Nghệ An đứng đầu cả nước về xuất khẩu lao động

(Baonghean) - Trong số hơn 100.000 người đi xuất khẩu lao động của cả nước năm 2015, Nghệ An là tỉnh đứng đầu với 12.800 người.
Nghệ An là tỉnh có dân số trong độ tuổi  lao động lớn, chiếm khoảng 67% tổng dân số cả tỉnh, trong đó lực lượng lao động trẻ chiếm gần 52% tổng lực lượng lao động. 
Do có nhu cầu lớn về xuất khẩu lao động, Nghệ An trở thành “thị trường” lớn của các tổ chức, cá nhân tổ chức kinh doanh xuất khẩu lao động hoạt động. Bên cạnh những tổ chức, cá nhân doanh nghiệp tham gia xuất khẩu có uy tín, trách nhiệm với người lao động thì mấy năm trước trên địa bàn Nghệ An cũng đã nổi lên tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng xuất khẩu lao động để lừa đảo, thu tiền của người lao động gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.
Học nghề tại trường dạy nghề Yên Thành.
Học nghề tại trường dạy nghề Yên Thành.

 Tại kỳ họp thứ 13 (tháng 12/2014), HĐND tỉnh khóa XVI, cử tri đã chất vấn người đứng đầu ngành quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Ông Nguyễn Bằng Toàn - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã thừa nhận những tồn tại, yếu kém, đồng thời đưa ra một số giải pháp cụ thể nhằm khắc phục các vấn đề đặt ra trong công tác xuất khẩu lao động. 

Sau kỳ họp này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như quản lý hoạt động xuất khẩu lao động. Nhờ đó nhận thức trách nhiệm trong công tác xuất khẩu lao động được nâng lên, nhất là cấp xã.
Ông Phạm Xuân Ngân - Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Thanh Chương, cho biết: Trên cơ sở chỉ đạo của Sở LĐ-TB&XH, năm 2015 huyện đã siết chặt hơn công tác này. Kết quả, năm 2015, Thanh Chương có 1.125 người lao động sang làm việc ở các thị trường Đài Loan, Malaysia; đặc biệt tăng lao động ở Hàn Quốc và thị trường mới Nhật Bản; nâng tổng số lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài trong toàn huyện lên 2.200 người. 
Ban văn hóa xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát hoạt động dạy nghề tại Trường trung cấp nghề Yên Thành.
Ban văn hóa - xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát hoạt động dạy nghề tại Trường trung cấp nghề Yên Thành.

Tại huyện Yên Thành - địa bàn được coi là “nhặm nhọt” trong việc lừa đảo xuất khẩu lao động cũng đã có giải pháp mạnh. Huyện đã quan tâm công tác thông tin, tuyên truyền để người dân đề cao cảnh giác, không bị lừa đảo.

Ông Nguyễn Bằng Toàn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng, việc lừa đảo, cò mồi xảy ra thời gian qua do người dân thiếu thông tin. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, sở đã kịp thời cung cấp thông tin cho người dân về doanh nghiệp tuyển dụng lao động, mức phí, lương được hưởng. Sở cũng tổ chức hội nghị gặp mặt đối thoại giữa các doanh nghiệp với người lao động. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, đề cao trách nhiệm của chính quyền cấp huyện và xã, kịp thời phát hiện các hiện tượng lừa đảo để xử lý. 
Tính từ đầu năm đến tháng 11/2015, toàn tỉnh có 12.800 người đi xuất khẩu lao động, đứng đầu trong cả nước về số lượng xuất khẩu lao động (cả nước chỉ có hơn 100.000 người xuất khẩu lao động trong năm). Điển hình ở một số thị trường vừa có thu nhập cao và ổn định như Nhật Bản là 2.000 lao động (năm 2014 chỉ có khoảng 400 lao động); Hàn Quốc 1.100 lao động trong năm 2015; Malaysia 2.100 lao động... Ngoài các huyện đồng bằng thì năm nay số lao động ở các huyện miền núi, kể cả các huyện 30a cũng tăng lên với khoảng 4.000 lao động

Theo ông Nguyễn Bằng Toàn, vấn đề quan tâm hiện nay là một số lao động hết thời hạn vẫn trốn ở lại để làm việc hoặc tham gia xuất khẩu thông qua con đường du lịch để ở lại. Hiện tại, sở đang tích cực tuyên truyền để các lao động chủ động về nước, vừa tạo cơ hội cho lao động tiếp tục trở lại làm việc tại các thị trường lao động có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản....

Minh Chi

Tin mới