Trả lời cử tri Nghi Lộc về việc cấp đổi đất thực hiện Dự án xây dựng công trình hồ chứa nước Khe Lim

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Cử tri xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc phản ánh việc cấp đất ở cho các hộ dân tại xóm 21, xã Nghi Văn có kế hoạch di dời ở lòng hồ đập Lim đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ, đảm bảo quyền lợi cho Nhân dân.

Trả lời:

Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có các Văn bản: số 8195/STNMT-QLĐĐ ngày 15/12/2022 và số 8468/STNMT-QLĐĐ đề nghị UBND huyện Nghi Lộc căn cứ quy định của pháp luật để xử lý theo thẩm quyền.

Trường hợp vượt thẩm quyền, đề nghị UBND huyện Nghi Lộc báo cáo cụ thể thời điểm các hộ dân được UBND xã Nghi Văn đổi đất để thực hiện dự án hồ chứa nước khe Lim; đồng thời báo cáo rõ loại đất, diện tích được cấp tại vị trí mới của các hộ dân và căn cứ quy định của pháp luật để đề xuất hướng giải quyết. Ngày 30/12/2022, UBND huyện Nghi Lộc có Công văn số 5207/UBND- TNMT báo cáo cụ thể như sau:

* Tóm tắt vụ việc:

Năm 2002, khi triển khai thực hiện dự án xây dựng công trình hồ chứa nước Khe Lim xã Nghi Văn, UBND huyện Nghi Lộc đã thành lập Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.

Tại thời điểm đó, có 9 hộ gia đình bị ảnh hưởng về đất. Trong đó, 2 hộ bị thu hồi toàn bộ thửa đất ở và vườn (ông Phạm Ngọc Tuấn và ông Nguyễn Văn Phong), 7 hộ bị thu hồi một phần diện tích của thửa đất (ông Nguyễn Văn Đạo, ông Phạm Hồng Kỳ, ông Đặng Minh Huệ, bà Hoàng Thị Quy, bà Cao Thị Huệ, bà Phạm Thị Thể, ông Phan Đình Phúc).

Vì không có kinh phí để thực hiện bồi thường về đất, nên Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện và UBND xã đã vận động người dân đổi đất sang vị trí khác; chỉ bồi thường về cây cối, tài sản trên đất.

Hồ sơ, thủ tục giải phóng mặt bằng thực hiện dự án không còn được lưu trữ nên không thể xác định được diện tích nơi đi của 9 hộ gia đình (hồ sơ chỉ có Quyết định thành lập Hội đồng bồi thường và Tờ trình đề nghị phê duyệt cây cối, hoa màu, vật kiến trúc, không có diện tích đất bị thu hồi).

Nghi Văn được xem là vùng khô hạn nhất huyện Nghi Lộc, các hồ, đập thường cạn trơ đáy trong những năm trước. Ảnh tư liệu: Quang An

Nghi Văn được xem là vùng khô hạn nhất huyện Nghi Lộc, các hồ, đập thường cạn trơ đáy trong những năm trước. Ảnh tư liệu: Quang An

Khi giao đất tại vị trí mới thì UBND xã Nghi Văn không có văn bản giao đất và diện tích giao đất mà thực hiện giao theo khoảnh (thời điểm này, UBND xã Nghi Văn chưa được đo đạc bản đồ địa chính). Sau khi được giao đất, 3 hộ gia đình đã xây dựng nhà ở gồm: Ông Nguyễn Văn Phong, ông Phạm Ngọc Tuấn, bà Phạm Thị Thể. Các hộ còn lại sản xuất nông nghiệp trên đất.

Theo kết quả đo đạc bản đồ địa chính thì diện tích đất hiện trạng sử dụng của các hộ gia đình như sau:

- Nguyễn Văn Đạo, thửa 122, tờ bản đồ số 5, diện tích 1130m2, sản xuất nông nghiệp;

- Đặng Minh Huệ, thửa 449,450 tờ bản đồ số 4, diện tích 706m2, sản xuất nông nghiệp;

- Phạm Hồng Kỳ, thửa 457,496,495,472, Tờ bản đồ số 4, diện tích 1752m2, sản xuất nông nghiệp;

- Hoàng Thị Quy, thửa 146, tờ bản đồ số 5, diện tích 560m2, sản xuất nông nghiệp;

- Cao Thị Huệ (Trọng), thửa 144, Tờ bản đồ số 5, diện tích 629m2, đã xây dựng nhà ở;

- Phạm Thị Thể, thửa 458, tờ bản đồ số 4, diện tích 1321m2, đã xây dựng nhà ở;

- Phan Đình Phúc, thửa 525, tờ bản đồ số 4, diện tích 628m2, sản xuất nông nghiệp;

- Phạm Ngọc Tuấn, thửa 78, tờ bản đồ số 11, diện tích 2277m2, đã xây dựng nhà ở;

- Nguyễn Văn Phong, thửa 79, tờ bản đồ số 11, diện tích 3313m2, đã xây dựng nhà ở.

