Thủ tướng Chính phủ: Hiện nay đã có khoảng 560.000 tỷ đồng để chi cải cách tiền lương đến năm 2026

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Sáng 8/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tiếp tục tiếp tục Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tịch tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, điều hành phiên thảo luận.

bna_z4859841305775_02b1b827f32a5778baaa3e2ba881abea.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn. Ảnh: Nam An

Trong phiên làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đăng đàn trả lời chất vấn. Trong đó, trả lời ý kiến đại biểu về thực hiện chính sách cải cách tiền lương, người đứng đầu Chính phủ trao đổi: Tiền lương là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, vừa là công cụ tái tạo sức lao động, vừa là động lực cho cán bộ, công chức, người lao động tham gia vào việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Vừa qua, do đại dịch Covid-19, nguồn lực có hạn, dẫn đến việc thực hiện cải cách tiền lương còn khó khăn.

Hiện nay, Chính phủ đã cố gắng trích lập lương, tăng thu, giảm chi, tiết kiệm và hiện nay có khoảng 560.000 tỷ để chi cải cách tiền lương từ 1/7/2023 đến hết 2026.

Nhiệm vụ sắp tới là cần tới tiếp tục hoàn chỉnh vị trí việc làm; tinh giản biên chế gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo chi lương cho người lao động.

Cùng với cải cách chính sách tiền lương khu vực Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu để xây dựng chính sách tiền lương ngoài khu vực Nhà nước. Hai chính sách này sẽ tiệm cận với nhau theo tinh thần Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

bna_z4859546759246_fbe550e460fd1ddc008366deac6d1e57.jpg
Các đại biểu Quốc hội tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 8/11. Ảnh: Nam An

Trả lời câu hỏi đại biểu về giải pháp thực hiện thành công việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền? Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Chủ trương rất là rõ, phải tăng cường phân cấp, phân quyền để phân định rõ hơn trách nhiệm, phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động của các cấp. Tuy nhiên, dù rất quan trọng song việc phân cấp, phân quyền, tổ chức thực thi chưa đáp ứng được yêu cầu; cũng như mong muốn cử tri và Nhân dân.

Theo Thủ tướng có 4 nguyên nhân: Trước hết là chưa thực hiện triệt để, nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự muốn phân cấp, phân quyền trong quá trình thực hiện quy định của pháp luật.

Năng lực cán bộ có những hạn chế, bất cập, nhất là những việc lớn, việc mới phân cấp, phân quyền xuống cũng có khó khăn.

Cuối cùng là việc đáp ứng các yêu cầu của người dân liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành.

Về giải pháp, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo việc phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực; tăng cường giám sát, kiểm tra; nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới; hoàn thiện thể chế; các cấp mạnh dạn phân cấp, phân quyền, tránh né tránh, đùn đẩy.

bna_1.jpg
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tham gia phiên họp. Ảnh: Nam An

Trước đó, báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan đến nội dung chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, qua báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, thảo luận tại tổ, tại Hội trường và các phiên chất vấn của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, với kinh nghiệm của mình, đã có nhiều ý kiến đánh giá, phân tích, chia sẻ, đóng góp sâu sắc trí tuệ, tâm huyết, thực tiễn với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao về tình hình kinh tế xã hội của nước ta và việc thực hiện các Nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội thời gian qua.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, hầu hết các ý kiến đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của Quốc hội, sự nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương và các kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, bối cảnh tình hình thế giới, trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, góp phần củng cố tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

bna_z4859544352036_452e8bacc86d7f1eb0d83c17448fbb9e.jpg
Các đại biểu Quốc hội tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 8/11. Ảnh: Nam An

Cùng với việc khẳng định kết quả đạt được là cơ bản, nhiều đại biểu Quốc hội đã đồng hành với Chính phủ, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập, đóng góp gợi mở cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương những định hướng, giải pháp quan trọng, khả thi, sát thực tiễn trên tất cả các lĩnh vực. Thủ tướng Chính phủ trân trọng cảm ơn, lắng nghe và nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, vừa giải quyết các vấn đề trước mắt, vừa chuẩn bị cơ sở, tiền đề cho những năm tiếp theo.

Tin mới