Giao quyền tự chủ về số người làm việc cho đơn vị thuộc ngành Y tế

(Baonghean.vn) - Việc tự chủ về tài chính cần song hành với tự chủ số người làm việc - đó là kiến nghị của ngành Y tế với Đoàn Giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh.

Sở Y tế Nghệ An có 60 đơn vị sự nghiệp công lập, (trong đó tuyến huyện 38 đơn vị, gồm 17 bệnh viện đa khoa và 21 Trung tâm y tế, tuyến tỉnh 22 đơn vị, gồm 12 bệnh viện và 10 trung tâm y tế). Thực hiện cơ chế tự chủ, trong toàn ngành có 17 đơn vị sự nghiệp thực hiện đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên; 5 đơn vị do ngân sách đảm bảo 100% chi phí thường xuyên.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh Thanh Lê
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thanh Lê

Thảo luận tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Y tế và các đơn vị của ngành phản ánh bất cập, vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ. Đó là tình trạng chung thiếu nguồn nhân lực trầm trọng; bất cập trong nguồn thu theo giá dịch vụ KCB BHYT và viện phí theo Quyết định 125 của UBND tỉnh; việc hỗ trợ kinh phí ban đầu cho các đơn vị thực hiện tự chủ tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên…

Sáng 29/3, Đoàn Giám sát của Ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân tỉnh do đồng chí Thái Thị An Chung - Phó Trưởng Ban Pháp chế làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Sở Y tế về việc thực hiện cơ chế tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Liên quan về tự chủ con người, theo ông Phan Văn Tư - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi đề xuất: "Nhà nước giao tự chủ tài chính thì phải giao tự chủ về số người làm việc cho các đơn vị. Bởi, hiện nay về mặt nhân lực được giao cho đơn vị còn thiếu trầm trọng, bất cập với số người làm việc/số giường bệnh được giao; giường bệnh đi trước, nhân lực không đi theo. Đơn cử tại bệnh viện Sản Nhi, số giường bệnh được giao là 670 nhưng giường bệnh thực kê là 1.200 giường bệnh. Trong khi đó, biên chế là 400 người. Dẫn đến quá tải bệnh nhân và tần suất làm việc của người lao động của đơn vị”.

Cơ chế tự chủ đã giúp Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh phát triển nhiều kỹ thuật mới. Ảnh tư liệu
Cơ chế tự chủ đã giúp Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh phát triển nhiều kỹ thuật mới. Ảnh tư liệu

"Thực hiện tự chủ, các đơn vị đã tiết kiệm từ nguồn chi thường xuyên gần 290 tỷ đồng/năm và Sở đề xuất, số tiền tiết kiệm này cần được đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị. Đồng thời tỉnh cần điều chỉnh Quyết định 125 về thu viện phí của UBND tỉnh vì đã lạc hậu" - đồng chí Nguyễn Sỹ Cẩn - Phó Phòng Tài chính - Kế hoạch Sở Y tế phát biểu.

Làm rõ những băn khoăn của các đơn vị thuộc ngành Y tế và thành viên Đoàn Giám sát, đại diện Sở Tài chính nhấn mạnh, ngành Y tế là đơn vị triển khai thực hiện cơ chế tự chủ sớm nhất. Tuy nhiên, nhiều đơn vị trùng lặp về nhiệm vụ, ngành cần quy hoạch lại mạng lưới và hoàn thành phương án tự chủ trình các cấp phê duyệt cho đơn vị triển khai thực hiện.

Về đề xuất hỗ trợ phần kinh phí ban đầu cho các đơn vị thực hiện tự chủ, đại diện Sở Tài chính cho rằng theo Nghị định 43 quy định không có quy định hỗ trợ ban đầu.

Giải trình về việc sử dụng nguồn quỹ được tiết kiệm chi thường xuyên, đại diện Sở Tài chính cho rằng, nguồn này được tích lũy từ nguồn ngân sách nhà nước cấp từ những năm trước. Vì vậy, để sử dụng đầu tư cơ sở vật chất phải xin chủ trương của tỉnh. Sở Tài chính sẽ có phương án đề xuất với UBND tỉnh, khi các đơn vị y tế thực hiện tự chủ thì nguồn quỹ được tích dư từ cải cách tiền lương sẽ cho đơn vị điều chuyển sang một số nhiệm vụ cấp bách.

Làm rõ tự chủ số người làm việc, đại diện Sở Nội vụ nhấn mạnh: Sau thực hiện cơ chế tự chủ, các đơn vị sẽ tăng lên về số lượng người làm việc tại các đơn vị. Họ là viên chức hưởng lương từ nguồn thu của đơn vị chứ không phải từ ngân sách nhà nước.

Trả lời băn khoăn của các đơn vị Y tế về tự chủ người làm việc, đại diện Sở Nội vụ cho biết: Người đứng đầu đơn vị có quyền quyết định số người làm việc trên phương án Đề án vị trí việc làm và phương án tự chủ của các đơn vị đang xây dựng nhưng phải nằm khung “tối đa, tối thiểu” của UBND tỉnh quy định để tránh tình trạng tuyển dụng ồ ạt.

Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Thái Thị An Chung - Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đánh giá cao việc triển khai tự chủ của các đơn vị thuộc ngành Y tế. Đồng chí đề nghị, trong thời gian tới, Sở chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành dịch vụ công, thực hiện quy hoạch lại mạng lưới  y tế, quan tâm đến việc thực hiện tự chủ của đơn vị tuyến huyện và trung tâm y tế dự phòng.

Đồng thời, Sở cần chỉ đạo rà soát kế hoạch của UBND tỉnh giao về Đề án vị trí việc làm, rà soát tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập, tăng cường kiểm tra các đơn vị cung ứng dịch vụ và thực hiện chuyên môn, tránh lạm dụng trong KCB thông qua dịch vụ BHYT, nghiên cứu chủ trương sát nhập các đơn vị trong hệ thống ngành Y tế. Cùng với đó, cần tiếp tục tuyên truyền về việc thực hiện tự chủ để tạo sự chuyển biến nhận thức và hành động cho các đơn vị của ngành.

Cuối năm 2016, ngành Y tế triển khai thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về thực hiện cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập. 8 đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên giai đoạn 2017-2019 gồm: Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh; BV Sản Nhi, BV Ung bướu, BV Nội tiết, BV Phục hồi chức năng, BVĐK Tây Bắc, BVĐK Tây Nam và BVĐK TP Vinh. Hiện, BVĐK TP Vinh đã có Quyết định của UBND tỉnh giao quyền tự chủ, các đơn vị còn lại Sở Y tế đang trình UBND tỉnh.

Thanh Lê

TIN LIÊN QUAN

Tin mới