Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao kết quả thu hút đầu tư của Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Chiều tối 9/3, Chính phủ tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế và những trọng tâm ngoại giao kinh tế năm 2023. Đồng chí Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

NGOẠI GIAO KINH TẾ PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, năm 2022, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nhanh chóng, bất ngờ nhưng công tác ngoại giao kinh tế đã được triển khai quyết liệt, bài bản, hiệu quả, kịp thời chuyển trọng tâm từ ngoại giao phục vụ phòng, chống dịch bệnh sang phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ngoại giao kinh tế vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Trong công tác triển khai ngoại giao kinh tế đôi lúc chưa thực sự chủ động, sáng tạo, nhạy bén; chưa phát huy hết tiềm năng hợp tác kinh tế với một số địa bàn chiến lược; tính chủ động, kịp thời, nhạy bén trong nghiên cứu, tham mưu cần được nâng cao hơn nữa.

Toàn cảnh điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Toàn cảnh điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế đã xác định phương châm triển khai công tác ngoại giao kinh tế là quyết liệt, hành động, linh hoạt, hiệu quả, sáng tạo, đột phá, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước.

Tại hội nghị, các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cùng với lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp đã thảo luận sâu rộng, đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp để triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế trong năm 2023.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, Nghệ An nghiêm túc tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 21 về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế với 7 nhóm giải pháp cụ thể.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn báo cáo tóm tắt nhiệm vụ triển khai Chương trình hành động của Chính phủ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn báo cáo tóm tắt nhiệm vụ triển khai Chương trình hành động của Chính phủ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhấn mạnh Nghệ An xác định ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa với sự phát triển của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị 15 của Ban Bí thư với 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, 26 nhiệm vụ cụ thể. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 21 của Chính phủ.

Nghệ An cũng đã chủ động triển khai các hoạt động hợp tác đối ngoại thông qua các cơ quan đại sứ của các nước ở Việt Nam cũng như các đại sứ quán Việt Nam ở các nước, các hiệp hội, tổ chức doanh nghiệp để thúc đẩy các hoạt động thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại. Mặt khác, tỉnh cũng đã tổ chức các hoạt động hợp tác hữu nghị với các địa phương của các nước có quan hệ truyền thống. Tỉnh thường xuyên tranh thủ và nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của Bộ Ngoại giao, cũng như cơ quan đại diện ngoại giao tại các nước.

Nhờ triển khai thực hiện tốt các hoạt động ngoại giao kinh tế, trong thời gian qua Nghệ An đã có chuyển biến tích cực trong thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, xuất khẩu lao động. Riêng đầu tư nước ngoài, năm 2022 Nghệ An lần đầu tiên lọt top 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước với gần 1 tỷ USD.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Chia sẻ kinh nghiệm đạt được kết quả trên, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Nghệ An đã chuẩn bị "5 sẵn sàng": Quy hoạch, hạ tầng kết nối, mặt bằng sạch, nguồn nhân lực và hỗ trợ thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư khi vào tỉnh. Hiện nay, nếu đầu tư vào các Khu công nghiệp ở Nghệ An, các nhà đầu tư có thể được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong vòng từ 3-5 ngày làm việc, thậm chí có dự án dưới 3 ngày.

Trong thời gian tới ngoài thực hiện tốt các giải pháp, nhiệm vụ, Nghệ An đề nghị các cơ quan đại diện ở nước ngoài hỗ trợ bằng kênh thông tin 2 chiều nhằm giúp tỉnh mở rộng thêm các đối tác hợp tác khác, trên 5 nhóm: Xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, xuất khẩu lao động, quảng bá du lịch và kết nối hoạt động với kiều bào ở các nước.

Sau khi nghe Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghệ An là điểm sáng về thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn FDI. Việc Nghệ An chia sẻ kinh nghiệm là để các địa phương khác học tập, tránh việc trì trệ. Muốn doanh nghiệp vào đầu tư thì phải khiêm tốn, lắng nghe, cầu thị.

BÁM SÁT THỰC TIỄN ĐỂ CHỦ ĐỘNG ĐỔI MỚI ĐỐI NGOẠI KINH TẾ

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá trong thời gian qua, ngoại giao kinh tế là điểm sáng trong công tác ngoại giao của nước ta. Thay mặt Chính phủ biểu dương, đánh giá các nhà ngoại giao, cơ quan nhà nước, địa phương, doanh nghiệp đã đóng góp tích cực vào công tác ngoại giao kinh tế.

Trên cơ sở những kết quả và hạn chế, Thủ tướng cho rằng, phải có cách tiếp cận phù hợp trước các diễn biến của thế giới và trong nước, trên tinh thần gắn kết giữa các cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp; đảm bảo lãnh đạo của Đảng, quản lý chặt chẽ của Nhà nước, làm chủ của Nhân dân, bám sát yêu cầu thực tiễn để có đối sách phù hợp; đề cao sự chân thành, cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe, bao dung; gắn kết đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải gắn kết các nhiệm vụ theo kế hoạch hàng năm, 5 năm, 10 năm; tiếp tục xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện hiệu quả; bám sát với việc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các Nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ.

Đặc biệt, phải tranh thủ phát huy cao nhất thế và lực của đất nước bởi "chưa bao giờ Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay". Đây là lợi thế, tài sản, nguồn lực của nước ta để phát huy trong đối ngoại nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng.

Lãnh đạo các sở, ngành tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Lãnh đạo các sở, ngành tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Trước sự khó lường của thế giới, Thủ tướng yêu cầu phải luôn bám sát diễn biến thực tiễn, có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nỗ lực cao hơn, quyết tâm lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm. Lựa chọn thế mạnh, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để đi lên nhưng phải giữ vững nguyên tắc, kiên định mục tiêu trên cơ sở chân thành, sáng tạo, thích ứng với các điều kiện.

Tiếp tục mở rộng hợp tác với các nước tại các khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Á, Nam Phi...; tìm kiếm thị trường mới, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp. Chú trọng, tăng cường nhạy bén và chuyên sâu trong nghiên cứu dự báo, tham mưu phục vụ Chính phủ và đáp ứng nhu cầu trong nước.

Lãnh đạo các sở, ngành tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Lãnh đạo các sở, ngành tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Đổi mới mạnh mẽ, tạo chuyển biến thực chất trong triển khai ngoại giao kinh tế; đẩy mạnh hỗ trợ các ngành, lĩnh vực và địa phương, doanh nghiệp theo tinh thần lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, quan điểm của Việt Nam trong công tác đối ngoại là trên tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, bảo đảm mức cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc; kiên định triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Tin mới