Nguồn gốc sử dụng đất của các hộ bị thu hồi đất đều được ở từ trước 18/12/1980. Do đó, các hộ yêu cầu phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình theo nguồn gốc sử dụng đất từ trước năm 1980 (các hộ thu hồi toàn bộ đất ở thì đất ở 5 lần hạn mức, còn lại đất vườn; đối với các hộ thu hồi một phần thửa đất thì được xác định đất ở tổng diện tích thửa đất cũ và thửa đất mới, phần còn lại được xác định đất vườn).

* Quy định của pháp luật

- Khoản 2, 3, 4 Điều 21 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định:

“2. Thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định căn cứ vào thời gian và nội dung có liên quan đến mục đích sử dụng đất ghi trên một trong các giấy tờ sau đây:

a, Biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất;

b, Biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất, biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc xây dựng công trình gắn liền với đất;

c, Quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực thi hành, quyết định thi hành bản án của cơ quan Thi hành án đã được thi hành về tài sản gắn liền với đất;

d, Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực thi hành; biên bản hòa giải tranh chấp đất đai có chữ ký của các bên và xác nhận của đại diện UBND cấp xã nơi có đất;

đ, Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có liên quan đến việc sử dụng đất;

e, Giấy tờ về đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú dài hạn tại nhà ở gắn với đất ở; Giấy chứng minh nhân dân hoặc Giấy khai sinh, giấy tờ nộp tiền điện, nước và các khoản nộp khác có ghi địa chỉ nhà ở tại thửa đất đăng ký;

g, Giấy tờ về việc giao, phân, cấp nhà hoặc đất của cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao quản lý, sử dụng đất;

h, Giấy tờ về mua bán nhà, tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy tờ về mua bán đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan;

i, Bản đồ, sổ mục kê, tài liệu điều tra, đo đạc về đất đai qua các thời kỳ;

k, Bản kê khai đăng ký nhà, đất có xác nhận của UBND cấp xã tại thời điểm kê khai đăng ký.

3. Trường hợp thời điểm sử dụng đất thể hiện trên các loại giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều này có sự không thống nhất thì thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định theo giấy tờ có ghi ngày tháng năm sử dụng đất sớm nhất.

4. Trường hợp không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều này hoặc trên giấy tờ đó không ghi rõ thời điểm xác lập giấy tờ và mục đích sử dụng đất thì phải có xác nhận của UBND cấp xã về thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất trên cơ sở thu thập ý kiến của những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất của người có yêu cầu xác nhận trong khu dân cư (thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố) nơi có đất”.

- Tại Khoản 18, Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP quy định: Trường hợp thửa đất có nhà ở thì diện tích đất ở được công nhận bằng hạn mức công nhận đất ở tại địa phương nếu đã sử dụng đất ổn định trước ngày 15 tháng 10 năm 1993; diện tích đất ở được công nhận bằng hạn mức giao đất ở tại địa phương nếu đã sử dụng đất ổn định từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2014”.

-Tại Khoản 1, Điều 3, Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định: “Trường hợp đang sử dụng đất ổn định mà không phải do lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép thì loại đất được xác định theo hiện trạng đang sử dụng”.

* Ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường

Theo báo cáo của UBND huyện Nghi Lộc tại Công văn số 5207/UBND-TNMT ngày 30/12/2022, các hộ gia đình có kiến nghị đều được UBND xã Nghi Văn đổi đất sau ngày 15/10/1993 (năm 2002). Do đó, đối chiếu các quy định của pháp luật nêu trên, việc các hộ này yêu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở theo thời điểm mà các hộ đã sử dụng trước đây (vị trí bị thu hồi) là không có cơ sở.

Vì vậy, để giải quyết kiến nghị của các hộ dân, Sở Tài nguyên và Môi trường kính đề nghị UBND tỉnh giao UBND huyện Nghi Lộc rà soát lại công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Trường hợp nếu thấy thiệt thòi cho người dân, đề nghị UBND huyện Nghi Lộc có văn bản xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Sở Tài nguyên và Môi trường).

Tin mới