'Cần quy trách nhiệm rõ, xử phạt nghiêm việc để xảy ra vi phạm an toàn thực phẩm'

(Baonghean.vn)- Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, lĩnh vực ATTP có những vi phạm nghiêm trọng, cử tri lo lắng, nhưng văn bản hướng dẫn chậm. Cần làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền góp ý dự thảo Luật sử dụng tài sản nhà nước. Ảnh: Thanh Loan
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền góp ý dự thảo Luật sử dụng tài sản nhà nước. Ảnh: TL

Ngày 5/6, tiếp tục nội dung kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016; các đại biểu thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.

Các nội dung làm việc được truyền hình, truyền thanh trực tiếp.

Góp ý Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng điều đáng băn khoăn là văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) còn chậm, thiếu tính hệ thống, còn chồng chéo, thiếu rõ ràng, một số lĩnh vực còn thiếu hướng dẫn cụ thể.

Lĩnh vực ATTP đang ngày càng có những vi phạm nghiêm trọng, cử tri cả nước lo lắng, bức xúc, nhưng mãi 3-4 năm sau chúng ta mới có các văn bản hướng dẫn để thực hiện. Vì vậy đề nghị cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan đến vấn đề này.

Đồng thời cần làm rõ hơn về tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, thậm chí là trái với quy định pháp luật, vấn đề này được đề cập trong báo cáo tại diễn đàn về “chính sách ATTP ở Việt Nam thực trạng và giải pháp”, trong đó chỉ ra 13 điểm mâu thuẫn lẫn nhau giữa Luật ATTP và Nghị định số 38 của CP và Thông tư liên tịch số 13 năm 2014 của 3 bộ (Y tế, Nông nghiệp &PTNT, Công Thương). Sự bất cập này cũng là nguyên nhân hạn chế kết quả thực hiện ATTP ở cơ sở. Vì vậy trong báo cáo cần làm rõ hơn tại sao lại dẫn đến tình trạng bất cập này, đâu là thiếu ý thức trách nhiệm, đâu là làm chính sách nhưng thiếu thực tiễn.

Về tình hình thực hiện chính sách về pháp luật về ATTP, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền cho rằng cần làm rõ hơn về tình trạng tổ chức bộ máy làm công tác an toàn thực phẩm từ trung ương đến địa phương, không chỉ chưa tương xứng với nhiệm vụ mà còn có biểu hiện cồng kềnh, chồng chéo về trách nhiệm, thiếu cơ chế điều phối hiệu quả.

Công tác thanh tra, kiểm tra tăng theo hàng năm, nhưng chưa bao quát tất cả các loại hình sản xuất, chế biến thực phẩm, còn nhiều mảng tối, nhiều khoảng trống trong các quy trình quản lý. Việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa kịp thời, chưa quyết liệt, chủ yếu còn xử lý hành chính, nên chưa đảm bảo tính răn đe. Số cơ sở xử lý vi phạm chỉ ở mức 20% là quá thấp. Trang bị nghiệp vụ và thiết bị làm việc cho đội ngũ nghiệp vụ còn thiếu, nhất là trang thiết bị cơ đông, kiểm tra nhanh.

Nhóm PV-CTV

TIN LIÊN QUAN

Tin mới