Đại tá Cầu: Quy định trách nhiệm bồi thường của cơ quan điều tra là không có cơ sở

(Baonghean.vn) - Trao đổi bên lề kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An làm rõ 2 vấn đề còn phân vân về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Thanh Loan
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Thanh Loan

Trách nhiệm bồi thường của cơ quan điều tra

Vấn đề thứ nhất và cũng là vấn đề Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh phân vân nhất là Khoản 3, Điều 34 Trách nhiệm bồi thường của cơ quan điều tra và cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành hoạt động điều tra. Ông cho đây là một khoản mới, mà nghiên cứu Nghị quyết 388 năm 2003 và Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 không có.

Trong dự thảo sửa đổi lần trước, có đưa ra 2 phương án, nhưng bây giờ chỉ 1 phương án, theo đó: Cơ quan điều tra, phải bồi thường trong trường hợp “Viện kiểm sát trả hồ sơ điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra ra kết luận điều tra bổ sung hoặc giữ nguyên kết luận điều tra ban đầu nhưng Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án vì người bị truy tố không thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm”.

Người đứng đầu Công an tỉnh Nghệ An chỉ ra 4 lý do quy định theo cách trên không đúng và không có cơ sở pháp lý để tồn tại.

Lý do thứ nhất, theo đại tá Cầu, viện kiểm sát có quyền hạn rất lớn, trong quá trình điều tra họ có quyền ra yêu cầu hủy bỏ các quyết định không có căn cứ, trái pháp luật, phê chuẩn hoặc không phê chuẩn, đặc biệt là trong giai đoạn giám sát điều tra 2 tháng.

“Tất cả quyết định của viện kiểm sát cơ quan điều tra buộc phải chấp hành, nếu không đồng ý thì có thể kiến nghị nhưng 20 ngày sau mới được trả lời, thậm chí trong thực tế có những lúc trả lời cũng được, không trả lời cũng được. Quyền hạn lớn như vậy nhưng tại sao trong 2 tháng ấy nếu có oan sai viện kiểm sát không phải chịu trách nhiệm?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Thứ hai, đại biểu Cầu viện dẫn quy định của Bộ luật tố tụng hình sự rằng Bản kết luận điều tra chỉ đề nghị Viện kiểm sát truy tố, nêu quan điểm “đề nghị” thì có 2 khả năng xảy ra: đồng ý hoặc không đồng ý, tức nếu viện kiểm sát đồng ý truy tố nhưng xảy ra oan sai thì phải bồi thường, còn khi viện kiểm sát không đồng ý truy tố thì phải quay trở lại quá trình điều tra, ai ra quyết định oan sai sau cùng người đó phải bồi thường.

 Minh họa cho lý do thứ ba, đại biểu đến từ Nghệ An giả định cơ quan điều tra chỉ cần làm thủ thuật đơn giản để “lách” quy định như Khoản 3, Điều 34: trong kết luận điều tra, điều tra viên đề nghị theo hướng đình chỉ vụ án. “Như vậy, nếu viện kiểm sát quyết định không truy tố thì cơ quan điều tra cũng không phải bồi thường vì đã đề nghị đình chỉ trong kết luận điều tra. Ngược lại, nếu viện kiểm sát truy tố thì đương nhiên cơ quan điều tra không có trách nhiệm bồi thường oan sai”, Giám đốc Công an tỉnh phân tích cặn kẽ “lỗ hổng” này, cho rằng nếu điều đó xảy ra viện kiểm sát sẽ rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Cuối cùng, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu khẳng định Khoản 3, Điều 34 đã nằm trong Khoản 1, 2 Điều 35, nên Khoản 3, Điều 34 không thể tồn tại và nếu đưa vào luật thì phải nằm trong Điều 35 Trách nhiệm bồi thường của viện kiểm sát.

Thời hạn giải quyết bồi thường cho oan sai

Cũng nêu góp ý về thời hạn giải quyết bồi thường, đại biểu Nghệ An chỉ ra thiếu sót trong dự án luật không có điều luật riêng quy định về thời hạn giải quyết bồi thường: “Vì sao các luật khác có điều quy định về thời hạn giải quyết bồi thường, giải quyết cho dân, vì sao luật này không đưa vào? Tôi phải nghiên cứu 15 điều luật mới phát hiện ra thời hạn giải quyết bồi thường, nếu như vậy làm sao tuân thủ nguyên tắc giải quyết công khai, kịp thời?”

Trên cơ sở đó, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu kiến nghị nên có điều luật quy định thời hạn giải quyết để dân biết và giám sát, để các cơ quan chức năng khi hết thời hạn biết rằng chưa thực hiện đầy đủ bổn phận, trách nhiệm với dân.

Nhóm PV-CTV

TIN LIÊN QUAN

Tin mới