Thị xã Thái Hòa: Hiệu quả từ 4 'khéo'

(Baonghean) - Phong trào 'Dân vận khéo' được thị xã Thái Hòa định hướng tập trung hướng về cơ sở, gắn với những yêu cầu đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trên phương châm 4 'khéo'.

Đó là nội dung được ông Phạm Quang Toản - Phó Bí thư Thường trực Thị uỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” thị xã khẳng định trong cuộc trao đổi với Báo Nghệ An nhân dịp Thị uỷ Thái Hoà tổ chức tuyên dương các tập thể, cá nhân điển hình trong công tác “Dân vận khéo” giai đoạn 2015 - 2017.

P.V: Phong trào “Dân vận khéo” có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Vậy, thị xã đã lãnh đạo thực hiện phong trào này như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Quang Toản: Xác định tính chất hết sức quan trọng của “Dân vận khéo”, Ban Thường vụ Thị ủy đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch và chỉ đạo xây dựng mô hình, điển hình trên tất cả các lĩnh vực.

Chúng tôi đã ban hành Bộ tiêu chí cơ bản đánh giá hoạt động mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; cũng như phân công thành viên Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” thị xã theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực và các đơn vị.

Đến nay, toàn thị xã có 275 mô hình, điển hình dân vận khéo được duy trì và xây dựng, trong đó 18 mô hình “Dân vận khéo” toàn diện, 94 mô hình kinh tế, 52 mô hình văn hoá, xã hội, 33 mô hình quốc phòng, an ninh, 60 mô hình xây dựng hệ thống chính trị, 18 mô hình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. 

Hồ Bàu Sen - một trong những điểm nhấn của thị xã Thái Hòa. Ảnh: Sỹ Minh
Hồ Bàu Sen - một trong những điểm nhấn của thị xã Thái Hòa. Ảnh: Sỹ Minh

Nhìn chung, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực, đã góp phần quan trọng trong việc ổn định chính trị, tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.

P.V: Vậy phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn thị xã Thái Hoà có những nét riêng gì, thưa ông?

Ông Phạm Quang Toản: Thái Hoà là thị xã trẻ đang trong quá trình xây dựng và phát triển có nhiều vấn đề đặt ra. Do đó, phong trào “Dân vận khéo” được định hướng tập trung hướng về cơ sở, gắn với những yêu cầu đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội như: giải phóng mặt bằng, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế; thực hiện nông thôn mới, đô thị văn minh...

Đối với hệ thống các cơ quan Nhà nước tập trung vào xây dựng các mô hình nhằm nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, thực hiện tốt đạo đức công vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức…

Tựu trung lại, yếu tố “khéo” trong thực hiện phong trào được đề cao theo phương châm: “khéo” chỉ đạo; “khéo” vận động, thuyết phục; “khéo” tuyên truyền trong các phong trào, các cuộc vận động và “khéo” tổ chức thực hiện đem lại hiệu quả thiết thực.

Trong quá trình thực hiện đã có nhiều mô hình, điển hình hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Ví như mô hình tổ liên kết “Sản xuất hương truyền thống và xuất khẩu” của chị Nguyễn Thị Thu Hằng, xã Nghĩa Mỹ cho thu nhập bình quân 600 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động thu nhập 3 triệu đồng/tháng; “khéo” trong vận động xây dựng cơ quan, khu dân cư văn hoá, tiêu biểu có khối Tây Hồ I, Quang Tiến; diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”;…

Công tác Dân vận khéo trong giải phóng mặt bằng góp phần tạo điều kiện đưa Nhà máy may Hitex, thị xã Thái Hoà đưa vào hoạt động đúng tiến độ. Ảnh Sách Nguyễn
Công tác Dân vận khéo trong giải phóng mặt bằng góp phần tạo điều kiện đưa Nhà máy may Hitex, thị xã Thái Hoà đưa vào hoạt động đúng tiến độ. Ảnh: Sách Nguyễn

Cấp ủy các cấp đã tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường đi cơ sở, lắng nghe và chỉ đạo giải quyết những yêu cầu chính đáng, hợp pháp của nhân dân; tăng cường tiếp xúc đối thoại với nhân dân, với phương châm “ở đâu có vướng mắc, ở đó có cấp uỷ đối thoại”.

Hàng năm, Ban Thường vụ Thị ủy đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại với đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận và nhân dân trên địa bàn. Năm 2016, Thường trực Thị uỷ đã tổ chức 7 cuộc tiếp xúc, đối thoại với 49 hộ liên quan. 

Chính quyền các cấp đã “khéo” tăng cường giáo dục tinh thần trách nhiệm, thái độ, phong cách tiếp dân, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức với các hình thức như: “khéo” trong công tác vận động giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình trọng điểm: Dự án tuyến đường trục chính, Nhà máy may Hitex, Cầu Hiếu 2...

Đặc biệt, các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân quyết định, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã góp phần đưa thị xã Thái Hoà trở thành đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.

P.V: Vậy bên cạnh mặt được thì tồn tại hạn chế là gì và đâu là giải pháp để trên địa bàn thị xã ngày có càng nhiều hơn mô hình “Dân vận khéo” hiệu quả, thưa ông?

Ông Phạm Quang Toản: Chúng tôi nhận thấy một trong những hạn chế là việc phát hiện và nhân rộng mô hình, điển hình chưa nhiều; công tác tuyên truyền thực hiện phong trào thi đua chưa thường xuyên.

Thường trực, Ban Thường vụ Thị uỷ hết sức trăn trở, quan tâm chỉ đạo tháo gỡ vấn đề này. Do đó, bên cạnh phát huy những kết quả đạt được, Ban Thường vụ Thị ủy chỉ đạo tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức trong thực hiện phong trào “Dân vận khéo”; theo hướng mỗi năm mỗi cơ quan, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể cấp thị xã xây dựng được 1 - 2 mô hình điểm, mỗi xã, phường xây dựng được 3 - 5 mô hình điểm.

Công tác dân vận khéo - góp phần xây dựng thị xã Thái Hòa. Ảnh: Thành Duy
Công tác dân vận khéo góp phần xây dựng thị xã Thái Hòa. Ảnh: Thành Duy

Theo đó, đối với các lĩnh vực, chúng tôi đã định hướng các mô hình cụ thể, trong đó kinh tế - xã hội tập trung vào các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng khu dân cư xanh - sạch - đẹp, ngõ xóm văn minh…

Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh xây dựng các mô hình như: 3 không gồm: “Không để dân chờ, không để dân lo, không gây phiền hà cho dân”; “Tổ liên gia tự quản”;…

Đặc biệt, trong xây dựng hệ thống chính trị, chúng tôi xây dựng các mô hình theo hướng tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, chất lượng phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức, như: Mô hình 4 biết: “Biết cười, biết lắng nghe, biết xin lỗi và biết cảm ơn”; 3 không: “Không gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân, không thờ ơ lãnh đạm trước những bức xúc của nhân dân; 3 gần: “Gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân”; mô hình 3 nhà, 4 biết: “Nhà nước, nhà đầu tư, nhà dân, biết quy hoạch, biết mục đích ý nghĩa thu hồi đất, biết chính sách bồi thường, biết quyền lợi và nghĩa vụ”...

Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị và địa phương căn cứ tình hình thực tế để xây dựng các mô hình, điển hình phù hợp.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Thành Duy

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới