Người Việt chưa hình thành được văn hóa nghề nghiệp kiểu 'gia truyền'

(Baonghean.vn)- Bàn về việc xây dựng thương hiệu, nhiều doanh nhân người Nghệ ở Ba Lan cho rằng người Việt vẫn chưa hình thành được văn hóa nghề nghiệp kiểu “gia truyền” như người Nhật Bản.

Doanh nhân Hoàng Hữu Bình - Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan. Ảnh: Nguyễn Thức Tuấn
Doanh nhân Hoàng Hữu Bình - Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan. Ảnh: Nguyễn Thức Tuấn

Thương hiệu chính là giá trị của doanh nghiệp. Trong nền kinh tế thị trường, rất nhiều doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao hơn nhiều so với trị giá tài sản thực tế. Các thương hiệu đình đám như Coca Cola, Hilton, H&M, Mcdonald’s,…là những ví dụ điển hình.

Trao đổi về vấn đề xây dựng thương hiệu Việt với doanh nhân Hoàng Hữu Bình - Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan, ông chia sẻ những băn khoăn: “Để xây dựng nên một thương hiệu, các doanh nghiệp đã phải trải qua rất nhiều gian nan, tâm huyết và tốn kém. Nếu thương hiệu ấy cứ vừa mới lớn lên đã bị gãy khúc, không tiếp tục được khuyếch trương, kế thừa, thậm chí bị chia rẽ,…thì người Việt sẽ mãi không thể có nổi những thương hiệu được tích lũy uy tín, và ngày một lớn mạnh lên, bền vững”.

Được biết, ông Hoàng Hữu Bình sinh năm 1969, quê ở xã Đặng Sơn, Đô Lương, Nghệ An. Ông Bình sang Nga học Đại học năm 1987 rồi ở lại làm ăn, đến năm 1994 ông sang Đức, rồi từ năm 1995 chuyển sang Ba Lan đầu tư, kinh doanh cho đến nay. Hiện ông là Chủ tịch Công ty ASEAN EU - chủ đầu tư Trung tâm thương mại ASEAN EU rộng 3,5 ha, đồng thời, là nhà đầu tư chính của Trung tâm thương mại ASH rộng 6 ha, nằm trong Khu quần thể thương mại Á Châu Wolka Kosowska, tại Vác-sa-va, Ba Lan.

Ông Bình trao đổi thêm: “Ngay tại Ba Lan, người Việt mình đã xây dựng được một số thương hiệu tương đối uy tín, khá lớn. Tuy nhiên, khi những người chủ của các thương hiệu ấy tiếp tục đầu tư mở rộng ra, phát triển thêm thì phần lớn họ lại bắt tay xây dựng những thương hiệu mới. Xét về mặt chiến lược kinh doanh, đó là một sự lãng phí lớn, không vận dụng được lợi thế “đứng trên vai người khổng lồ”, không khuếch trương được thương hiệu hiện có và tận dụng tối đa giá trị gia tăng từ nó. Ngược lại, phải chịu thêm một lần chi phí xây dựng thương hiệu mới, đồng thời, cũng tự “quay lưng” trước nhiều chính sách ưu đãi của chính quyền sở tại, như chính sách hoàn thuế,…”.

Lý giải về nguyên nhân của hiện tượng nói trên, doanh nhân Nguyễn Hoàng Tuyển - Chủ tịch Công ty Vinatapol - chủ đầu tư Trung tâm thương mại Polskie (Chợ đêm) tại Vác-sa-va, chủ đầu tư Khu du lịch sinh thái Quỳnh Viên tại Thạch Hải, Thạch Hà, Hà Tĩnh và một vài dự án khác, cho rằng, “Do chúng ta mới gia nhập kinh tế thị trường chưa lâu, sự yếu kém trong kiến thức nền ban đầu và yếu tố văn hóa chi phối khá mạnh. Người Việt vẫn chưa hình thành được văn hóa nghề nghiệp kiểu “gia truyền” như người Nhật Bản,… mặc dù trong quá khứ cũng từng có ở mức nhỏ lẻ, nhưng đã bị triệt tiêu hết.

Ông Nguyễn Hoàng Tuyển (giữa) cùng người thân.
Doanh nhân Nguyễn Hoàng Tuyển, Chủ tịch Công ty Vinatapol - chủ đầu tư Trung tâm thương mại Polskie (Chợ đêm) tại Vác-sa-va (ngồi giữa). Ảnh: Nguyễn Thức Tuấn

Nhìn rộng ra xã hội sẽ thấy, người Việt Nam còn hạn chế trong cộng tác và làm việc nhóm. Trong quan hệ đối tác hợp tác đầu tư, từ đầu chúng ta thường thiên về sự “duy tình” nên thiếu chặt chẽ. Khi các “con thuyền” lớn lên, gặp nhiều sóng gió, những yếu tố kiểu “duy tình” không còn đủ mạnh để níu kéo, nên dễ nảy sinh những rạn nứt, chia rẽ. Ngoài ra còn có nhiều lý do khác như những e ngại về rủi ro, tư duy “đánh du kích”,… cũng chi phối tiêu cực các mối quan hệ hợp tác”.

Đối với một doanh nghiệp, nhìn chung, xây dựng được một thương hiệu lớn tốt hơn nhiều so với việc xây nên những thương hiệu nhỏ. Mỗi một doanh nhân cũng vậy. Để làm được điều đó, giới doanh nhân có câu phương ngôn rằng, “Muốn nhanh hãy đi một mình, nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Điều này nêu bật tầm quan trọng trong sự hợp tác, cùng nhau phát triển.

Trung tâm thương mại ASEAN EU. Ảnh: Nguyễn Thức Tuấn
Trung tâm thương mại ASEAN EU. Ảnh: Nguyễn Thức Tuấn

Hiện nay ở Châu Âu có rất nhiều thương hiệu Việt khá lớn, nhất là các trung tâm thương mại như: DONG XUAN, THAI BINH DUONG, SAPA, ASEAN EU, ASG, ASEAN.PL,…, hay các thương hiệu như ASIA HUNG, BLUMEN STYLE, HANOI 1,…

Hy vọng rằng, các nhà đầu tư ở những doanh nghiệp này, với tầm nhìn vượt trội của mình, sẽ khắc phục được các hạn chế cố hữu, để “chắp cánh thương hiệu”, cùng với các doanh nghiệp trong nước, xây nên những thương hiệu Việt lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu./.

Nghiên cứu sinh Nguyễn Thức Tuấn

(Mail từ Vác-sa-va, Ba Lan)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới