Thủ tướng: Phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng thể chế

(Baonghean.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành Tư pháp chủ động đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm ngay từ khi xây dựng thể chế, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc trên hết, trước hết; góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự là của dân, do dân và vì dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Lê Thành Long, các Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh, Nguyễn Thanh Tịnh đồng chủ trì hội nghị. Ảnh: PLVN
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, các Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Đặng Hoàng Oanh, Nguyễn Thanh Tịnh đồng chủ trì hội nghị. Ảnh: PLVN
Sáng 21/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022 theo hình thức trực tuyến.

Các đồng chí: Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ; Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự Hội nghị. Tại điểm cầu Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung chủ trì.

NỖ LỰC XÂY DỰNG THỂ CHẾ

Báo cáo của Bộ Tư pháp nêu rõ: năm 2021, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng toàn ngành Tư pháp đã khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện kịp thời, chất lượng các nhiệm vụ được giao.

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cùng lãnh đạo các Bộ, ngành dự hội nghị. Ảnh: PLVN
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cùng lãnh đạo các Bộ, ngành dự hội nghị. Ảnh: PLVN

Công tác chỉ đạo điều hành được thực hiện quyết liệt, linh hoạt, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bối cảnh tình hình KTXH của đất nước và của từng địa phương. Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được chú trọng đầu tư nguồn lực, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thi hành, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Công tác xử lý văn bản trái pháp luật được thực hiện quyết liệt, góp phần bảo đảm tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật; công tác rà soát VBQPPL được triển khai quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực; việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp ứng phó với dịch Covid-19 được thực hiện kịp thời, trách nhiệm.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật được thực hiện hiệu quả hơn, đặc biệt trong ứng dụng CNTT, chuyển đổi số; tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở đã có nhiều đổi mới trong tư duy, cách làm. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật đối với một số lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục được nâng cao.

TỈNH NGHỆ AN KIẾN NGHỊ 2 NỘI DUNG

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã khái quát những kết quả nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2021 và nhấn mạnh, đạt được những kết quả đó có đóng góp quan trọng của ngành Tư pháp Nghệ An, với 4 kết quả chính.

Toàn cảnh điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng
Toàn cảnh điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Trong đó, Nghệ An đã chú trọng cải cách thủ tục hành chính, chuẩn hóa các quy trình theo hướng khoa học, thuận lợi, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, giảm tải, khơi thông nguồn lực. Nghệ An luôn chú trọng công tác tổ chức thi hành pháp luật; chú trọng việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nhiều văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu, bảo đảm pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, phục vụ Nhân dân. Việc thực hiện xã hội hóa các tổ chức bổ trợ tư pháp đã đạt được những kết quả tích cực…

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, xác định vai trò của ngành Tư pháp trong hệ thống chính trị, trong năm 2022, tỉnh Nghệ An tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Trong đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương liên quan đến công tác tư pháp. Tập trung rà soát, đề xuất hoàn thiện pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, “điểm nghẽn” trong tổ chức thi hành, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó chú trọng tới tính dự báo, tính khả thi của chính sách.

Kiện toàn tổ chức bộ máy ngành Tư pháp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra trong tình hình mới. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng công chức ngành Tư pháp và chú trọng việc sắp xếp, bố trí công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã theo ý kiến chỉ đạo của Ban cán sự Đảng bộ Tư pháp. Nâng cao chất lượng dịch vụ công ngành Tư pháp, tạo bước chuyển biến đột phá theo chủ trương xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp. Tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý điều hành và các hoạt động dịch vụ công.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Tại Hội nghị, tỉnh Nghệ An kiến nghị 2 nội dung: Đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu xây dựng, trình Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù cho công chức làm công tác tư pháp, nhất là công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã, đối với các địa phương có số lượng đơn vị hành chính cấp xã lớn. Đề nghị Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành quy định về chức danh vị trí việc làm đối với đội ngũ công chức làm công tác tư pháp, bảo đảm các chức danh tư pháp đảm nhận nhiệm vụ theo yêu cầu.

XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG PHÁP LÝ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà ngành Tư pháp đạt được trong năm 2021. Ngành đã chủ động tích cực, thể chế hóa những định hướng chính sách lớn, then chốt trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Tập trung tháo gỡ vướng mắc về mặt thể chế để thúc đẩy khôi phục sản xuất, các vướng mắc về thể chế trên các lĩnh vực; Tích cực tham gia vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, bước sang năm 2022, khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Nhận định như vậy để chuẩn bị tâm thế, năng lực, tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm 2022 hiệu quả hơn năm 2021. Đây cũng là năm bản lề quan trọng thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội các cấp và đòi hỏi cao hơn của Nhân dân về môi trường pháp lý tốt hơn để mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; hỗ trợ cho sự phát triển, khắc phục những hạn chế, giải quyết khó khăn phát sinh trong thực tiễn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Nhiệm vụ năm 2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải nâng cao nhận thức, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác xây dựng thể chế, đây là 1 trong 3 khâu đột phá trong quá trình đổi mới của đất nước. Từ đó, xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi, phù hợp với thời đại, đáp ứng yêu cầu phát triển. Ngành phải thấm nhuần quan điểm của Đảng là phát huy giá trị con người Việt Nam, lấy người dân và doanh nghiệp là chủ thể trong xây dựng pháp luật, bởi mục tiêu cao nhất là làm cho cuộc sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành phải bám sát đường lối chủ trương của Đảng, cụ thể là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư để thể chế hóa cụ thể với quan điểm bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn là thước đó, có tính khả thi, phù hợp với điều kiện, tình hình của nước ta; tháo gỡ khó khăn, nút thắt về mặt thể chế.

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và thực thi của các cấp chính quyền, tranh thủ sự ủng hộ người dân và doanh nghiệp, mở ra môi trường đổi mới sáng tạo, bám sát thực tiễn khi xây dựng, phổ biến, thực hiện và giám sát việc thực hiện pháp luật. Thực hiện nghiêm đường lối của Đảng là phát huy trí tuệ tập thể, các nhà chuyên gia, khoa học. Đầu tư hơn cho công tác xây dựng thể chế, coi đây là đầu tư cho sự phát triển. Đầu tư và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả số lượng và chất lượng. Đầu tư tài chính, cơ sở vật chất, phù hợp với điều kiện của nước ta.

hủ tướng phạm Minh Chính trao huân chương, bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương, Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đi đôi với nâng cao năng lực chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gắn với việc cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi nâng cao chất lượng nhân lực, phân bổ nguồn lực hợp lý. 

"Chủ động đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm ngay từ khi xây dựng thể chế, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích chung trên hết, trước hết; góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự là của dân, do dân và vì dân", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh./. 

Tin mới