miền Trung.
Những trận bão lũ năm 2016 gây hậu quả nặng nề cho các tỉnh miền Trung.

Thủ tướng Chính phủ quyết định trích 165 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 để hỗ trợ 8 địa phương (Thanh Hóa 10 tỷ đồng, Nghệ An 45 tỷ đồng, Hà Tĩnh 30 tỷ đồng, Quảng Bình 35 tỷ đồng, Quảng Trị 15 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 10 tỷ đồng, Quảng Nam 10 tỷ đồng, Quảng Ninh 10 tỷ đồng) thực hiện hỗ trợ dân sinh và khắc phục cấp bách cơ sở hạ tầng thiết yếu như: công trình thủy lợi, giao thông nông thôn, đê điều,… như đề nghị của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sử dụng số vốn được ngân sách trung ương hỗ trợ và nguồn vốn dự phòng ngân sách địa phương, các nguồn hợp pháp khác để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng số kinh phí trên bảo đảm đúng mục đích, đối tượng và theo quy định hiện hành; báo cáo việc phân bổ và kết quả thực hiện về Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương và các Bộ, ngành có liên quan để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Rà soát toàn diện tiêu chuẩn nước mắm

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, các văn bản quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm nước mắm đã tương đối đầy đủ.

Để đảm bảo minh bạch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức rà soát tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm (TCVN 5107:2003) để làm rõ khái niệm nước mắm truyền thống, phân việt với các loại sản phẩm pha chế từ nước mắm.

Do nguồn nguyên liệu sản xuất nước chấm và nước mắm, rủi ro an toàn thực phẩm (như kim loại nặng) khác nhau nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ rà soát xây dựng tiêu chuẩn riêng về nước chấm và quy định về danh mục chỉ tiêu, mức giới hạn an toàn riêng cho nước chấm và nước mắm (nước chấm trong).

4. Điều chỉnh Dự án hỗ trợ phòng, chống bạo lực cho phụ nữ và trẻ em gái

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mục tiêu cụ thể của Dự án là xây dựng mô hình Trung tâm can thiệp phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là cho nạn nhân của bạo lực tình dục tại Quảng Ninh; hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực cho các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, người cung cấp dịch vụ để hỗ trợ nạn nhân của bạo lực giới; nâng cao nhận thức về ngăn ngừa bạo lực giới đặc biệt là bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái, tại nơi công cộng và nơi làm việc thông qua các chiến dịch tại địa phương.

Kết quả chính mà Dự án mang lại là thiết lập và vận hành mô hình trung tâm can thiệp phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới theo mô hình đã thành công của Hàn Quốc; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ cung cấp dịch vụ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; tuyên truyền phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là phòng, chống quấy rối tình dục tại cấp trung ương và địa phương... Dự án được đầu tư với tổng kinh phí là 2.560.000 USD.

5. Bình ổn giá thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017

Thủ tướng yêu cầu bình ổn giá thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Thủ tướng yêu cầu bình ổn giá thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Theo đó, để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón năm mới và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 vui tươi, yên bình, an toàn, tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau đây:

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân vào dịp cuối năm 2016 và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, chủ động có biện pháp điều tiết kịp thời  trong phạm vi vùng, miền và trên cả nước.

Đồng thời chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi đầu cơ, găm hàng nhằm tăng giá để thu lợi bất chính...

6. Đổi mới hoạt động nghiên cứu KHCN trong cơ sở giáo dục

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đề án phấn đấu đến năm 2020, phát triển được từ 3 đến 4 cơ sở giáo dục; đến năm 2025, phát triển được từ 5 đến 6 cơ sở giáo dục tại các vùng kinh tế trọng điểm có cơ sở vật chất, nguồn nhân lực giải quyết được các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tính liên ngành hoặc theo các vùng kinh tế trọng điểm.

