Thực thi pháp luật lao động trong các doanh nghiệp NQD

(Baonghean) - Là vấn đề mà Sở LĐ-TB&XH đặt ra sau khi kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở huyện Quỳ Hợp theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 8010/UBND-VX ngày 8/11/2013...

Ngày 12/12/2013, Sở LĐTB&XH có Công văn số 2183/LĐ-TB&XH báo cáo UBND tỉnh, nội dung khẳng định việc thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở Quỳ Hợp còn rất nhiều hạn chế. Ngoài nêu chi tiết những lỗi vi phạm của các doanh nghiệp, cũng tại Công văn 2180, Sở LĐ-TB&XH đã làm rõ vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về lao động và BHXH trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.

Theo đó, đến thời điểm hiện tại, Quỳ Hợp có 178 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 87 doanh nghiệp tham gia BHXH cho 719 lao động (riêng lĩnh vực khai thác chế biến đá có 53 doanh nghiệp, có 539 lao động tham gia BHXH). Huyện Quỳ Hợp đã ban hành Kế hoạch triển khai Bộ Luật Lao động trên địa bàn; tổ chức tập huấn, tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân có liên quan và tiến hành ký cam kết thực hiện Bộ Luật Lao động với các chủ sử dụng lao động (có 45 doanh nghiệp ký cam kết).

Trong năm 2013, UBND huyện Quỳ Hợp đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra xử lý 40 doanh nghiệp vi phạm về Luật Lao động, khai thác khoáng sản, có nguy cơ mất an toàn lao động với số tiền xử phạt 653 triệu đồng. Tuy nhiên, Quỳ Hợp là địa bàn rộng, nhiều đồi núi; ngành nghề khai thác phát triển mạnh, mặt khác, công tác an toàn vệ sinh lao động, thực hiện chế độ bảo hiểm lao động còn nhiều hạn chế. Sự quan tâm của chủ doanh nghiệp trong việc thực hiện pháp luật Lao động nói chung và các chính sách BHXH, BHYT... còn thấp. Việc ký kết hợp đồng chưa đầy đủ nội dung, lách luật, làm ảnh hưởng lớn đến chế độ và quyền lợi của người lao động...

Lao động khai thác khoáng sản ở Quỳ Hợp.
Lao động khai thác khoáng sản ở Quỳ Hợp.

Theo ông Nguyễn Đăng Dương - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Trưởng đoàn công tác, sau khi kiểm tra một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh và đánh giá vai trò quản lý nhà nước về pháp luật lao động của các cơ quan liên quan, đoàn đã kiến nghị UBND huyện Quỳ Hợp cần tăng cường chỉ đạo ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn và thanh kiểm tra việc chấp hành Luật Lao động, BHXH, công tác vệ sinh an toàn lao động... trên địa bàn. Đặc biệt, cần có biện pháp vận động để người sử dụng lao động và người lao động tham gia tốt chế độ BHXH, BHYT...

Ông Nguyễn Đăng Dương nói rằng: “Tình trạng vi phạm pháp luật lao động tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh là rất rõ, đúng như bài "Hàng loạt doanh nghiệp ngoài quốc doanh vi phạm Luật Lao động" (Báo Nghệ An số ra ngày 29/10/2013) đã phản ánh. Tuy nhiên, sẽ khó chấn chỉnh tình trạng này. Lỗi của chủ doanh nghiệp là rõ ràng, nhưng bên cạnh đó nhận thức của người lao động về pháp luật lao động và các chính sách BHXH, BHYT cũng rất hạn chế. Người lao động tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hầu hết xuất phát điểm là nông dân, nay chuyển sang làm công nhân nên điều họ quan tâm nhất là trả tiền công ra sao, chứ ít khi nghĩ đến các vấn đề khác. Thậm chí, họ sẵn sàng bỏ việc ở doanh nghiệp này để nhảy sang một doanh nghiệp khác nếu được trả công cao. Vì vậy, cũng cần phải có sự chia sẻ với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn. Nhưng dù gì đi nữa thì cũng cần phải tăng cường công tác giám sát việc thực thi pháp luật ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, nhất là các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, nơi có đông lao động, nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động cao. Đối với các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản có nhiều vi phạm, cơ quan có thẩm quyền nên xem xét đình chỉ hoạt động để xử lý...".

Ngày 22/8/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 95/2013/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa người lao động đi nước ngoài. Ngày 22/11/2013, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH có Công văn số 524/TTr-BHXH về việc phối hợp xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực BHXH, gửi Thanh tra các Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó làm rõ một điểm mới được nêu tại Nghị định 95, đó là cán bộ, viên chức của cơ quan BHXH được quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với các tổ chức, doanh nghiệp vi phạm về chính sách BHXH. Nội dung Công văn số 524 của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH nêu: "... Điều 40 của Nghị định số 95 quy định: “Khi phát hiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt, công chức, viên chức đang thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao phải kịp thời lập biên bản và thực hiện theo quy định tại Điều 58 của Luật Xử lý vi phạm hành chính”. Theo quy định này thì cán bộ của cơ quan BHXH khi thi hành công vụ phát hiện cơ quan, đơn vị có hành vi vi phạm về chính sách BHXH có quyền lập biên bản vi phạm hành chính...".
Theo ông Lê Trường Giang - Phó Giám đốc BHXH tỉnh, trước đây, chỉ có công chức thuộc ngành LĐTB&XH mới đủ thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với các tổ chức, doanh nghiệp vi phạm chính sách về BHXH, còn các cán bộ, viên chức các cơ quan BHXH thì không có thẩm quyền này. Khi Nghị định 95 có hiệu lực thi hành, cán bộ viên chức BHXH đã có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính về chính sách BHXH để chuyển cho Thanh tra Sở LĐ-TB&XH xử lý theo quy định của pháp luật. Từ đây, công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện BHXH ở các tổ chức, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn... Cũng theo ông Lê Trường Giang, để buộc các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc chính sách BHXH, thời gian qua, BHXH tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và Ngân hàng Nhà nước tỉnh để thực hiện trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho các cơ quan BHXH trực thuộc giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách BHXH.
Không phủ nhận là trong giai đoạn hiện nay, các tổ chức, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, đã tác động không hay đến việc thực hiện pháp luật lao động và chính sách BHXH đối với người lao động. Tuy nhiên, đang có không ít doanh nghiệp hoặc cố tình "lách", hoặc chây ỳ không thực hiện pháp luật lao động khiến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động bị vi phạm nghiêm trọng. Vì vậy, tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh là điều hết sức cần thiết.
Hà Giang

Tin mới