Tin tức nổi bật trong nước tuần qua

(Baonghean.vn) - Khánh thành Công viên Fidel tại tỉnh Quảng Trị; Thành lập thành phố Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang; Chính thức mở cặp cửa khẩu song phương Chi Ma-Ái Điểm; Bộ GTVT đề nghị khẩn trương xây cầu nơi có học sinh chui túi nilon để đến trường... là những tin tức nổi bật trong nước tuần qua.

Khánh thành Công viên Fidel tại tỉnh Quảng Trị

khanh thanh cong vien fidel tai tinh quang tri hinh 1

Các đại biểu 2 nước dự lễ khánh thành Công viên Fidel.

Sáng 15/9, tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, diễn ra lễ khánh thành Công viên Fidel. Tham dự buổi lễ có Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ 2 nước Việt Nam và Cuba.

Cách đây 45 năm, lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã vượt nửa vòng trái đất đến Việt Nam, thăm vùng tuyến lửa Quảng Trị. Ông là vị nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên đến vùng giải phóng miền Nam Việt Nam trong kháng chiến.

Khắc ghi tình cảm của lãnh tụ Cuba, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng Công viên Fidel tại trung tâm thành phố Đông Hà. Công viên Fidel có diện tích hơn 16 ha. Đây là công trình có ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa, xã hội, mang tính nhân văn sâu sắc, là nơi tưởng nhớ lãnh tụ Cu ba Fidel Castro.

Trước đó, chiều 14/9, tại thành phố Đông Hà đã diễn ra lễ kỷ niệm 45 năm lãnh tụ Fidel Castro đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam thuộc tỉnh Quảng Trị (9/1973-9/2018). Triển lãm trưng bày ảnh giới thiệu 45 bức ảnh, tượng trưng cho 45 năm lãnh tụ Fidel Castro đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam thuộc tỉnh Quảng Trị (9/1973-9/2018). 

Tặng Huy hiệu Đảng cho hai Đại tướng: Phùng Quang Thanh, Ngô Xuân Lịch

Ngày 11/9, tại Hà Nội, Đảng ủy Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng đối với Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng đối với Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng tới dự, phát biểu và trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng tặng Đại tướng Phùng Quang Thanh và Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng tặng Đại tướng Ngô Xuân Lịch.

Thành lập thành phố Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang

thanh lap thanh pho ha tien thuoc tinh kien giang hinh 1
Phiên họp thứ 27 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chiều 11/9, tại phiên họp 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập phường Mỹ Đức thuộc thị xã Hà Tiên và thành lập thành phố Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang.

Theo đó, phường Mỹ Đức thuộc thị xã Hà Tiên được thành lập trên cơ sở toàn bộ 16,96 km2 diện tích tự nhiên và 9.108 người của xã Mỹ Đức. Còn thành phố Hà Tiên được thành lập trên cơ sở toàn bộ 100,49 km2 diện tích tự nhiên và 81.576 người của thị xã Hà Tiên.

Theo Đề án của Chính phủ, thị xã Hà Tiên là đô thị biên giới nằm trong vùng tứ giác Long Xuyên, thuộc vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long.
Hà Tiên không chỉ là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Kiên Giang và vùng đồng bằng sông Cửu Long mà còn là đầu mối giao thông, giao thương nối vùng đồng bằng sông Cửu Long với Vương quốc Campuchia, Thái Lan và các nước Đông Nam Á qua đường xuyên Á. 

Công bố chính thức mở cặp cửa khẩu song phương Chi Ma-Ái Điểm

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các đại biểu cắt băng chính thức mở cặp cửa khẩu Chi Ma (Việt Nam) - Ái Điểm (Trung Quốc). Ảnh: Quang Duy/TTXVN
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các đại biểu cắt băng chính thức mở cặp cửa khẩu Chi Ma (Việt Nam) - Ái Điểm (Trung Quốc). Ảnh: Quang Duy/TTXVN

Chiều 10/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn và Chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức lễ công bố chính thức mở cặp cửa khẩu song phương Chi Ma (Lộc Bình, Lạng Sơn, Việt Nam)-Ái Điểm (Ninh Minh, Quảng Tây, Trung Quốc).

Dự lễ công bố có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).

Việc chính thức mở cặp cửa khẩu song phương Chi Ma - Ái Điểm là dấu mốc quan trọng khẳng định sự phát triển của quan hệ hợp tác giữa tỉnh Lạng Sơn với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây nói riêng, giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc nói chung; đồng thời, sẽ tiếp tục góp phần củng cố, đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên, đặc biệt trong việc thúc đẩy giao thương hàng hóa, hợp tác du lịch, giao lưu nhân dân.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tuyên bố và cắt băng chính thức mở cặp cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm, chứng kiến lễ thông xe chở hàng xuất nhập khẩu thông quan và tham quan nhà kiểm soát liên ngành hai nước Việt Nam-Trung Quốc.

5 cơ quan được yêu cầu xử lý cán bộ trong vụ MobiFone mua AVG

Ngày 14/9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo việc xem xét kết quả kiểm điểm của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an và UBND tỉnh Bình Dương về trách nhiệm liên quan đến các vi phạm xảy ra đối với dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG).

Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng ở các cơ quan và địa phương nêu trên được yêu cầu chỉ đạo xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tập thể, cá nhân liên quan. Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ báo cáo Ban Bí thư chỉ đạo xem xét, xử lý đối với một số cán bộ diện Trung ương quản lý.

Trước đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ được công bố chiều 14/3, đã nêu rõ những sai phạm của các bộ, ngành liên quan dự án MobiFone mua AVG. Cơ quan thanh tra nêu, đây là vụ việc kinh tế rất nghiêm trọng, dự án có tổng mức đầu tư là 8.900 tỷ đồng, tuy nhiên những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm của MobiFone dẫn đến nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp này khoảng 7.006 tỷ đồng... 

55% doanh nghiệp sẵn sàng chọn công nghệ giảm phát thải khí nhà kính

Tại buổi Tọa đàm về tác động kinh tế-xã hội khi Việt Nam phê chuẩn Bản sửa đổi, bổ sung Kigali về kiểm soát và loại trừ các chất HFC (hydrofluorocarbon), diễn trong ngày 14/9, tại Hà Nội, tiến sỹ Lê Hoàng Lan, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Môi trường cho rằng sự tham gia và ủng hộ của giới doanh nghiệp là yếu tố quan trọng để đảm bảo thành công của việc thực hiện thỏa thuận Kigali.

Theo nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, qua khảo sát các doanh nghiệp đang hoạt động, có tới 55% doanh nghiệp sẵn sàng chuyển đổi công nghệ giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ tầng ozone, 33% doanh nghiệp đồng ý chuyển đổi công nghệ nếu được hỗ trợ kinh phí và tư vấn kỹ thuật.

Tin mới