Tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự

(Baonghean.vn) - Chiều 25/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự nhằm phục vụ cho kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khóa XIII.

Tham dự có đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự do Bộ Công an soạn thảo có 10 chương, 72 điều. Dự án Luật quy định về nguyên tắc tổ chức, quan hệ phối hợp giám sát, kiểm sát hoạt động điều tra hình sự; về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra và của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; về điều tra viên và các chức danh khác trong điều tra hình sự và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Dự án Luật được xây dựng theo tinh thần người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Dự thảo cũng có nhiều điểm mới về mô hình tổ chức cơ quan điều tra; giao một số hoạt động điều tra cho công an xã, phường, thị trấn, đồn, trạm; đề xuất quy định thêm chức danh trợ lý điều tra…

Đồng chí Phạm Văn Tấn, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh giới thiệu khái quát dự án Luật và các vấn đề cần góp ý
Đồng chí Phạm Văn Tấn, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh giới thiệu khái quát dự án Luật và các vấn đề cần góp ý
Đại tá Hồ Bá Võ, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, Công an tỉnh cho rằng việc giao cho công an xã, phường, thị trấn tiếp nhận tin tố giác, và thực hiện một số hoạt động hỗ trợ điều tra là cần thiết
Đại tá Hồ Bá Võ, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, Công an tỉnh cho rằng việc giao cho công an xã, phường, thị trấn tiếp nhận tin tố giác, và thực hiện một số hoạt động hỗ trợ điều tra là cần thiết

Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, đa số đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung, bố cục của dự thảo Luật. Về một số cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung một số tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Bộ đội biên phòng, lực lượng kiểm ngư để đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, biển và tăng thời hạn điều tra cho tất cả các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Trên thực tế, tội phạm xảy ra ở địa bàn nội địa hầu hết đều xảy ra tại khu vực biên giới mà bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách và chủ trì, phối hợp với lực lượng công an nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Ông Tôn Hiến Phương, Phó viện trưởng VKSND tỉnh góp ý cần nêu rõ quyền hạn của VKSND trong dự thảo Luật.
Ông Tôn Hiến Phương, Phó viện trưởng VKSND tỉnh góp ý cần nêu rõ quyền hạn của VKSND trong dự thảo Luật.
Ông Nguyễn Đông Đức, đại diện UBMTTQ góp ý kiến về việc mở rộng phạm vi điều tra cho bộ đội biên phòng là cần thiết.
Ông Nguyễn Đông Đức, đại diện UBMTTQ góp ý kiến về việc mở rộng phạm vi điều tra cho bộ đội biên phòng là cần thiết.

Đối với nội dung về tổ chức bộ máy của Cơ quan Cảnh sát điều tra, đa số các đại biểu tán thành với dự thảo Luật về việc hợp nhất Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ và thành lập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu.

Về trách nhiệm của công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, các ý kiến đều nhất trí với quy định của dự thảo Luật. Trong thực tế, nhiều trường hợp công an xã, phường, thị trấn, đồn công an là cơ quan trực tiếp, đầu tiên tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã nên việc giao các cơ quan này tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và thực hiện một số hoạt động hỗ trợ cho điều tra như quy định trong dự thảo Luật là phù hợp, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Phạm Bằng

Tin mới