Đồng thời, tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các cơ sở giáo dục, bảo đảm các cơ sở giáo dục đạt mức tăng bình quân số lượng công bố quốc tế 10%/năm, số lượng sáng chế và giải pháp hữu ích được bảo hộ đạt trung bình 8 - 10%/năm.

Thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, phấn đấu đến năm 2025 các cơ sở giáo dục được ưu tiên đầu tư có nguồn thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ đạt khoảng 10% so với tổng nguồn thu.

Để đạt được mục tiêu trên, Đề án sẽ thực hiện đầu tư cơ sở vật chất; nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ nghiên cứu trong các cơ sở giáo dục; đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục.

7. Xử nghiêm đối tượng lợi dụng tạm nhập, tái xuất để buôn lậu

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tạm nhập, tái xuất là loại hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, nhưng không cho mục đích tiêu thụ nội địa, mà hàng hóa này phải được xuất khẩu tiếp đi trong 1 thời hạn quy định. Trong nhiều năm qua, hoạt động kinh doanh này đã và đang mang lại khá nhiều lợi nhuận cho không ít doanh nghiệp và các địa phương có biển và giáp đường biên.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng những kẽ hở cả trong chính sách, lẫn quản lý để nhập các loại hàng hóa “quá cảnh” về Việt Nam tiêu thụ, không chỉ gây thất thu thuế cho Nhà nước, cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa trong nước, mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe của người dân.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp tại các địa phương đã không chấp hành quy định về hàng hóa tạm nhập, tái xuất như đi sai tuyến đường, xuất hàng sai địa điểm tái xuất ở cửa khẩu, thậm chí phá dỡ container, tẩu tán hàng hóa, đưa vào nội địa tiêu thụ... gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

8. Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Theo đó, cấp tỉnh có 20 nhóm chỉ tiêu gồm: 1- đất đai, dân số; 2- lao động, việc làm và bình đẳng giới; 3- doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp; 4- đầu tư và xây dựng; 5- tài khoản quốc gia; 6- tài chính công; 7- bảo hiểm; 8- nông, lâm nghiệp và thủy sản; 9- công nghiệp; 10- Thương mại, dịch vụ; 11- giá cả; 12- giao thông vận tải; 13- công nghệ thông tin và truyền thông; 14- khoa học và công nghệ; 15- giáo dục; 16- y tế và chăm sóc sức khỏe; 17- văn hóa, thể thao và du lịch; 18- mức sống dân cư; 19- trật tự, an toàn xã hội và tư pháp; 20- bảo vệ môi trường.

Cấp huyện có 3 nhóm chỉ tiêu gồm: 1- đất đai, dân số và bình đẳng giới; 2- kinh tế; 3- xã hội, môi trường; Cấp xã cũng có 3 nhóm chỉ tiêu gồm: 1- đất đai và dân số; 2- kinh tế; 3- xã hội, môi trường. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 5/2/2017.

9. Nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ trong doanh nghiệp

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án "Đầu tư cho phụ nữ tại Việt Nam" sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Australia.

Dự án trên được thực hiện từ năm 2017 đến năm 2019 với nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Australia là 4 triệu AUD (tương đương 3.072.000 USD).

Mục tiêu của Dự án nhằm góp phần nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ hoạt động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) để góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững tại Việt Nam.

Cụ thể, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, nhất là các DNNVV do phụ nữ làm chủ và sử dụng nhiều lao động nữ đạt được bình đẳng tại nơi làm việc; tăng cường đầu tư tác động tới các DNNVV do phụ nữ làm chủ; xây dựng chính sách và khung khổ pháp lý tạo điều kiện hơn nữa cho phụ nữ tham gia tích cực vào các hoạt động tăng trưởng kinh tế; thay đổi quan điểm của xã hội hướng tới ủng hộ nhiều hơn nữa cho việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ; hỗ trợ nâng cao năng lực và phát huy đổi mới sáng tạo trong các DNNVV do phụ nữ làm chủ.  

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới