Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chính phủ cam kết là 'điểm tựa' cho doanh nhân Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Chiều 11/10, nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ có buổi gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam.

Tham dự còn có các Phó Thủ tướng Chính phủ. Buổi gặp mặt diễn ra tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại đầu cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Bùi Thanh An – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi gặp mặt; cùng sự tham dự của đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan và 30 doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang tới dự buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nhân Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang tới dự buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nhân Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

"Món quà" đặc biệt cho cộng đồng doanh nghiệp

Kể từ năm 2004, ngày 13/10 đã trở thành Ngày Tết Doanh nhân, là ngày các doanh nhân tập hợp lại và cùng suy ngẫm đã làm được gì và cần tiếp tục làm gì để giúp cho nền kinh tế quốc dân thịnh vượng.

Điều đặc biệt nhất trong dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 41 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết mới với những nội dung mới trong quan điểm, định hướng và giải pháp để phát triển, phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam chắc chắn sẽ mở đầu cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo, góp phần để xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh.

Tính riêng trong quý III/2023, cả nước có gần 60.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam có 165.000 doanh nghiệp, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022.

IMG_9369.JPG
Quang cảnh tại điểm cầu UBND tỉnh Nghệ An. Ảnh: Mỹ Nga

Tại buổi gặp, nhiều doanh nghiệp đã tham gia phát biểu ý kiến. Điều các doanh nghiệp mong muốn và việc quan trọng đề xuất làm ngay lúc này là tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng thuận lợi, dễ dàng hơn nữa, đồng thời chấn chỉnh và phục hồi thị trường bất động sản. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách miễn, giãn thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác với thời gian đủ dài để doanh nghiệp phục hồi… Các doanh nghiệp bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Chính phủ về việc vừa ban hành Quyết định 25 để tiếp tục giảm 30% tiền thuế đất cho năm 2023, kịp thời tháo gỡ phần nào khó khăn cho các doanh nghiệp.

Tin tưởng vào sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam

Tại buổi gặp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chúc mừng tới các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, và ghi nhận sâu sắc sự chân thành, nhiệt huyết, trách nhiệm cao của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng đánh giá cao sự trưởng thành của doanh nhân Việt Nam trên tất cả các mặt, cả về số lượng và chất lượng, về khát vọng và hiệu suất đóng góp, đưa thương hiệu Việt ra trường quốc tế; đồng thời khẳng định đây là lực lượng có đóng góp quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước.

thủ tướng 2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện với các doanh nhân, đại biểu tham dự buổi gặp mặt. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ cụ thể hoá Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị thành chương trình hành động, cùng doanh nghiệp, doanh nhân phát triển đúng hướng.

Cùng với đó, Chính phủ xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, tạo không gian phát triển cho doanh nghiệp, doanh nhân; Phát triển đối ngoại, tạo môi trường hoà bình hợp tác phát triển, tạo cơ hội cho doanh nhân Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là pháp lý; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền kinh tế số, Chính phủ số, công dân số để hỗ trợ doanh nghiệp.

Tháo gỡ khó khăn điểm nghẽn, tạo thuận lợi, tăng tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp, người dân; củng cố niềm tin, truyền cảm hứng cho doanh nhân, doanh nghiệp; Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các thị trường với tiêu chí an toàn, lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch.

Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các vướng mắc của doanh nghiệp, để có kế hoạch xử lý kịp thời, hiệu quả những ách tắc, trì trệ từ lâu.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị tập trung vào 3 động lực tăng trưởng: xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư; không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế; phát huy tính sáng tạo, chủ động; liên kết với nhau tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng tầm vị thế doanh nghiệp Việt Nam; tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó, chú trọng phát triển Đảng trong doanh nghiệp; nâng cao chất lượng, phẩm chất đội ngũ doanh nhân đủ tài, đủ đức, đủ tầm.

Kết thúc buổi gặp gỡ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ trong việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp là hỗ trợ tối đa, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Chính phủ cam kết là “điểm tựa”, luôn sát cánh cùng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đồng hành, chia sẻ thách thức, khó khăn với Đảng, Nhà nước, nắm bắt cơ hội, hoá giải khó khăn, để xây dựng một Việt Nam hùng cường./.

Tin mới