Thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Chiều 6/11, Trường Chính trị tỉnh Nghệ An phối hợp với Sở NN&PTNT, Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Nhiệm vụ và giải pháp xây dựng nông thôn mới ở vùng đặc biệt khó khăn tỉnh Nghệ An hiện nay”.

Dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cùng đại diện các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

bna_ quang canh ht. anh thanh le.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Lê

Vùng đặc biệt khó khăn của Nghệ An là địa bàn đặc thù, nằm ở phía Tây của tỉnh, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái vùng. Đây là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trải rộng trên địa bàn 11 huyện, thị với diện tích tự nhiên 13.745 km2, chiếm 83% diện tích toàn tỉnh; dân số 1.197.628 người, chiếm 36%; đồng bào dân tộc thiểu số có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh, gồm 47 dân tộc sinh sống trên địa bàn, trong đó có 5 dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng là Thái, Thổ, Khơ mú, Mông, Ơ đu. Vùng này có 27 xã biên giới với 24 xã thuộc diện xã đặc biệt khó khăn, tiếp giáp với 03 tỉnh (Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Bôlykhămxay) của nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.

Đây là khu vực có tiềm năng lớn về quỹ đất, tài nguyên rừng, khoáng sản để phát triển và mở rộng sản xuất nông, lâm nghiệp, khai thác khoáng sản gắn với công nghiệp chế biến. Đồng bào các dân tộc miền núi có truyền thống đoàn kết, yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

bna_ chu tri. anh thanh le.jpg
Các đồng chí chủ trì hội thảo. Ảnh: Thanh Lê

Xây dựng nông thôn mới miền núi Nghệ An vững mạnh toàn diện vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng, vừa là nhiệm vụ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh lâu dài của tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ.

Tuy nhiên, với sự khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, địa bàn rộng đòi hỏi đầu tư hạ tầng nhiều (giao thông, điện, trường học), nguồn lực hạn chế, việc chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp xã ở khu vực miền núi Nghệ An gặp rất nhiều khó khăn.

bna_ a minh. anh thanh le.jpg
Đồng chí Vương Quang Minh - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: Thanh Lê

Để thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tiếp tục phát huy hiệu quả và đưa Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và bền vững, Trường Chính trị tỉnh Nghệ An phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Nhiệm vụ và giải pháp xây dựng nông thôn mới ở vùng đặc biệt khó khăn tỉnh Nghệ An hiện nay”.

bna_ dong van . anh thanh le.jpg
Người dân xã Đồng Văn, huyện Quế Phong ra quân làm vườn chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Thanh Lê

Hội thảo là diễn đàn khoa học nhằm làm sáng tỏ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn về xây dựng nông thôn mới tại vùng đặc biệt khó khăn tỉnh Nghệ An; tổng kết những thành quả và những bài học kinh nghiệm sau quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Qua đó, xác định nhiệm vụ, đề xuất giải pháp nâng cao, đảm bảo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại các xã đặc biệt khó khăn, khu vực miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số, góp phần tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất, làm thay đổi diện mạo nông thôn ở vùng đặc biệt khó khăn.

bna_tham luận . ảnh thanh lê.jpg
Đại diện các sở, ngành, địa phương tham luận tại hội thảo. Ảnh: Thanh Lê

Tại hội thảo, các tham luận, trao đổi đã tập trung làm rõ vào nhiều nội dung như: Những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới tại vùng đặc biệt khó khăn tỉnh Nghệ An hiện nay. Xây dựng cơ chế, chính sách, phát huy và tập trung các nguồn lực nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới tại vùng đặc biệt khó khăn.

Các đại biểu đã trao đổi, nghiên cứu về những mô hình tiêu biểu, cách làm hay về xây dựng nông thôn mới tại các xã miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm đáp ứng, hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới,…

Tin mới