Tỉnh uỷ Nghệ An tổ chức hội thảo về Cách mạng Tháng Mười Nga

(Baonghean.vn) - Các tham luận đã đưa ra những phân tích về tầm vóc, ý nghĩa, giá trị trường tồn của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với lịch sử nhân loại nói chung, với cách mạng Việt Nam nói riêng.

Sáng 2/11, Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học “Cách mạng Tháng Mười Nga – tầm vóc lịch sử, giá trị thời đại, bài học đối với cách mạng Việt Nam và tỉnh Nghệ An hiện nay”.

Tham dự có đồng chí Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Xuân Đường – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh. Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ: Hồ Phúc Hợp – Trưởng Ban Tuyên Tỉnh ủy; Cao Thị Hiền – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Lê Xuân Đại – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Nguyễn Thị Thu Hường – Bí thư Đảng uỷ khối Các Cơ quan tỉnh;  PGS.TS Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Hồng Hoa - Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh. Ảnh: Mỹ Nga.
Tham dự có đồng chí Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Xuân Đường – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh. Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ: Hồ Phúc Hợp – Trưởng Ban Tuyên Tỉnh ủy; Cao Thị Hiền – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Lê Xuân Đại – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Nguyễn Thị Thu Hường – Bí thư Đảng uỷ Khối Các cơ quan tỉnh. Cùng dự có  PGS.TS Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Nga.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Phúc Hợp khẳng định: Cách đây 100 năm, ngày 7/11/1917, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Bolshevik, đứng đầu là V.I.Lenin vĩ đại, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga vùng dậy khởi nghĩa, lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản, lập nên Nhà nước Xô viết.

Cuộc cách mạng ấy đã đi vào lịch sử nhân loại như là một sự kiện có tiếng vang và tầm ảnh hưởng sâu rộng làm rung chuyển, đảo lộn trật tự thế giới. Sự thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã khai sinh ra Chủ nghĩa xã hội hiện thực.

Nước Nga và Cách mạng Tháng Mười đã đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và chọn đây là kim chỉ nam cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam. 

Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học. Ảnh: Mỹ Nga.
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học. Ảnh: Mỹ Nga.

Trong tham luận với tựa đề “Ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga tới quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, Cách mạng Tháng Mười Nga có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cách mạng thế giới, trong đó có cách mạng Việt Nam.

Trong quá trình đi tìm đường cứu nước, với nhạy cảm chính trị của mình, qua phân tích lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin là con đường cứu nước duy nhất đúng cho dân tộc mình.

Từ vai trò người tìm đường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành người mở đường, dẫn đường cho cả dân tộc Việt Nam đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

"Thời đại do Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra chưa kết thúc. Triển vọng của Chủ nghĩa xã hội thế giới vẫn vẫy gọi hàng triệu triệu trái tim yêu chuộng hoà bình, độc lập dân tộc, tiến bộ và phát triển bền vững, đấu tranh không ngừng nghỉ để đạt tới. Chủ nghĩa xã hội vẫn ươm mầm xanh hy vọng và Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn là một bài ca bất diệt"

Nguyễn Xuân Sơn

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ 

PGS.TS. Bùi Thị Ngọc Lan – Viện trưởng Viện Chủ nghĩa Xã hội khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh với tham luận “Từ Cách mạng Tháng Mười đến triển vọng của Chủ nghĩa xã hội trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư” nhận định, những thay đổi của lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ tiếp tục tạo ra những tiền đề cho triển vọng của Chủ nghĩa xã hội hiện thực, lẫn các mô hình xã hội chủ nghĩa mới trong tương lai.

“Đổi mới sáng tạo là bản chất của cách mạng công nghiệp 4.0. Song dân chủ lại là điều kiện tiên quyết cho sự đối mới sáng tạo. Do vậy, cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải thiết lập một cách vững chắc thể chế chính trị dân chủ, trí tuệ, trọng dân để tạo điều kiện cho cuộc cách mạng này phát triển không ngừng ở trình độ ngày càng cao" - PGS.TS. Bùi Thị Ngọc Lan nhận định.

PGS.TS Bùi Thị Ngọc Lan, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trình bày bài tham luận
PGS.TS Bùi Thị Ngọc Lan, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trình bày tham luận "Từ Cách mạng Tháng Mười đến triển vọng của Chủ nghĩa xã hội trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư". Ảnh: Mỹ Nga.

Vượt qua hạn chế của giai cấp và thời đại, nhanh chóng học tập con đường cách mạng của nước Nga Xô viết, nhiều thanh niên trẻ Nghệ An đã tiếp thu những giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga, như PGS.TS Trần Vũ Tài tham luận tại hội thảo khẳng định:

Cách mạng Tháng Mười Nga đã đem đến một luồng sinh khí mới cho phong trào cách mạng Việt Nam nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng. Thông qua hoạt động của Nguyễn Ái Quốc và tổ chức Thanh niên, chủ nghĩa Mác - Lênin, tinh thần Cách mạng Tháng Mười Nga đã được truyền bá rộng rãi vào Nghệ An, thúc đẩy phong trào công nhân và phong trào yêu nước chuyển biến mạnh mẽ. Con đường giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân, mà điển hình là Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.

Các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng: Việc khủng hoảng của Chủ nghĩa xã hội hiện thực và sự sụp đổ của Liên Xô và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Trong nguyên nhân chủ quan cũng có nhiều nhân tố như: tình trạng quan liêu, xa dân, tham ô, tham nhũng; yếu kém trong tổ chức thực hiện đường lối, chính sách, kể cả sai lầm về đường lối và sách lược cách mạng hay sự phản bội mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa của một số nhà lãnh đạo.

Những nhân tố của nguyên nhân chủ quan đó đều liên quan đến vấn đề kiên định, trung thành, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của các nước này.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: Mỹ Nga.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Xuân Sơn đánh giá cao sự đóng góp của các nhà khoa học trong hội thảo lần này. Ảnh: Mỹ Nga.

Kết luận tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Xuân Sơn đánh giá nội dung các bài tham luận đã "bao phủ" toàn bộ giá trị và tầm vóc của Cách mạng Tháng Mười Nga; đồng thời cung cấp những luận cứ khoa học nhằm đấu tranh các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc về Cách mạng Tháng Mười.

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn đề nghị: "Phát huy bài học về vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản, về xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, trong giai đoạn hiện nay, Nghệ An cần tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, xây dựng tổ chức đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc và nhân dân".

Mỹ Nga 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới