Tình cảm của Bác Hồ đối với thương binh

(Baonghean.vn) - Tình cảm lớn lao Bác dành cho dân tộc ta, non sông ta nói chung và thương binh, bệnh binh, các gia đình có công với nước nói riêng thật lớn lao như trời biển.
Người từng  khẳng định: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sỹ là những người đã có công với Tổ Quốc, với Nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu giúp đỡ họ”. Người luôn nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân ta bất kể trong hoàn cảnh nào cũng phải luôn ghi nhớ công lao to lớn của các đồng chí thương binh, liệt sỹ, những người đã hy sinh tính mệnh hoặc bỏ lại một phần xương máu của mình trên chiến trường vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân. 
Bác Hồ thăm các thương binh nặng ở Trại điều dưỡng Bắc Ninh. (ảnh: tư liệu)
Bác Hồ thăm các thương binh nặng ở Trại điều dưỡng Bắc Ninh. (ảnh: tư liệu)
Thấu hiểu sự hy sinh mất mát lớn lao đó, Người luôn quan tâm và dành tình cảm đặc biệt đến các đồng chí thương binh, gia đình liệt sỹ. Năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra ác liệt, Người đã đề nghị Chính phủ lấy một ngày nào đó trong năm làm “Ngày thương binh” và ngày 27-7 đã trở thành ngày “Thương binh toàn quốc”. Sau đó ngày này đã đổi thành ngày “Thương binh liệt sỹ”.
Kể từ đó, cứ đến ngày này hàng năm, Người thường có lời kêu gọi Chính phủ và đồng bào hãy tổ chức trọng thể và có thư thăm hỏi động viên anh em thương binh, gia đình liệt sỹ, kêu gọi mọi người giúp đỡ họ về vật chất và tinh thần. Người coi đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi một người trong xã hội và dẫu bận trăm công nghìn việc nhưng hầu như năm nào Người cũng gửi thư, tặng quà hoặc tới thăm thương binh và gia đình liệt sỹ. Năm 1949 Người đã gửi một số khăn mặt, áo quần. một tháng lương là 1000 đồng. Năm 1951 Bác tặng một số bộ quần áo. Năm 1952, Bác gửi một tháng lương và 2 phiếu công trái quốc gia (một phiếu tương đương một tấn thóc). Năm 1953 Người gửi một tháng lương  và 30 chiếc khăn tay. Năm 1954. Người gửi một tháng lương  45000 đồng và 30000 đồng Việt Kiều ở Trung Quốc tặng Người... Người luôn thấu hiểu những hy sinh mất mát lớn lao của thương binh, liệt sỹ và Người đã dành cho họ tình cảm yêu thương vô bờ bến.
Lúc nào và bao giờ cũng vậy tình cảm yêu thương, che chở của Người không chỉ thể hiện bằng những lời kêu gọi mộc mạc, chân thành, giản dị xúc  động  lòng người mà còn thể hiện bằng những hành động cụ thể hằng ngày. Còn nhớ, có một lần Bác đến thăm một trại điều dưỡng thương binh ở Hà Nội. Bác đi thẳng vào một  dãy nhà anh em thương binh đang nghỉ và điều trị. Từ các dãy nhà, trong niềm vui hân hoan ngập tràn, anh em thương binh kéo đến mỗi lúc một đông, ai cũng muốn đươc gần Bác hơn. Đang lúc Bác hỏi thăm sức khoẻ anh em thì có một đồng chí thương binh hỏng mắt nhờ y tá xin được vào gần Bác. Đồng chí Ninh đi với Bác định bước lại đỡ đồng chí ấy nhưng Bác đã nhanh chân đi tới, giơ hai tay ra đón. Đồng chí thương binh ôm chầm lấy Bác nghẹn ngào: “ Bác ơi!”, Bác lặng đi giây lát… rồi mới tiếp tục câu chuyện thăm hỏi. Buổi chiều hôm ấy trời nóng, Bác đã đến từng gường anh chị em đau nặng, hỏi thăm bệnh tật đã đỡ chưa, mỗi bữa ăn được bao nhiêu bát. Bác vừa  hỏi chuyện vừa cầm chiếc quạt giấy của Bác quạt cho anh em. Nhiều đồng chí xúc động cứ nhìn Bác mãi không nói được. Bác căn dặn các đồng chí lãnh đạo phải khắc phục khó khăn, cố gắng điều trị, chăm lo bồi dưỡng để các đồng chí thương binh sớm phục hồi sức khoẻ. Bác cũng dặn anh em thương binh yên tâm điều trị, kiên trì tập luyện “tuy là những người tàn mà không  phế”. Sau khi về, Bác đã gọi chú Vũ Kỳ đến và bảo chuyển máy điều hoà nhiệt độ ra cho các đồng chí thương binh (chiếc máy điều hoà của các anh ở Văn phòng  Phủ Chủ Tịch vừa quyết định lắp ở phòng Bác để Bác đỡ nóng hơn).
Chạm sâu vào cảm xúc, lay động trái tim mỗi chúng ta với những sự quan tâm, lo lắng  ân cần như người Cha dành cho những đứa con thương yêu của mình. Tình cảm của Người giành cho thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ vô cùng cao quý thiêng liêng. Đó cũng chính là nguồn cỗ vũ, động viên tinh thần và nghị lực cho mỗi thương bệnh binh, làm ấm lòng người chiến sỹ.
Ngày nay được sống trong cảnh đất nước được thanh bình, chúng ta càng nhớ tới công lao và sự hy sinh to lớn của các đồng chí thương binh và gia đình liệt sỹ, Đảng và Nhà nước ta có những chính sách ưu tiên đối với thương bệnh binh và gia đình liệt sỹ. Đồng bào ta trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã làm nhiều công việc đền ơn đáp nghĩa như: tặng quà cho các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, xây nhà tình nghĩa, lập quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng. Đó cũng chính là học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, là sự thể hiện sâu sắc truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ăn quả nhớ kẻ trồng cây của dân tộc ta. Mỗi chúng ta từ những việc làm nhỏ bé, thiết thực hãy làm  tốt hơn nữa. Hãy coi đó là nghĩa vụ thiêng liêng, là niềm vinh dự tự hào.
                                                  Dương Bích Thuỷ
(Khu di tích Kim Liên)

Tin mới