Đoàn đại biểu Quốc hội góp ý dự thảo Bộ Luật tố tụng hình sự (sửa đổi)

(Baonghean.vn)- Sáng 24/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ Luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Đồng chí Phạm Văn Tấn- Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội  tỉnh chủ trì hội nghị.

Đại diện Cảnh sát điều tra góp ý
Đại diện Cảnh sát điều tra góp ý về trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự.

Tại cuộc họp, đa số đại biểu đều cho rằng, việc sửa đổi một số điều trong luật tố tụng hình sự là cần thiết để các cơ quan: công an, toà án, viện kiểm sát và luật sư trong quá trình làm việc phát huy được tối đa hoạt động nghiệp vụ của đơn vị. Về cơ bản các quy định của Dự thảo Bộ Luật hình sự sửa đổi đã phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; thể hiện tính nhân đạo, tăng tính hướng thiện trong chính sách xử lý hình sự, khắc phục những bất cập, hạn chế trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, trong quá trình thực hiện Bộ Luật hình sự hiện hành. Tuy nhiên, cũng còn một số quy định phải tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh góp ý bổ sung Điều 13 - (Nguyên tắc suy đoán vô tội).
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh góp ý bổ sung Điều 13

Theo đó, nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng: trong Điều 13 về nguyên tắc “suy đoán vô tội” trong dự thảo còn chung chung, mâu thuẫn, chưa đáp ứng yêu cầu cụ thể hoá Hiến pháp. Để đảm bảo quyền con người, quyền công dân, nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử, nhiều ý kiến đề nghị chỉnh lý như sau: “Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có tội”. 

Hội Luật sư Nghệ An góp ý  về trường hợp bắt buộc chỉ định người bào chữa.
Hội Luật sư Nghệ An góp ý về trường hợp bắt buộc chỉ định người bào chữa.

Liên quan đến Điều 35 “Về bổ sung các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra”, các đại biểu đề nghị bổ sung cơ quan Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Nhiều ý kiến nhiều đại biểu góp ý bổ sung tại Điều 57, 58,59,60 về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hoặc buộc nhận mình có tội. Quyền của bị can được đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án; góp ý các phương án trong dự thảo về trường hợp bắt buộc chỉ định người bào chữa tại Điều 121,...

Đồng chí Phạm Văn Tấn ghi nhận, tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu.
Đồng chí Phạm Văn Tấn ghi nhận, tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu.

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Phạm Văn Tấn ghi nhận, đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu. Đồng thời các ý kiến góp ý này sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian tới.

Thanh Lê

Tin mới